Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giúp người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống
Thứ bảy: 07:31 ngày 26/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, những chính sách, chương trình hỗ trợ người khuyết tật (NKT) được thực hiện ngày càng đa dạng, từng bước giúp NKT hoà nhập, mạnh dạn, tự tin hơn trong cuộc sống.

Năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình hành động trợ giúp phụ nữ khuyết tật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Chỉ tiêu cụ thể đến hết năm 2025 có 60% phụ nữ khuyết tật được Hội giúp bằng các hình thức phù hợp. Trong đó, mỗi năm cơ sở hội giúp được ít nhất 1 phụ nữ khuyết tật/gia đình về sinh kế, nâng cao năng lực, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội, mái ấm tình thương, phụ nữ khuyết tật tự nguyện tham gia sinh hoạt tại chi, tổ hội, CLB.

70% các hoạt động trợ giúp, các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục của Hội bảo đảm tiếp cận dễ dàng, không còn rào cản đối với phụ nữ khuyết tật.

Năm 2021, Hội LHPN Dương Minh Châu xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động trợ giúp phụ nữ khuyết tật trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2030. Với mục đích nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của hội cơ sở, nhất là người đứng đầu trong công tác trợ giúp phụ nữ khuyết tật; vận dụng, lồng ghép vào công tác Hội phù hợp, hiệu quả.

Khi thực hiện chương trình, mỗi hội viên, phụ nữ phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc thúc đẩy hoạt động hỗ trợ NKT; tích cực vận động tổ chức, mạnh thường quân thực hiện tốt các chính sách liên quan đến phụ nữ khuyết tật giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, không phân biệt, kỳ thị, gây bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật từ cộng đồng.

Theo bà Lê Thị Mỹ Lệ- Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Dương Minh Châu: Việc thực hiện chính sách không gặp khó khăn khi thực hiện cùng các chương trình như hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ BHYT. Qua khảo sát, nhận thấy nhiều chị em phụ nữ khuyết tật có nhu cầu phát triển kinh tế, huyện đã đăng ký thực hiện chính sách. Trong năm 2022, qua rà soát, toàn huyện có trên 618 phụ nữ khuyết tật, trong đó có 201 chị hoàn cảnh khó khăn. Tháng 3.2022, Huyện hội triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn. Bên cạnh hỗ trợ vốn để phụ nữ khuyết tật, gia đình có nguồn vốn sản xuất, trong các dịp lễ tết, Hội cấp huyện, xã/thị trấn còn có các hoạt động thăm, tặng hàng trăm phần quà cho phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn; trao vốn khởi nghiệp cho 10 phụ nữ khuyết tật, trao 2 thẻ BHYT, 1 con bò giống, xây tặng 1 mái ấm tình thương; trao hỗ trợ sinh kế như xe lăn, trợ cấp hằng tháng, tặng xe bánh mì, hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Muội- Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Ninh cho biết, mới đây, Chương trình hỗ trợ phụ nữ khuyết tật tại xã đã trao vốn 5 triệu đồng cho chị Đặng Thị Chi, ngụ ấp Lộc Thuận, là hộ cận nghèo. Chị Chi là người khuyết tật, làm nghề bán vé số, chồng chị bị gù lưng, hai vợ chồng đang nuôi 3 con nhỏ. 3 năm trước, gia đình chị Chi được hỗ trợ 1 con bò theo Đề án 01, từ bò mẹ đã phát triển thêm 2 bò con.

Đại diện Hội LHPN huyện Dương Minh Châu và xã Lộc Ninh trao vốn hỗ trợ cho gia đình chị Chi.

Chị Chi là phụ nữ khuyết tật thứ 15 trên tổng số 52 phụ nữ khuyết tật tại xã được hỗ trợ vốn. Vốn được hỗ trợ từ hai nguồn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, mỗi người được 5 triệu đồng, phù hợp với nhu cầu thực tế. “Nhu cầu vốn của những phụ nữ khuyết tật trên địa bàn xã không cao lắm. Chủ yếu các chị cần vốn để chăn nuôi nhỏ lẻ, kiếm thêm thu nhập”- chị Muội nói.

Chương trình được triển khai thực hiện tại địa phương năm 2022, nguồn vốn được xã hội hoá, đến nay, chương trình đang dần phát huy tác dụng. Theo chị Muội: “Thực hiện chương trình góp phần thay đổi suy nghĩ của người khuyết tật. Họ không còn mặc cảm, tự ti vì có việc làm, kiếm ra tiền, không còn sống phụ thuộc gia đình nữa. Về mặt cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức sẻ chia, giúp đỡ đối với người khuyết tật”.  

Hiện nay, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ trẻ em mồ côi có nhiều chương trình hỗ trợ đang triển khai. Có thể nói, khi tự chủ được kinh tế, NKT sẽ tự tin hoà nhập hơn. Hội đang tập trung chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật theo hình thức hỗ trợ vốn không tính lãi, dành cho đối tượng NKT đang tham gia các CLB NKT.

Theo nhận định, NKT vẫn còn tâm lý dè dặt khi nhận vốn, chỉ những người thật sự cần mới mạnh dạn vay, dù chương trình không giới hạn số lượng người có nhu cầu, tuy nhiên, số lượng người có nhu cầu vốn còn thấp. Nguồn vốn tối đa 20 triệu đồng/người, mỗi NKT sẽ tự định phương án sản xuất của mình.

Sau 4 năm, những hoạt động hỗ trợ đang góp phần làm thaay đổi suy nghĩ của NKT. Có việc làm, có tiền nuôi thân, NKT không còn phải phụ thuộc vào gia đình mà tự tin và độc lập hơn. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đa số NKT đời sống còn khó khăn. Họ chỉ làm những nghề như bán vé số, thợ may…

 

Thời gian qua, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã tổ chức khảo sát để hỗ trợ thực hiện các mô hình như may (tại Gò Dầu), làm bánh tráng (Chà Là, Dương Minh Châu), massage khiếm thị. Sắp tới, DRD sẽ tổ chức khoá đào tạo để NKT giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội. Thời gian qua, CLB tuyên truyền, phổ biến chính sách, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cải thiện đời sống tinh thần, vật chất cho NKT.

Anh Tuấn với công việc thường ngày.

Anh Đoàn Thanh Tuấn, ngụ tại khu phố Long Mỹ, phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành, hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ người khuyết tật Long Thành Bắc với 28 thành viên. Anh Tuấn có nghề sửa chữa điện gia dụng, làm dịch vụ cho thuê âm thanh thu nhập ổn định.

Tuy có nghề nghiệp, gia đình hoà thuận nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp vì khuyết tật của mình. Khi tham gia CLB, anh tích cực tham gia sinh hoạt, tập huấn để nâng cao kiến thức pháp luật, chính sách dành cho NKT như mình, từ đó thêm tự tin, hoà nhập cuộc sống.


Người khuyết tật học nghề tại cơ sở của chị Lệ Hằng.

Chị Võ Thị Lệ Hằng, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu cho biết, từ năm 2022, DRD đã khảo sát và hỗ trợ chị thực hiện dự án may mặc. Chị Hằng đầu tư mua máy may, máy vắt sổ và dạy nghề miễn phí cho đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật; phối hợp tổ chức lớp dạy nghề có cấp bằng cho người học. Qua đào tạo, chị em đã biết nghề có thể tự may, sửa quần áo cho bản thân, người nhà hay sửa quần áo thuê, nhận hàng gia công về làm tăng thêm thu nhập.

Theo chị Hằng, chị dạy tại nhà, cũng có nhiều người tìm đến học, đến nay, chị đã dạy nghề cho 6 phụ nữ khuyết tật và nhiều phụ nữ thuộc diện khó khăn. Tuy nhiên, do mặt bằng nhỏ hẹp, nhiều người chưa biết. Chị có hướng phát triển thêm mặt bằng cơ sở, mua thêm máy để tạo địa điểm dạy nghề phù hợp cho chị em.

Chị cần thêm vốn để thực hiện. Chị Hằng chia sẻ: “Cùng là người khuyết tật nên tôi đồng cảm với nhiều chị em. Giúp chị em có nghề, thêm tự tin trong cuộc sống là tôi vui lắm và muốn được duy trì công việc này lâu dài hơn”.

Vi Xuân - Ngọc Giàu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục