BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giúp trẻ em biết bảo vệ chính mình

Cập nhật ngày: 15/03/2017 - 08:16

Con số 1.000 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm, tương đương với trung bình mỗi ngày khoảng ba trẻ em bị xâm hại tình dục được đưa ra tại hội nghị quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ 3 tổ chức cuối tháng 11-2016 thật sự đáng báo động.

Đấy là chưa kể rất nhiều trường hợp không được thống kê bởi nạn nhân còn nhiều e dè, không dám tố giác. Có rất nhiều nguyên nhân khiến ấu dâm trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay, trong đó, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa hiệu quả.

Trẻ chưa được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm cho nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội; cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ...

Chưa kể, sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng in-tơ-nét, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm cũng góp phần dẫn đến nguy cơ trẻ bị xâm hại.

Ngoài ra, những khoảng trống trong hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em và sự hạn chế cả về năng lực, số lượng lẫn quyền hạn pháp lý của hệ thống cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị xâm hại tình dục gia tăng…

Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác, không gì có thể bào chữa cho hành vi này. Những di chứng để lại không chỉ là nỗi đau về thể xác mà lớn hơn là những day dứt, ám ảnh theo suốt cuộc đời mỗi nạn nhân. Sẽ có những rối loạn hành vi cũng như tâm thần từ nhẹ đến nặng, ngắn hạn cũng như dài hạn như: rối loạn giấc ngủ, chán ăn, xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, rối loạn về ứng xử cũng như khả năng học tập ở trường, có nguy cơ trầm cảm, tự tử, các bệnh về tâm lý cao hơn nhiều so với các trẻ khác...

Bộ Công an và Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã đưa ra cảnh báo có những nạn nhân bị xâm hại tình dục không được chăm sóc tinh thần sẽ gặp nguy cơ cao trở thành gái mại dâm hoặc kẻ bạo lực, hoặc tiếp tục đi xâm hại tình dục người khác. Cuộc chiến để trở về là một đứa trẻ bình thường, lớn lên với một tâm hồn khỏe mạnh vẫn diễn ra khốc liệt mỗi ngày đối với những đứa trẻ từng là nạn nhân ấy.

Thực tế hiện nay ở Việt Nam, bên cạnh chế tài xử phạt nghiêm khắc của pháp luật, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, việc phụ huynh cần chú ý cảnh giác và nâng cao nhận thức để phòng ngừa cho con của mình là hết sức cần thiết. Đặc biệt, cha mẹ cũng cần lắng nghe những chia sẻ của trẻ, giúp trẻ tự tin trao đổi với mình mà không phải giấu giếm bất kỳ vấn đề nhạy cảm nào. Hãy hành động trước khi quá muộn, hãy là những người bạn thật sự của con, cùng con trải qua những năm tháng tuổi thơ đúng nghĩa, cho con một cuộc sống an toàn.

Nguồn Báo Nhân dân


Liên kết hữu ích