Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hơn hai tháng nay, ngày nào cũng vậy, trong xóm nhỏ ở ấp Trường An lại vang lên tiếng nhạc ngũ âm. Tiếng nhạc có hôm rời rạc, ngập ngừng. Nhưng, cũng có ngày, các bản nhạc với âm sắc réo rắc, nhịp nhàng.
Hiện nay, tỉnh Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống với 5.641 hộ/20.835 người, chiếm 1,79% dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Khmer đông nhất, khoảng 2.458 hộ/9.421 nhân khẩu, chiếm 0,81% dân số toàn tỉnh. Đồng bào Khmer sống tập trung ở các xã Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh), xã Tân Hưng, Tân Đông, Tân Hoà (huyện Tân Châu), hay các xã Ninh Điền, Hoà Hội, Biên Giới thuộc huyện Châu Thành…
Mỗi nơi, mỗi xóm, bà con đồng bào Khmer luôn chấp hành tốt những chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật. Mọi người chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình với các quy định không kết hôn trước tuổi, không kết hôn trong cùng huyết thống; Luật Giao thông đường bộ, Luật Bình đẳng giới… Và mọi người cũng ý thức trong giữ gìn những di sản văn hoá, những nét truyền thống của dân tộc.
Thầy Ti Po hướng dẫn em Bé Trà đánh đàn.
Với bà con Khmer ở ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành cũng vậy. Nơi đây có điệu múa trống Chhay-dăm- một di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; có những câu hát, điệu múa của đồng bào vẫn được cất lên mỗi dịp lễ tết. Và gần đây, mọi người bắt đầu hành trình mới…
Hơn hai tháng nay, ngày nào cũng vậy, trong xóm nhỏ ở ấp Trường An lại vang lên tiếng nhạc ngũ âm. Tiếng nhạc có hôm rời rạc, ngập ngừng. Nhưng, cũng có ngày, các bản nhạc với âm sắc réo rắc, nhịp nhàng. Đó là tiếng đàn mới học của một nhóm bạn trẻ người Khmer nơi đây. Lớp học là một gian chái nhỏ bên hông nhà bà Cao Thị Pho La. Bà Cao Thị Pho La năm nay đã gần 70 tuổi. Lớp học này được bà và một mạnh thường quân tài trợ học phí mở ra với mong muốn giữ gìn nét văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer.
Bà Cao Thị Pho La cho biết: “Đồng bào Khmer ở đây theo đạo Cao Đài, trong đó mỗi dịp lễ của đạo, chúng tôi thường biểu diễn những tiết mục văn nghệ của đồng bào Khmer. Riêng nhạc ngũ âm sẽ trình diễn vào dịp đại lễ Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Tám. Hiện nay, lớp lớn cũng nhiều người có gia đình, rồi bận đi làm, nên chúng tôi cũng mong muốn đào tạo thêm cho thế hệ trẻ. Chúng tôi tranh thủ những ngày hè, mở lớp để cho tụi nhỏ học. Trước hết là để các cháu biết được nét văn hoá của dân tộc Khmer, gìn giữ và sau là phục vụ, lan toả đến mọi người”.
Sóc Dễ dễ dàng tiếp thu kiến thức khi đánh trống.
Một dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer được hợp thành từ 5 bộ nhạc cụ gồm bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Mỗi loại nhạc cụ có âm sắc riêng, khi hoà tấu với nhau tạo thành “bản giao hưởng” độc đáo, từ sâu lắng, nhẹ nhàng đến cao vút, hùng hồn, rộn ràng.
Lớp học có 8 em, mỗi em phụ trách một nhạc cụ khác nhau. Em Mây Thị Bé Trà phụ trách đàn xuồng- đàn chính trong dàn nhạc. Chiếc đàn làm từ gỗ vẫn còn những nét phấn viết số để làm dấu từng nốt nhạc. Bé Trà năm nay 12 tuổi. Hiện đang học tại Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành). Bé Trà cho biết, mùa hè năm nay thật khác biệt hơn so với những năm trước. Bởi các bạn đã dành hết thời gian cho lớp học nhạc.
Theo bà Cao Thị Pho La, những năm trước đây, việc lưu giữ những nét văn hoá của dân tộc Khmer, già làng và bà con đều cố gắng bằng nhiều cách khác nhau. “Vũ điệu hoàng gia chúng tôi có thể tự truyền dạy với nhau. Múa trống Chhay-dăm cũng vậy, mọi người có thể truyền dạy cùng nhau, nhưng hiện nay việc đánh đàn ngũ âm chưa có người dạy. Trước đây, chúng tôi phải mời thầy từ Campuchia qua dạy. Nhưng gần đây, qua mấy lần đi giao lưu, chúng tôi biết có thầy Ti Po ở Sóc Trăng. Người trong nước cũng dễ hơn”, bà Cao Thị Pho La chia sẻ.
Gian nhà nhỏ nơi các em học nhạc ngũ âm.
Thầy Lâm Ti Po cho biết, mỗi ngày, các em sẽ đi học hai buổi, buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 2 giờ đến 5 giờ. Ngày nào cũng vậy. Riêng ngày thứ bảy và chủ nhật, thầy sẽ cho các em nghỉ học buổi sáng để các em có thể tự học cùng nhau. Và buổi chiều các em lại tiếp tục học. “Các em chưa ai từng đánh qua nhạc ngũ âm, nhưng tất cả đều học rất nhanh. Những ngày đầu, khi chưa quen, mọi người còn chập chững, nhưng chỉ cần 2 hôm, mọi người đã thuộc những bản nhạc đầu tiên. Điều này một phần nhờ các em chăm chỉ, chịu khó học bài và một phần cũng đến từ năng khiếu, niềm đam mê trong các em”, thầy Ti Po nói.
Giờ học kín cả tuần. Nhưng dường như trên gương mặt của mọi người đều rất thích thú, vui tươi. “Học nhiều nhưng tụi em rất thích. Vì học nhiều để đánh đàn cho hay. Sắp tới năm học mới rồi, tụi em đi học, không có nhiều thời gian học nữa. Học mới đầu hơi khó vì chưa thuộc nốt nhạc, nhưng khi đã thuộc rồi, tụi em đánh được một bài rất nhanh”, em Cao Thị Thanh Nhã, phụ trách đánh đàn sắt cho biết.
Với Sóc Dễ, việc đánh trống trong dàn nhạc không quá khó. Bởi em từng tham gia vào đội biểu diễn trống Chhay-dăm. Nên chỉ cần thầy hướng dẫn, Sóc Dễ đã có thể bắt nhịp và đánh theo dễ dàng.
Sau hơn 2 tháng học tập chăm chỉ, các thành viên của ban nhạc đã có thể đánh nhuần nhuyễn các bài của thầy Ti Po đưa ra.
Tuỳ theo từng bài, em Mây Thị Bé Trà sẽ đánh đàn xuồng roneat ek, hoặc em Sóc Dễ sẽ đánh trống skor sompho để “khởi xướng” cho cả dàn nhạc. Tiếp theo đó, các em Cao Thị Giàu đánh đàn roneat thung, Cao Văn Nam điều khiển 2 chiếc trống lớn. Hai em Cao Thị Ngọc Hiền và Cao Thị Diễm Hương nhịp nhàng sử dụng hai chiếc dùi đánh lên chiếc những nhạc cụ bằng đồng. Em Cao Thị Lệ với chiếc chập cheng nhỏ gọn vừa trong lòng bàn tay cũng bắt nhịp cùng mọi người. Mỗi thanh âm của từng nhạc cụ vang lên, hoà tấu thành một bản hoà ca rộn ràng, réo rắt.
Em Mây Thị Bé Trà đánh đàn xuồng- một nhạc cụ được làm từ gỗ.
Theo thầy Lâm Ti Po, hiện nay, các bạn đã tiếp thu được 80% những kiến thức ngũ âm. Trong thời gian còn lại của mùa hè này, thầy sẽ cố gắng dạy để các em tiếp thu và sau đó có thể tự mình học. Với tình yêu truyền thống, với đam mê âm nhạc, các em nhỏ Khmer sẽ tiếp bước những người đi trước, gìn giữ, lưu truyền bản sắc văn hoá của dân tộc. Bởi các em biết rằng, đó là hồn cốt, là nét riêng làm nên dân tộc Khmer Nam bộ.
Khải Tường