BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giữ nghề làm heo đất truyền thống 

Cập nhật ngày: 10/08/2023 - 14:53

BTNO - Nghề làm heo đất truyền thống nổi tiếng ở những lò gốm Bình Dương với tuổi đời hơn 50 năm. Tại Tây Ninh, có một xưởng gốm độc nhất chuyên làm heo đất, được gầy dựng từ sự yêu nghề của chị Nguyễn Thị Kim Ngân- người con đất Lái Thiêu và là con dâu quê hương Tây Ninh.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân có 28 năm gắn bó với nghề làm heo đất.

Xưởng gốm của chị Kim Ngân hoạt động chừng 3 năm nay tại xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành. Sinh ra ở Lái Thiêu- xứ sở của gốm sứ, từ nhỏ chị Ngân đã bị những sắc màu của gốm sứ, của men mê hoặc. Năm 12 tuổi, chị bắt đầu theo các nghệ nhân học nghề vẽ heo đất. Và từ một người thợ vẽ, chị dần bước đi xa hơn: mở xưởng đúc heo. Đến nay, hơn 28 năm, chị Ngân vẫn đang gìn giữ và phát triển nghề làm heo đất truyền thống.

Chị Kim Ngân kể: “Gia đình mình không có ai làm nghề này hết. Mình thích cái nghề này nên theo các chú bác mày mò học hỏi. Mình yêu thích tới giờ, khi về Tây Ninh sống mình cũng ôm nghề, giữ nghề”.

Để có một chú heo đất ra đời, phải qua nhiều công đoạn. Đất sét sau khi mua về, cho qua máy nhào trộn với những nguyên liệu cần thiết khác, sau đó được cho vào khuôn. Ngày xưa, nghề làm heo đất phải nặn bằng tay. Nhưng hiện nay, đã có những khuôn thạch cao định hình sẵn. Thế nên việc tạo ra thành phẩm cũng nhanh và đẹp hơn.

Để thân heo được rỗng, đất sau khi đổ vào trong khuôn sẽ đông cứng lại, người thợ lại trút ngược phần hồ dư trở lại. Tuy nhiên, để có thể nhận định được độ dày của từng thân heo phải trải qua kinh nghiệm nhiều năm. Bởi, nếu trút sớm, đất chưa đủ độ cứng, thân heo vì vậy sẽ vỡ vụn; ngược lại, nếu để đất quá “già”, sẽ làm bên trong heo đất đặc ruột, lại mất công dụng của một chú heo chứa tiền tiết kiệm.

Để một chú heo có thể đứng cân bằng, phần tạo chân cho heo đất hết sức quan trọng. Thao tác của người thợ phải nhanh và khéo để tạo ra nhiều sản phẩm và bảo đảm thẩm mỹ, thị hiếu khách hàng. Với thị trường nhiều cạnh tranh, chị Ngân phải tự tìm cho mình lối đi riêng. Sức sống bền bỉ với nghề chính là sự sáng tạo trong từng mẫu sản phẩm do chị làm ra.

“Ngoài làm heo đất, mình còn thiết kế mẫu 12 con giáp theo từng năm. Những mẫu mình tạo ra thường có kích thước lớn hơn các nơi khác, kiểu dáng cũng khác lạ nên rất được ưa chuộng”- chị Ngân cho biết.

Em Nguyễn Thị Ngân Vy (con gái chị Kim Ngân) mong muốn nối nghề của mẹ.

Hằng năm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau là thời gian hút hàng. Nên hiện tại, chị Ngân tranh thủ làm hàng để dành đến gần tết xuất bán. Những tháng hút hàng, một ngày xưởng heo đất của chị Ngân có thể cho ra được từ 2.800 đến hơn 3.000 chú heo đất lớn nhỏ.

Heo đất gắn liền với tuổi thơ của biết bao đứa trẻ; là “chiếc tủ bí mật” ai cũng từng sở hữu để cất giữ tiền tiết kiệm, tiền lì xì. Điều hấp dẫn ở mỗi chú heo đất chính bởi sắc màu sặc sỡ, bởi những nét vẽ đơn sơ nhưng hài hoà, tạo nên những chú heo trong sáng, hồn nhiên.

Từ sắc màu đất trắng nâu mộc mạc khi mới ra lò, những chú heo đất được người thợ điểm tô những sắc màu. Từng nét vẽ nhẹ nhàng khoác lên mình heo đất bộ áo mới lung linh, hấp dẫn. Thế nên, thị trường heo đất vẫn luôn được ưa chuộng, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

“Heo đất được thị trường rất chuộng, nước nào cũng sử dụng heo đất tiết kiệm, không riêng gì Việt Nam. Như: Úc, Nhật, Mỹ… nhưng hàng này mình tiêu thụ chính ở Việt Nam và Campuchia. Bây giờ nhà mình các con đều biết làm heo đất. Đứa con trai thì chạy xe bỏ hàng, đốt lò. Đứa con gái thì vẽ, trang trí heo đất”- chị Ngân chia sẻ.

Heo đất vừa được đúc khuôn.

Không giấu niềm hạnh phúc khi theo đuổi nghề truyền thống mẹ đã cất công gìn giữ, em Nguyễn Thị Ngân Vy (con gái chị Kim Ngân) chia sẻ: “Em bắt đầu làm heo đất được khoảng 8 năm. Toàn bộ các công đoạn để làm ra thành phẩm em đã biết hết rồi. Nghề này tuy cực, cứ quanh quẩn với bùn đất, dính màu lem luốc nhưng cũng có niềm vui riêng. Đứa con nhỏ của em cũng biết làm này kia rồi, sau này em cũng sẽ tiếp tục để bé giữ nghề, bỏ nghề này uổng lắm”.

Nghề làm heo đất dẫu lấm lem bùn đất, quanh năm gắn với màu sơn, nguồn thu cũng chỉ vừa đủ sống, nhưng chị Ngân và các con vẫn giữ lửa đam mê với nghề, cố gắng gìn giữ để nghề truyền thống không bị mai một.

Ngọc Diêu – Hòa Khang