Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Gò đình Phước Chỉ
Thứ sáu: 04:10 ngày 18/05/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) -  Cấu trúc giản đơn, nền lót gạch tàu, khung nhà chỉ bằng các cột bê tông nhỏ nhẹ đỡ lên bộ mái hai tấm lợp tôn màu giả ngói.

Từng nghe các nhà khảo cổ học viện KHXH vùng Nam bộ, phối hợp Bảo tàng tỉnh nghiên cứu đề tài khoa học nói về Gò Quéo! Nào là bàu nước cổ xưa, hay dấu tích Văn hoá Ốc Eo cách nay trên dưới 1.000 năm… Vậy mà khi đến dự hội đình Phước Chỉ vào rằm tháng 2 âm lịch, Nhâm Thìn (2012) vẫn thấy hết sức bàng hoàng, kinh ngạc. Bản thân ngôi đình thì không có gì đặc biệt, bởi đây là vùng đất chiến tranh ác liệt, có gì còn vẹn nguyên, sau hơn 20 năm bom đạn tơi bời. Vì thế dẫu ngôi đình có đàng hoàng, rộng rãi với đủ các gian chính điện, vỏ ca… thì cũng chỉ là đình mới được dựng lên sau 1975. Tiện thể đo luôn! Chính điện có mặt bằng chữ nhật, ngang 6,40m và dài 5,20m chia thành 3 gian 3 nhịp kiểu truyền thống của đình Nam bộ. Nền chính điện lót gạch men bóng sáng. Tường cột xây gạch, tô trát quét vôi đầy đủ. Riêng mái thì hơi “phi truyền thống” vì lợp thiếc phibrô xi măng nhưng vẫn bảo lưu dạng hình bánh ít mái đình xưa. Cái vỏ ca thì khác! Nằm dài sóng sượt ngay trước ngôi chánh điện, nhưng chỉ có 1 gian 3 nhịp, ngang 6,40m và dài trên 10m. Cấu trúc giản đơn, nền lót gạch tàu, khung nhà chỉ bằng các cột bê tông nhỏ nhẹ đỡ lên bộ mái hai tấm lợp tôn màu giả ngói. Chỉ vậy thôi mà thấy thênh thang, rộng rãi đủ chỗ cho hàng chục bàn nước phục vụ Ban quý tế và bà con đến cúng lễ kỳ yên. Không gian vỏ ca được mở ra ba phía hoà nhập với không gian Gò Quéo. Phía còn lại là chính điện đang ngạt ngào nhang khói, cùng nhiều loại quả phẩm cúng đặt trước mỗi ban thờ. Còn thêm hương lúa theo gió tràn qua vừa thơm vừa mát. Còn thêm cả bóng rợp những cây quéo cổ thụ tán lá to rộng trùm lên, mà thân gốc vẫn thẳng nuột nà vươn lên cường tráng.

Gò đình Phước Chỉ

Cụ Lê Văn Chánh - Trưởng ban quý tế đình Phước Chỉ, năm 2012 đã lên tuổi 83 kể rằng: Ngôi đình đã có từ trước khi cụ sinh ra. Ngày cụ còn trẻ con thì đình còn ở chỗ khác, bên bờ rạch Me. Nghe ông bà kể, nơi ấy liên quan đến quan quân “cựu trào” của Huỳnh (hoặc Trần) Công Thắng, người đang có đền thờ chính ở Cẩm Giang với cái tên là Dinh Quan lớn Đại thần. Đình có sắc phong Thành hoàng hay chưa thì nay cũng không ai biết rõ, vì những gì thuộc về xưa cũ đã không còn. Nhưng vị Thành hoàng trong lòng dân, cứ theo lưu truyền lại là ông Biện Văn Đống, vừa là người có công quy dân lập ấp, vừa chỉ huy dân binh chống giặc xâm lấn thôn làng. Cụ Chánh cũng không còn nhớ rõ ông Đống đánh giặc thời nào, nhưng có một chi tiết, là có lần ông đã đi thuyền ra tận kinh thành Huế xin quân triều đình vào cứu viện. Vậy có thể đoán định đấy là khoảng sau năm 1862, Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông. Lúc ấy triều vua Tự Đức đã “án binh bất động”. Ông trở lại rạch Me tận dụng địa thế gò rừng, kênh rạch chỉ huy dân binh chống giặc. Không đương nổi thế giặc mạnh với tàu đồng, đại bác”, trong một trận đánh không cân sức, Biện Văn Đống đã tử tiết trên sông Vàm Cỏ Đông. Dòng họ Biện, nay vẫn còn nhiều người sống ở Phước Chỉ, như ông Biện Văn Đức - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, một người rất quan tâm đến việc bảo vệ giữ gìn vốn văn hoá cổ truyền dân tộc.

Đình Phước Chỉ có thể còn chưa lớn và đẹp bằng nhiều ngôi khác! Thế nhưng sinh cảnh khu Gò Quéo lại thật tuyệt vời. Bởi địa thế có cấu trúc của những khu cổ tháp trên 1.200 năm như Bình Thạnh (Trảng Bàng) và Chót Mạt (Tân Biên). Phía trước gò đình ở hướng Đông cũng có bàu chữ nhật, rộng dài (40 x 100) mét. Nay nước đã cạn đi để trở thành ruộng lúa, nhưng vẫn giữ được hình hài vuông vức. Các nhà khảo cổ đã sơ bộ xác định đây là một di tích cổ thuộc hậu kỳ Văn hoá Ốc Eo, dù họ chưa tìm ra những bằng chứng vật chất cụ thể nào, như gạch, gốm, tượng thờ… Người dân sống lâu năm trong vùng cũng không thấy gì lạ khi xây dựng nhà hay canh tác trên ruộng rẫy. Từ đây có thể đoán định là gò đình cũng chỉ là một “dự án” dở dang của người xưa. Nghĩa là mới đào được bàu và đắp đất lên gò xong, thì đã gặp biến cố để không thể tiếp tục xây dựng thêm gì nữa. Trường hợp này khá giống với gò Cây Dương, ở ấp Phước Thuận, nơi có ngôi chùa.

Tuy nhiên, nét đặc sắc nhất, chỉ có ở gò đình Phước Chỉ lại là những cây quéo cổ thụ mọc trên phần bờ bàu phía Bắc. Bốn, năm cây lừng lững cao đến tầm 30 mét toả bóng mát sum suê trên khắp gò đình. Cây lớn nhất ở góc Tây Bắc bàu có đường kính thân tới 1,6 mét. Lạ thay, dù tuổi cây có thể đã tới trên dưới 200 năm nhưng thân cây vẫn căng tròn, thẳng nuột, chỉ lăn tăn gợn sóng trên lớp vỏ màu xám trắng. Ngửa mặt lên, ta sẽ thấy những cành ngang vươn ra bốn phía thật mạnh mẽ và hiên ngang gân guốc. Có phải đấy cũng là khí chất của vị tướng quân Biện Văn Đống năm xưa từng kiên cường đánh giặc. Ông thà tự trẫm mình trên dòng sông quê hương, chứ quyết không chịu đầu hàng.

TRẦN VŨ

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh