Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Góc nhỏ Sài Gòn
Thứ sáu: 07:58 ngày 16/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có lẽ trong tâm thức người dân không chỉ Tây Ninh mà cả Nam bộ, khi nhắc tới thành phố là nghĩ ngay đến Sài Gòn. Cứ như cái danh từ thành phố hoa lệ và thân thương kia chỉ dành riêng cho mỗi Sài Gòn. Từ kinh nghiệm ấy, đi đâu tôi cũng phải nói rõ là mình từ TP.Tây Ninh.

Tranh "Sài Gòn mùa dịch" của Lê Sa Long

Xin mượn tên một chuyên mục trên Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh làm tựa đề cho bài viết nhỏ này. Như một tri ân với cái “góc nhỏ” đã cho tôi hình dung rõ hơn về thành phố ấy. Nhỏ ở đây chỉ là chuyện Sài Gòn mà các bạn (tác giả, phần nhiều ở ngoài tỉnh) tham gia chuyên mục chứng kiến và cảm nhận riêng. Nhiều góc nhỏ đã tạo nên muôn mặt Sài Gòn, trong đó nổi bật lên tính cách, tình người Sài Gòn là hào hiệp bao dung, thân thiện.

Với tôi, Sài Gòn xưa hay TP. Hồ Chí Minh nay là thật lớn lao. Chắc nhiều người Tây Ninh cũng sẽ nghĩ vậy. Bởi khi tôi đi công tác ở một huyện, xã nào đó, gặp ai hỏi từ đâu tới. Khi trả lời từ thành phố (Tây Ninh) tới, là y như rằng bị lầm là mình đến từ Sài Gòn.

Có lẽ trong tâm thức người dân không chỉ Tây Ninh mà cả Nam bộ, khi nhắc tới thành phố là nghĩ ngay đến Sài Gòn. Cứ như cái danh từ thành phố hoa lệ và thân thương kia chỉ dành riêng cho mỗi Sài Gòn. Từ kinh nghiệm ấy, đi đâu tôi cũng phải nói rõ là mình từ TP.Tây Ninh.

Thế là Sài Gòn đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được 1 tuần. Và 26 ngày dừng chạy xe liên tỉnh tuyến Tây Ninh - An Sương. Tôi nhớ cái mốc này, ngày 20.6 thì đêm trước mới có lệnh dừng xe chạy. Vậy là anh bạn tôi phải cho con mượn xe máy để chạy về, vì ngày sau cháu phải đi làm.

Con và cháu những 4 người, nên anh phải chạy thêm 1 xe máy nữa để chở phụ cho con. Cũng chỉ dám tới cổng chào Suối Sâu, vì tại đấy đã lập chốt kiểm tra. Họ bảo, giờ đi Thành phố, lúc về sẽ phải kiểm tra y tế, nếu đến vùng dịch về có thể phải cách ly. Vậy là anh không dám đi tiếp, đành để cho con cháu về bằng phương tiện khác.

Sau một tuần. Lo lắng bồn chồn khi Sài Gòn dù kiên cường chống dịch, nhưng số ca dương tính vẫn ngày một lên cao, chưa có điểm dừng. Sài Gòn càng trở nên bao dung thân thiện hơn những gì các bạn đã từng viết trên ô “góc nhỏ Sài Gòn”. Những ATM gạo và rau củ quả, trái cây "tái xuất". Siêu thị vẫn mở cửa, và có thêm những siêu thị không đồng.

Nhiều bếp ăn từ thiện lại đỏ lửa sáng đèn mỗi đêm, để sớm mai có cơm nóng, cà phê cho những người tham gia chống dịch và hỗ trợ người dân nghèo. Lãnh đạo Thành phố cũng quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, dù hộ khẩu thường trú hay là tạm trú.

Người cả nước đang hướng về, và trực tiếp đến Sài Gòn tham gia dập dịch… Và có cả những góc nhỏ Sài Gòn thân thương khác như bạn Ð.H.T đã kể trong bài “Người Tây Ninh mình mà” (Báo Tây Ninh, ngày 9.7.2021), rằng: “cô bạn học người Tây Ninh tha hương tận Bình Dương, lặn lội vác 200kg khoai tím lên chia cho cả “xóm phong toả” của cô bạn Sài Gòn. Hết rau, hết gạo, hết thịt kho… cô bạn Sài Gòn cứ ới, vài tiếng sau là đã thấy gửi trước hàng rào phong toả…”. Ôi chao, thật là “cái tình của người Tây Ninh xa xứ” giữa Sài Gòn.

Ai trong chúng ta- người Tây Ninh, lại chẳng có một “góc nhỏ Sài Gòn”. Với tôi là những lần đầu tiên bỡ ngỡ bước trên hè phố. Hỏi thăm đường là ai cũng chỉ bảo thật cặn kẽ. Vào nhà ai cũng thấy chủ nhà gọi các cháu bé ra khoanh tay chào hỏi thật lễ phép, dễ thương.

Và ngày nay, chắc hẳn nhiều gia đình người Tây Ninh có con em, người thân học tập và làm việc tại Sài Gòn. Vì thế, những ngày này, người Tây Ninh hướng về Sài Gòn nhiều lắm. Dù xe Ðồng Phước chở khách không chạy nữa, thì vẫn còn xe chuyển hàng gửi của bà con tới những người thân. Các quầy nhận hàng gửi của Bưu điện, của ViettelPost thường xuyên có người đến gửi. Kiện hàng lớn, rau và trái cây thì tiện nhất là đi xe Ðồng Phước…

Tôi đã có lần theo chân một chị đem hàng đến ViettelPost gửi cho con. Thùng 10kg, toàn những măng cụt, chanh dây và bánh kẹo. Thùng hàng chỉ thế thôi, nhưng trĩu nặng tấm lòng người Tây Ninh hướng đến Sài Gòn.

Có một câu thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân cứ ám ảnh trong tôi khi nghĩ đến Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh. Ðấy là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ từ những chiến khu nhìn về phía Sài Gòn. Anh thấy: “Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về…”.

Tôi tìm lại bài thơ ấy, bài “Mùa xuân Sài Gòn, mùa xuân chiến thắng”. Bài thơ như một lời tiên đoán, rằng: “Giặc có thể dội bom làm đổ nát, làm quặn đau/ Những phố hè những hàng me xanh mát/ Nhưng độc lập, tự do không bao giờ đổ nát/ Sài Gòn vẫn hiên ngang, Sài Gòn vẫn dịu dàng…”.

Hôm nay, Sài Gòn đang trong trận chiến chống dịch. Và Sài Gòn sẽ chiến thắng như những ngày vẻ vang 46 năm về trước: “Sài Gòn bỗng thành lá cờ chiến thắng/ Mà mỗi cánh quân là một cánh sao vàng” (trích bài thơ trên).

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục