Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ôn tập chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2017
Giúp học sinh tự hệ thống kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài
Thứ ba: 06:00 ngày 16/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho biết, hiện nay, các trường THPT trên cả nước đã tổ chức kiểm tra học kỳ hai, tiến hành vào điểm học bạ, đánh giá kết thúc năm học cho học sinh lớp 12 và bước vào giai đoạn ôn tập “nước rút” chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) trong giờ ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: TIẾN ĐỨC

Vì vậy, yêu cầu đặt ra, việc đánh giá, xếp loại học sinh và tổ chức ôn tập phải chính xác, minh bạch, không gây căng thẳng, quá tải cho học sinh. Chung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD và ĐT.

Phóng viên (PV): Việc xét tốt nghiệp THPT năm nay tiếp tục dựa trên điểm bài thi THPT quốc gia và điểm trung bình cả năm lớp 12. Vì vậy, Bộ GD và ĐT có lưu ý gì các trường trong quá trình hoàn thiện điểm học bạ lớp 12 cho học sinh để vừa bảo đảm quyền lợi cho các em, vừa không có tình trạng “làm đẹp” điểm tổng kết?

TS Vũ Đình Chuẩn: Việc sử dụng điểm các bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia kết hợp với điểm trung bình cả năm lớp 12 để tính điểm xét tốt nghiệp THPT được quy định và thực hiện trong những năm qua đã nhận được sự đồng tình cao của toàn xã hội.

Bởi kết quả xét tốt nghiệp THPT hằng năm đã chứng minh được tinh thần trách nhiệm và tính nghiêm túc, chính xác trong việc đánh giá học sinh của các trường. Các trường chỉ xác định được uy tín, chất lượng giáo dục khi việc đánh giá học sinh được thực hiện một cách nghiêm túc, khách quan, chính xác.

Mặt khác, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học hằng năm, Bộ GD và ĐT luôn nhấn mạnh việc "tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà giáo, quản lý kết quả học tập của học sinh". Đó là cơ sở để bảo đảm công tác đánh giá và ghi nhận kết quả học tập của học sinh được quản lý một cách thực chất.

Năm học 2016-2017, Bộ GD và ĐT đã hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ hai và cả năm học theo đúng quy định nhằm bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng, đúng năng lực thực chất của học sinh.

Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các sở GD và ĐT tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện sai các quy định nói chung, quy định về kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh nói riêng.

PV: Hiện nay, học sinh lớp 12 trên cả nước đã hoàn thành việc đăng ký thi THPT quốc gia 2017. Theo ông, các em cần chủ động ôn tập như thế nào trong giai đoạn “nước rút” cho phù hợp với kỳ thi năm nay?

TS Vũ Đình Chuẩn: Các em học sinh cần tự học một cách chủ động để hệ thống hóa kiến thức, phân loại câu hỏi, bài tập, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức trong các tình huống, vấn đề cụ thể thuộc chương trình môn học. Dành thời gian luyện tập thông qua việc giải các đề thi minh họa để phân tích, rút kinh nghiệm và củng cố kiến thức, kỹ năng làm bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi.

Đáng chú ý, các em nên tự mình ôn tập theo sự hướng dẫn của các thầy giáo, cô giáo ở trường, không nhất thiết phải đi học thêm, học luyện thi nhiều, vừa mất thời gian mà hiệu quả không cao.

Bên cạnh việc nắm vững kiến thức, kỹ năng, các em cũng cần chú ý cách phân tích đề thi, trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách phân bố thời gian hợp lý để giải quyết đề thi tương ứng với thời gian quy định cho mỗi môn thi, cách thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm để tránh bị mất điểm do những lỗi kỹ thuật.

Quan trọng nữa là các em cần giữ gìn sức khỏe để bảo đảm hoàn thành giai đoạn ôn thi với cường độ có thể cao hơn so với giai đoạn trước, tránh quá tải; chuẩn bị cho mình tâm lý tự tin trước khi bước vào kỳ thi.

PV: Thực tế những năm trước có trường vào giai đoạn “nước rút” thường lo lắng tổ chức ôn thi khá căng thẳng. Theo ông, các trường cần làm gì để vừa tổ chức ôn thi hiệu quả, vừa tránh áp lực, quá tải cho học sinh? Việc ôn thi ở giai đoạn này cần phân loại học sinh theo các mức độ và theo đăng ký môn thi hay không?

TS Vũ Đình Chuẩn: Có thể khẳng định, khi học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 12 thì cơ bản đã được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia. Việc ôn tập theo từng chủ đề, từng chương, từng học kỳ và cả năm học đã được thực hiện trong quá trình dạy học.

Vì vậy, việc tổ chức ôn tập cho học sinh (nếu có) ở thời điểm này cần tập trung hướng dẫn cho học sinh cách tự học, tự hệ thống lại kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài. Thời lượng tổ chức ôn tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên cần bảo đảm cân đối với thời gian tự học của học sinh. Các buổi hướng dẫn của giáo viên cũng nên dành cho việc giải đáp thắc mắc nhằm củng cố và khắc sâu kiến thức cho học sinh là chính.

Do việc tổ chức ôn tập theo hướng tăng cường cho học sinh tự học cho nên các trường không nhất thiết phải phân loại học sinh; ngược lại, nên khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình ôn tập. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần có phương pháp đặc thù đối với năng lực, nhu cầu ôn tập khác nhau của học sinh.

Như vậy, những học sinh còn yếu sẽ tiến bộ nhanh hơn, học sinh giỏi sẽ nắm chắc kiến thức hơn. Nội dung ôn tập vẫn phải tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục lớp 12 cấp THPT với bốn mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

PV: Theo ông, việc cho học sinh nghiên cứu và giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi tham khảo của Bộ GD và ĐT ở thời điểm này cần được triển khai ra sao để các em có phương pháp làm bài tốt khi dự thi cũng như tránh tình trạng “học tủ” với các dạng đề?

TS Vũ Đình Chuẩn: Bộ GD và ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo. Bộ đề tham khảo có cấu trúc giống như đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia nhưng không có tác dụng định hướng cụ thể nội dung kiến thức nào sẽ thi. Bởi vì, đề thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ bao quát toàn bộ chương trình lớp 12 cho nên thí sinh không thể học tủ.

Vấn đề hiện nay là các sở GD và ĐT, các cơ sở giáo dục cần nghiên cứu và giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi tham khảo của Bộ trong quá trình ôn luyện kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 ở quy mô cấp trường, lớp. Bộ GD và ĐT cũng lưu ý, đến thời điểm này các địa phương không nên tổ chức các kỳ thi thử với quy mô cụm trường hay toàn tỉnh, thành phố, vừa gây tốn kém thời gian và kinh phí, vừa tạo áp lực không cần thiết cho học sinh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Báo Nhân dân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục