BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giữ nguyên tổ chức bộ máy Quốc hội

Cập nhật ngày: 30/05/2014 - 07:09

Sáng 30/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Cơ quan soạn thảo (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, dự thảo Luật tiếp tục xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo hướng bảo đảm mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho 1 cơ quan thực hiện và chịu trách nhiệm để không có sự chồng chéo, trùng lặp.

Đối với những nhiệm vụ liên quan đến nhiều cơ quan thì phải xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và quy định rõ cơ chế chủ trì, phối hợp.

Về cơ cấu tổ chức, mặc dù công việc của một số Ủy ban hiện đang khá nặng nhưng trước mắt chưa đặt vấn đề chia tách hay tăng thêm số lượng các Ủy ban để giữ ổn định với tinh thần tinh gọn bộ máy.

Hiện Quốc hội có 10 cơ quan: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Các vấn đề xã hội, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng, và Văn phòng Quốc hội.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định xác định số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng, Ủy ban; việc phê chuẩn Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Dân tộc; Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban của Quốc hội; quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban.

Đồng tình với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật cho biết một số ý kiến đề nghị về lâu dài cần nghiên cứu để cơ cấu lại các cơ quan này theo hướng tăng cường tính chuyên ngành, tăng số lượng Ủy ban để khắc phục tình trạng quá tải.

Đối với lĩnh vực phụ trách của Ủy ban kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách, có ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng chuyển nội dung về tiền tệ, ngân hàng từ Ủy ban Kinh tế sang cho Ủy ban Tài chính-Ngân sách phụ trách.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị vẫn giữ quy định về lĩnh vực phụ trách của các Ủy ban này như hiện nay , vừa phù hợp với lĩnh vực mà Ủy ban Kinh tế phụ trách, vừa tạo điều kiện cho Ủy ban Tài chính-Ngân sách tập trung nhiều hơn về các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính, ngân sách nhà nước, là mảng công việc vốn đã rất nặng và phức tạp.

Xây dựng chức danh Tổng Thư ký Quốc hội

Dựa vào đánh giá hoạt động Quốc hội trong nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) đã quy định về chức danh Tổng Thư ký Quốc hội nhằm tổ chức lại các hoạt động hỗ trợ, phục vụ hoạt động Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp.

Tổng Thư ký Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội (thay thế cho chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Trưởng Đoàn Thư ký kỳ họp hiện nay).

Tổng Thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do Luật này quy định.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc quy định trong dự thảo Luật về Tổng thư ký Quốc hội. Việc quy định chức danh Tổng thư ký Quốc hội sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đối ngoại và cũng phù hợp với cách thức tổ chức công tác phục vụ các hoạt động chung của nghị viện nhiều nước.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho biết có ý kiến đề nghị cần tách các điều riêng để quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thư ký Quốc hội, các Phó Tổng Thư ký và Ủy viên Thư ký Quốc hội, đây là các đại biểu Quốc hội hay là các công chức thuộc bộ máy giúp việc; mối quan hệ công tác giữa Tổng Thư ký Quốc hội, các Phó Tổng Thư ký và các Ủy viên Thư ký với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc thực hiện các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Những nội dung cụ thể của dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sẽ được các đại biểu thảo luận trong các ngày 3 và 16/6 tới.

Theo Báo điện tử Chính phủ