Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành là xã biên giới, đời sống người dân chủ yếu gắn với nghề nông. Thời gian qua, mô hình “Tổ gia công đan bàn, ghế nhựa giả mây” được Hội Phụ nữ xã triển khai tại ấp Hiệp Phước đã giúp chị em có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Bà Nhị với công việc đan sản phẩm nhựa giả mây.
Người tiên phong mang nghề này về xã là bà Phạm Thị Nhị, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoà Thạnh. Sau khi nghỉ hưu năm 2016, cuộc sống gia đình bà Nhị gặp nhiều khó khăn. Bà nghĩ, nếu chỉ nhờ vào khoản chế độ hưu trí thì không thể khá giả.
Sau một chuyến đi tìm việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà được một người bạn giới thiệu tham gia học nghề đan ghế nhựa giả mây từ một công ty ở Hóc Môn. Học xong, bà Nhị về bàn với Hội Phụ nữ xã tổ chức tổ gia công do bà làm tổ trưởng, vừa dạy nghề cho chị em, vừa nhận khung, dây nhựa từ công ty về làm.
Bà Nhị tâm sự: “Thấy chị em trong xã có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi liên hệ với công ty đem sản phẩm về giúp chị em có việc làm, tăng thêm thu nhập”. Tính đến nay, tổ gia công của bà đã giải quyết việc làm cho hơn 80 lao động nông thôn ở xã Hoà Thạnh và các xã lân cận như Hoà Hội, Biên Giới, Thành Long...
Bà Nhị cho biết, làm nghề này khá đơn giản, chỉ cần chịu khó, khéo tay, sau 2 đến 3 ngày học nghề là có thể làm được. Người làm có thể nhận tiền công khi hoàn thành sản phẩm hoặc nhận tiền công vào cuối tháng tuỳ theo yêu cầu.
Ưu điểm của nghề là không ràng buộc về thời gian, nếu không muốn làm tại cơ sở, mọi người có thể nhận hàng (dây nhựa, khung bàn, ghế) về nhà để làm thêm khi rảnh, vừa quản lý được nhà cửa, con cái, vừa có thêm thu nhập.
Thấy thu hút được lao động nhàn rỗi ở nông thôn, công ty không chỉ dạy đan ghế mà còn dạy đan thêm các mặt hàng khác như bàn, chậu cảnh, kệ 4 tầng. Mỗi mẫu hàng ra đời, công ty cử nhân viên kỹ thuật trực tiếp về tận nơi hướng dẫn.
Giá đan ghế, bàn 50.000 đồng/cái, chậu cảnh 100.000 đồng/cái, kệ 4 tầng 35.000 đồng/cái. Bình quân mỗi ngày, mỗi người có thể đan được 2 cái ghế hoặc 2 cái bàn, hay 1 cái chậu cảnh. Thu nhập bình quân mỗi tháng từ 3 đến 5 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Dung, ngụ ấp Cây Ổi cho biết, trước đây thu nhập của gia đình chủ yếu từ mấy công ruộng. Khi tham gia tổ gia công của Hội Phụ nữ xã Hoà Thạnh, mỗi ngày chị có thêm thu nhập khoảng 100.000 đồng.
Còn chị Nguyễn Thị Bé, ngụ xã Biên Giới phấn khởi khoe, từ khi nhận hàng về làm, chị vừa lo được việc nội trợ vừa kiếm thêm từ 4 đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Nhờ vậy, gia đình chị có thêm tiền xoay xở trong cuộc sống hằng ngày.
Ông Nguyễn Văn Hồ ở xã Thành Long cho biết: “Lúc mới làm, tôi chưa quen, các ngón tay đau nhức khó chịu, đôi khi sản phẩm bị lỗi phải sửa. Hai năm nay làm quen tay, công việc cũng đơn giản, phù hợp sức khoẻ của những người trên 60 tuổi như tôi. Thu nhập từ công việc này cao hơn cạo hạt điều...”.
Bà Phùng Thị Kim Ân- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoà Thạnh cho biết, nghề này không phân biệt lao động nam hay nữ, người lớn tuổi hoặc trẻ em đều làm được. Hội Phụ nữ xã xem đây là một kế hoạch lâu dài trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chị em.
Bà Nguyễn Thị Nhàn- Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Châu Thành khẳng định: “Đây là mô hình có hiệu quả đối với lao động nông thôn. Lúc đầu, nhiều chị chưa quen nên làm chậm, sản phẩm bị lỗi, mất thời gian sửa chữa.
Đến nay, chị em trong tổ gia công của xã Hoà Thạnh tay nghề đã được nâng lên, người rành nghề dạy lại cho người mới học. Với thu nhập từ 2 đến 5 triệu đồng/người/tháng, tuy không phải là cao, nhưng giải quyết được việc làm cho chị em nông thôn. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục mở rộng mô hình tới các xã trong huyện”.
Quang Hà