Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gò tháp Cẩm Giang
Thứ tư: 08:49 ngày 10/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đã có nhiều bài viết nghiên cứu về vùng đất Cẩm Giang, nằm bên thềm con sông Gấm- Vàm Cỏ Đông. Như, Cẩm Giang được coi là đô thị cổ nhất của Tây Ninh, có từ trước khi lập phủ Tây Ninh (1836), rồi lập tỉnh (1900).

Lin-ga ở gò tháp Cẩm Giang.

Hoặc, Cẩm Giang là một trong những thôn làng cổ nhất Tây Ninh, được Trịnh Hoài Đức chép trong sách Gia Định thành thông chí. Đấy là các thôn Bình Tịnh (nay là An Tịnh), Thạnh Đức, Thanh Phúc (nay là Thanh Phước) và thôn Cẩm Giang, có từ khoảng năm 1779, sau khi chúa Nguyễn Ánh đã “khôi phục được đất Gia Định, sắp xếp lại các khu vực hành chính và quốc phòng thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay trực thuộc dinh Phiên trấn…” (bài Tây Ninh xưa và nay- Nguyễn Đình Tư, trong Tạp chí Xưa Nay số 96- 2001). Đạo sở của đạo này đặt tại thôn Cẩm Giang. Sau khi lập phủ Tây Ninh năm 1836, chia hai huyện thì Cẩm Giang là huyện lỵ (huyện thành) của huyện Quang Hoá…

Cái thành ấy đến nay vẫn còn, nhưng có lẽ chỉ còn trong sách sử, bởi cho đến nay hầu như đã không còn thấy rõ rệt một đoạn tường thành nào cả. Ba bên trái, phải và sau toàn vườn cao su và cả những công trình. Chỉ còn duy nhất phía trước là con đường dẫn vào khu di tích với cái cổng ghi: Đền thờ Quan lớn Đại thần Huỳnh Công Thắng. Vào ngày 6.4 âm lịch mỗi năm đều đông nghịt người và xe đến.

Nhưng chủ yếu là người về dự lễ hội dinh ông Quan lớn Đại thần. Người cao tuổi ở Cẩm Giang chỉ còn nhớ trong kỷ niệm tuổi thơ của mình những bờ thành cao như nóc nhà dằng dịt tre gai. Và cái đền thờ ấy nằm ngay trên một đoạn cổng thành hướng về sông Vàm Cỏ Đông cách đấy chỉ chừng hai trăm mét.

Lần tìm trong sách Di tích và Danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh, hoá ra cái tên di tích ấy đã là: “Di tích đền thờ Quan lớn Đại thần Huỳnh Công Thắng” mất rồi! Thảo nào không mấy ai đến dự lễ hội còn biết đến cổ thành kia nữa. Mà chính nhờ ngôi thành, tên tuổi của ông- người giữ thành mới còn vang dội đến ngày nay.

Tóm lại là phần trung tâm Cẩm Giang, thuộc ấp Cẩm Thắng đến nay vẫn tấp nập đông vui, do quốc lộ 22B chạy qua, ngày càng trở nên một tuyến đường quan trọng nối liền Tây Ninh đến TP. Hồ Chí Minh, hoặc đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Nay đã có thêm cầu Bến Đình, kéo gần cửa khẩu này với Cẩm Giang nên càng thêm tấp nập. Nhưng, vẫn luôn tồn tại một nguy cơ giữa bảo tồn và phát triển. Như chuyện cổ thành kia là chuyện đã rồi. Còn chuyện mới hôm nay thì có nguy cơ những bến sông cuối cùng cũng sẽ mất đi cảnh trên bến dưới thuyền trong quá khứ.

Tại đoạn bờ sông ngay sát với chùa Cẩm Phong, cách trụ sở UBND xã không xa, trước đây là một bến dài cho người đi qua thấy được cả một vùng sông Vàm Cỏ. Nay đã có những quán ăn gia đình, cà phê võng… giăng kín, mặt tiền quay lên quốc lộ. Cái thềm sông cuối cùng của Cẩm Giang sắp mất rồi chăng?

Chúng ta đã biết Cẩm Giang- vùng đất cổ do người Việt khai phá, dựng xây cách nay ít nhất gần 240 năm (1779-2018). Vì thế, miền đất này còn khá dày các di tích thời mở đất. Đấy là các ngôi đình: Cẩm Long, Hưng Mỹ. Đấy còn là chùa Cẩm Phong, xưa còn gọi là chùa Quan Huế, nay vút cao những tầng mái đầu đao cong vắt soi bóng trên sông. Trước chùa là ngôi đền thờ đã kể. Và, ngoài gò bưng Trao Trảo thuộc ấp Cẩm Bình còn có miếu ông Tà, nay có thêm nhiệm vụ mới là thờ phụng các hương hồn liệt sĩ thời chống Mỹ…

Nhưng, có lẽ còn ít người biết về những di tích xa xưa có từ ngàn năm trước. Đấy là những gò tháp cổ nằm trên lưu vực rạch Bàu Nâu. Những gò tháp này đã được cán bộ Bảo tàng và Nghiên cứu thuộc Viện Khoa học bền vững vùng Nam bộ phát hiện tháng 4.2010, có ghi chép trong báo cáo khoa học: “Điều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh” năm 2011. Liên quan đến các di tích này, có một tin buồn và một tin vui.

Tin buồn là di tích gò Bàu Nâu đến nay đã hoàn toàn biến mất. Đấy là do chủ sử dụng đất đã đào ao nuôi cá, chiếm 2/3 diện tích gò. Khi đoàn khảo sát đến nơi (2010) vẫn còn thấy: “Những mẩu gạch cổ nằm rải rác… Những người trong gia đình kể lại, trong quá trình đào ao đã gặp một ô vuông lớn xây dựng bằng gạch, loại gạch thẻ có kích thước lớn, đào sâu dưới móng ô vuông gặp cát trắng, trong cát có nhiều mảnh vàng nhỏ, mỏng”.

Các nhà khoa học cũng nhận định là: “Trên khu gò này đã có một kiến trúc thuộc dạng đền tháp được xây dựng bằng gạch thuộc thời kỳ văn hoá Óc-eo có niên đại cách nay trên 1.000 năm”. Óc-eo thuộc vương quốc Phù Nam thì phải là từ thế kỷ VII trở về trước. Vì: “Từ chỗ một vùng đất thuộc Phù Nam- một quốc gia độc lập và hùng mạnh, sau năm 627, vùng đất Nam bộ đã thuộc về Chân Lạp” (Lược sử vùng đất Nam bộ, của Hội KH lịch sử Việt Nam, NXB Thế giới năm 2008).

Còn tin vui là Cẩm Giang vẫn còn gò tháp Chòm Dầu ẩn chứa nhiều bí mật trong lòng. Cả hai gò này nay đều thuộc ấp Cẩm An, trong một xóm nhỏ có tên là Láng Cát. Mà vui nhất là trong sân nhà ông chủ đất có nơi dựng thờ một chiếc Lin-ga, ngẫu tượng thờ của nền văn hoá Bà-la-môn thuở trước.

Lin-ga cao hơn 70cm, trong đó phần đế vuông mỗi bề 22cm. Phần thân là khối trụ bát giác đều cao 25cm. Và cuối cùng là phần ngọn được đẽo tạc khối trụ tròn xoay với đỉnh hình bán cầu cũng cao 25cm. Đường kính thân khối trụ vừa đúng 20cm. Tất cả được tạo từ nguyên khối đá. Đây là hiện vật đáng được tôn vinh trong các bảo tàng.

Ông chủ vườn cho biết, ông về đây từ năm 1992, thì khoảng 2-3 năm sau tìm thấy được vật này, khi chuyển đổi đất Chòm Dầu thành vườn cao su hiện tại. Cách nay 8 năm, các nhà nghiên cứu đã xác định được 2 khu gò cách nhau khoảng 50m. Một trong hai gò ấy có một nền đất đắp hình vuông, mỗi cạnh 25m và cao hơn mặt đất chung quanh 5-6 tấc. Đến nay, cái nền đất đắp hình vuông ấy vẫn còn trong khu đất trồng cao su nơi đã tìm thấy chiếc Lin-ga. Phía Đông của 2 chiếc gò này chỉ cách hơn 30m là suối Cát (tên của dân trong xóm gọi rạch Bàu Nâu).

Trên mặt gò trồng cao su, vẫn còn nhiều gạch vỡ và rất nhiều mảnh gốm cổ xưa; mà các nhà nghiên cứu cũng đã báo cáo là: “Mặt đất lộ ra nhiều mảnh gốm thuộc dạng gốm của thời kỳ Óc-eo”. Quơ tay tìm tại một điểm ngẫu nhiên, ông Ba Hùng- thành viên Ban Quý tế đình Cẩm An cũng tìm thấy ngay 5-6 mảnh gốm, hai trong số đó là chiếc trôn chén (hoặc tô, lọ). Gốm ngàn năm mà vẫn ửng tươi màu đỏ sau khi xuống suối rửa sơ qua. Như thế là, đất Cẩm Giang vẫn còn ẩn chứa những bí mật, để người sau khám phá.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục