Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giới hạn & vĩnh cửu
Thứ sáu: 22:21 ngày 26/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một nắm đất là giới hạn, một viên đá là giới hạn, nhưng sức nặng tin yêu của nắm đất, chiều cao của tình yêu biển đảo được vun bồi trong mỗi con người là vô cùng và vĩnh cửu.

Các đại biểu trồng cây với đất thiêng từ khắp mọi miền trên đất liền gửi ra Trường Sa - Ảnh: HỮU KHOA

Như vậy là những nắm đất thiêng liêng từ đền Hùng, từ Lũng Cú cực Bắc, từ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồi A1 Điện Biên Phủ, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, từ Huế, “đất thép” Củ Chi và cực Nam - Đất Mũi Cà Mau trong hành trình “Đất thiêng gửi Trường Sa” của những người làm báo Tuổi Trẻ đã ra đến Trường Sa.

Lâu nay, trong những chuyến đi Trường Sa, nhiều thành viên vẫn lặng lẽ mang theo những nắm đất quê hương vun bồi cho đảo như một ký thác tin yêu. Nhưng đây là lần đầu tiên, báo Tuổi Trẻ quyết định có hẳn một chiến dịch mang tên “Đất thiêng gửi Trường Sa”.

Suốt mấy tuần qua, phóng viên Tuổi Trẻ đã chia làm nhiều mũi đi đến những vùng đất thiêng của Tổ quốc, thực hiện các nghi thức trang trọng để xin mang đất từ Đất Mẹ ra với phần máu thịt Tổ quốc xa xôi giữa 
trùng dương.

Đó là sự tiếp nối linh thiêng trong tâm thức người Việt. Như những cụ ông cụ bà sống ở tận chân trời góc bể xứ người, mỗi lần về Việt Nam vẫn thành tâm đảnh lễ tại đền Hùng, xin Quốc Tổ được cho mang theo trong hành lý xa quê một nhúm đất trên Nghĩa Lĩnh Sơn, một chút chân nhang nơi bàn thờ Tiên Đế để giữa ấm lạnh xứ người, mỗi lần đốt nén nhang là nghe cả quê nhà bỗng chốc gần gũi, xóa đi không gian ngàn trùng cách biệt.

Cũng như thế, sáu năm trước, cô sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM Nguyễn Phan Hà Châu đã tâm sự về câu chuyện của mình khi mang nắm đất ra Trường Sa: “Khi có tên trong danh sách được ra đảo, tôi đã lấy một nắm đất ở trường học của mình cất vào hành lý.

Khi ra đến Trường Sa Lớn, giữa biển cả mênh mông, tôi thấy “gói hành lý đặc biệt” của mình thật có ý nghĩa. Tôi đã để gói đất của mình vào một góc của thủ phủ huyện đảo và giữ đó là niềm vui cho riêng mình. Dù một gói đất không lớn nhưng nếu nhiều người cùng chung sức làm, tôi tin đảo sẽ ngày càng gần với đất liền hơn”.

Từ nắm đất nhỏ bé ấy của Hà Châu đã gây men cho một chương trình lớn hướng về biển đảo mang tên “Góp đá xây Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ, lay động tâm can hàng chục triệu người dân nước Việt.

Đảo xa đã gần hơn từ hiện thực của những công trình góp đá xây Trường Sa, mà bạn đọc Tuổi Trẻ đã đóng góp xây dựng từ nhiều năm qua như nhà lâu bền, thuyền CQ (chủ quyền)... và chuyến hành trình mang đất thiêng ra đảo lần này sẽ có thêm một công trình mang tấm lòng bạn đọc từ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông”, đó là khánh thành Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa với kinh phí đầu tư 22 tỉ đồng.

Đảo xa càng gần hơn vì còn có những mốc đá chủ quyền mang tên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ nhiều năm nay gửi về đất liền, để trao tặng cho hàng chục tỉnh thành trong cả nước...

Hàng vạn nắm đất mang hơi ấm đất liền cho đảo, cũng là hồn cốt của lòng yêu nước đang trào dâng trong mỗi con dân đất Việt khi nhắc đến Trường Sa.

Một nắm đất là giới hạn, một viên đá là giới hạn, nhưng sức nặng tin yêu của nắm đất, chiều cao của tình yêu biển đảo được vun bồi trong mỗi con người là vô cùng và vĩnh cửu. Vĩnh cửu như tình yêu Tổ quốc trong mỗi chúng ta!

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục