Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Truyện ngắn
Giọt máu đào...
Thứ hai: 19:37 ngày 02/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thằng con chị hối như thúc:

- Nhanh nhanh mẹ! Ðẩy xe nhanh nhanh giùm Kha, Kha đi thay quần áo cho kịp! Tính đi nãy giờ mà mắc đi giao mấy bình gas nên xém trễ.

Ðồng hồ chỉ bốn giờ, chị bảo khẽ:

- Ăn tô mì đi, mẹ mới nấu đó. Mới bốn giờ mà! Hẹn với ba bốn rưỡi phải không?

- Bốn rưỡi nhưng trừ hao đường đi nữa mẹ! Thôi Kha đi, lát về ăn!

Nhìn thằng con tất tả vù xe ra đường, chị chợt nghe nhói ruột.

Anh chị ly hôn khi thằng bé 5 tuổi, nay nó đã 16 tuổi rồi. Máu mủ ruột rà mà, chỉ cần nghe tin ba nó về nhà nội, thằng bé lại líu ríu đi thăm.

Ngày đó… sau sáu năm đầu ấp, tay gối, chị quyết chia tay vì không chịu được tính lười nhác, hay “nổ” của chồng. Anh làm bảo vệ trường học, chị là giáo viên. Nhưng chỉ cần ra khỏi phạm vi nhà trường, nghĩa là vào cuộc rượu với bạn bè, họ hàng nào đó lâu lâu gặp lại, anh không bao giờ nói thật công việc của mình, mà khoe là… hiệu phó.

Còn cao giọng: “Ai vào trường, muốn gặp thầy cô nào đều phải hỏi ý kiến của tôi”. Mấy lần gặp phải các vị hiệu phó thật, người ta hỏi anh làm ở trường nào, lương, thưởng, phụ cấp thâm niên được bao nhiêu, anh lúng túng “đẩy” sang chị: “Hỏi vợ tôi ấy, lương tôi đưa cô ấy cả, có giữ đâu mà biết”. Mấy lúc như thế, chị thường giả lả cho qua chuyện.

Chị thủ thỉ, làm bảo vệ đâu có gì xấu, đâu có ai bắt anh phải “nổ”? Anh hì hì rằng: “Ðàn ông đời này, có thằng nào không vậy!”.

Con dần lớn, vợ chồng không có ruộng vườn đất cát, chỉ ăn lương nhà nước nên cũng chật vật lắm. Thế là nhân dịp cô bạn thời học sinh sang lại cửa hàng gas- bếp gas, chị bàn với anh mua lại để kinh doanh thêm. Chạy vạy họ hàng hai bên, rút cả tiết kiệm, chị cũng có được nửa số tiền cần dùng.

Anh đồng ý làm, cô bạn cũng đồng ý cho chị nợ năm mươi triệu, mỗi tháng trả năm triệu. Có được công việc làm ăn, chị mừng vì có thêm thu nhập để nuôi con học hành. Chị vận dụng hết các mối quan hệ để mời người ta lấy gas, mua bếp, mua vật dụng nhà bếp ở cửa hàng mình. Nhưng rồi… chỉ có tiền chị bán vật dụng tại cửa hàng là còn, tiền anh đi giao gas, bán bếp đều biệt vô âm tín. Mới đầu anh nói người ta nợ, hẹn vài ngày, sau lại nói bạn bè, họ hàng bên nội, người mua này mua kia mà không tiền nên anh cho thiếu. Chị phải cực công xác minh sao cho không phiền hà để rồi té ngửa ra rằng: Không ai nợ tiền anh hết, mà tất cả tiền bán hàng anh đã đem đổ vào các cuộc nhậu nhẹt, bài bạc cùng bạn bè!

Chỉ vài người bạn quen sơ sơ, nhưng anh đãi ở phố hải sản, ở làng nướng, ở dê núi… Tuần hai ba lần thôi nhưng cũng đủ đi đứt năm bảy triệu bạc, bằng hai lần tiền công bảo vệ của anh. Rồi bài bạc từ độ nhỏ đến độ lớn, đá banh, bóng chuyền giải to giải nhỏ, ai rủ anh cũng tham gia.

Cãi nhau dữ dội, anh nói chị chi li đàn bà. Cũng là đàn ông, sao người ta đầu đội trời, chân đạp đất, còn anh tại sao phải sống “dưới tay” vợ? Giờ làm ông chủ rồi, anh còn sợ gì mà không ăn chơi cho đáng mặt?

Chị bảo, đàn ông thì cứ tung hoành bốn phương đi, nhưng hãy tung bằng tiền của mình làm ra. Ðằng này cửa hàng còn nợ, bình gas hay cái bếp cũng chỉ lời vài chục ngàn, anh xài đến bạc triệu không thấy xót sao?

Anh ơ hờ: “Em chịu thì chịu, không chịu thì thôi, tôi có thể bỏ vợ chứ không thể bỏ bạn”.

Chị tiếc mình sao không phải là người đàn bà yếu đuối để “luỵ” chồng cho con có cha; mà đã ly hôn ngay lập tức vì không thể sống với người đàn ông “lý sự cùn”.

Khốn khổ chưa chịu buông tha cho chị. Sau khi ly hôn một tuần, chị phát hiện mình có thai đã hai tháng rưỡi. Ấy là từ một cú va quẹt giao thông và chị phải vào bệnh viện. Thì ra do chu kỳ phụ nữ của chị không đều nên chị không biết mình có thai. Vừa ly hôn, nuôi con nhỏ, vực dậy cửa hàng gas, lại bầu bì và công việc chuyên môn ở trường, chị cũng không biết sao mà mình thành siêu nhân như vậy.

Trước tiên, chị mướn một người anh họ xa trông cửa hàng và đi giao gas, ăn chia theo kiểu “năm - năm”. Nghĩa là bán mỗi món hàng, giao mỗi bình gas đều ghi vào sổ, cuối tháng trừ vốn ra, tiền lời sẽ chia đôi. Vừa để người đứng bán tận tâm với công việc, vừa để anh ta vận dụng các mối quan hệ, kéo khách về cửa hàng.

Chồng cũ nghe chị sinh con sau ly hôn bảy tháng thì thừa biết đó là con mình. Anh bắt đầu lui tới thăm “em thằng Kha” nhưng chị kiên quyết từ chối. Người nhà chồng cũng bắt đầu lui tới, bằng các việc gọi gas cửa hàng chị, mua bếp, sắm vật dụng nhà bếp của chị.

Rồi tiếng xì xào bán tán. Người nói “Em bé mà mẹ thằng Kha vừa sinh giống y hệt thằng Kha”. “Giỏ nhà ai/ quai nhà nấy mà. Kêu ba thằng Kha liệu mà trở về cho gia đình sum họp”. Chị chỉ cười thầm, trong khai sinh con gái chỉ có họ tên mẹ, nó là đứa con của riêng chị mà thôi.

Con trai bắt đầu trổ mã, có điện thoại riêng, qua vài người họ hàng bên nội thì nó và ba liên lạc thường xuyên với nhau. Những lúc em bé bệnh phải đi bệnh viện, thấy chị tất tả ngược xuôi, Kha bâng quơ: “Nhà mình mà có ba, thì mẹ đỡ cực hơn”. Chị không muốn nói với con về chuyện cũ, chỉ bảo rằng mẹ thấy ba mẹ con mình vẫn sống tốt.

Hết lớp 9, Kha không học phổ thông tiếp, mà muốn học trường nghề, ngành nghiệp vụ nhà hàng, để được học nấu ăn, bếp núc. “Ðể Kha phụ mẹ chứ thấy mẹ việc trường lớp rồi bán buôn cực quá. Có nhiều khi bữa cơm còn không nấu kịp mà ăn”.

Chị không cản, cứ để con học và làm những gì con yêu thích. Ba năm trường nghề, con chị tốt nghiệp loại giỏi và có luôn “chứng nhận hoàn thành chương trình cấp 3”. Con dự tính sẽ đi học thêm ngành bếp “để nấu những món thiệt ngon cho mẹ”. Trong thời gian chờ có lịch học của trường, Kha ở nhà phụ mẹ trông cửa hàng gas.

Ba của con chị sau nhiều năm ly hôn cũng đã lập gia đình mới. Nay nhân dịp đám giỗ bà nội nên anh đưa vợ con về và hẹn con trai lên gặp mặt.

Ðứa trẻ của gia đình ly hôn nào cũng vậy, thiếu cha hay vắng mẹ đều khiến nó không vui vẻ thoải mái chút nào. Nhưng vì biết suy nghĩ, biết thương mẹ nên nó cố làm vui mà học hành, làm việc. Ðể rồi khi hay tin ba về là nó lại háo hức muốn gặp.

Chị không trách chồng cũ, bởi có lẽ anh chị chỉ “có duyên vợ chồng” với nhau một quãng đường ngắn vậy thôi. Mười mấy năm qua anh chưa một lần cấp dưỡng cho con, chị vẫn dặn lòng là, chắc anh túng bấn. Chị càng không trách con theo kiểu “Mười mấy năm nay đói no vui buồn gì mẹ con cũng bên nhau. Nay nghe tin ba mày về cái nháo nhào quên ăn bỏ uống”. Bởi một điều đơn giản, dù có thế nào, dòng máu trong cơ thể con chị vẫn là của người ấy đó thôi.

Chị chỉ kịp dúi vào túi con ít tiền và chúc đi chơi vui vẻ.

Chừng 15 phút sau, Kha quay về với gương mặt méo xệch. “Ði mất rồi, khỏi gặp”.

- Sao vậy?

- Ba nói đường về xa lắm, chờ con tới bốn rưỡi sợ không kịp về tới nhà nên kêu tài xế lái xe đi rồi. Vậy mà Kha tưởng ba đi xe máy, sợ về đường xa tối mệt nên tranh thủ lên gặp ba. Ai ngờ…

Chị vỗ vai cậu chàng 16 tuổi gục xuống bàn nuốt những cơn nghẹn khô. Rằng đời còn dài, biết đâu xe ba con hợp đồng chỉ tới giờ đó, nếu trễ chủ xe không chịu. Hoặc giả như việc làm ăn của ba con bên đó đang có khách chờ nên ba phải về gấp. Lần sau con sẽ gặp ba mà, vì năm nào chả tổ chức giỗ bà nội.

Thằng bé tươi tỉnh lên được một chút.

- Ý mà mẹ à, bé Ngọc nhà mình cũng là con của ba phải không? Kha lớn rồi nha, mẹ đừng giấu nữa. Chỉ cần mẹ nói phải hay không thôi chứ con biết hết đấy!

Chị cười cười: Ðã nói bé Ngọc là con của hồng hạc rồi mà.

- Biết rồi, chú hồng hạc đó vừa bay bằng xe du lịch… thôi bay luôn đi chứ đừng quay lại làm khổ mẹ tui thêm nữa nha.

Chị cười. 16 tuổi, con trai chị đã chững chạc hẳn rồi.

Ð.P.T.T

Tin cùng chuyên mục