BAOTAYNINH.VN trên Google News

Góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng

Cập nhật ngày: 29/09/2010 - 10:05

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thay mặt Chinh phủ  giải  trình, tiếp thu  các vấn đề liên quan tới dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Tiếp tục Phiên họp thứ 35 ngày 29.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý về các vấn đề như vị trí của dự thảo Luật trong hệ thống pháp luật hiện hành; vai trò, địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cơ chế, hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.

Đa số các đại biểu đều nhất trí với cơ chế, hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu trong dự thảo Luật.

Một số ý kiến cho rằng hòa giải thương lượng là rất cần thiết nhưng không phải vấn đề nào cũng có thể áp dụng hòa giải, ví dụ như vấn đề cung ứng xăng pha acetol , sữa nhiễm melamin... vì vậy phải có quy định chặt chẽ.

Về việc thành lập tổ chức hòa giải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng khó khả thi bởi việc lập tổ chức kèm theo cả vấn đề kinh phí, cách thức hoạt động.

Một số ý kiến khác đề nghị cùng với sự tham gia của các tổ chức xã hội trong bảo vệ người tiêu dùng, cũng nên giao quyền cho một cơ quan quản lý nhà nước để có sức mạnh pháp lý thực thi công việc.

Liên quan tới tên của dự thảo Luật cũng như việc xây dựng Luật ưu ái người tiêu dùng, một số ý kiến cho rằng như vậy là chưa công bằng bởi giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, thương mại đều bình đẳng. Nếu xây dựng Luật trên quan điểm này e rằng trái với Luật dân sự.

Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phải có cơ chế đặc thù bên cạnh các cơ chế hiện hành. Sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này là cần thiết.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, xã hội. Riêng một luật này không thể bảo vệ người tiêu dùng trước mọi vấn đề, mà phải cần cả một hệ thống pháp luật điều chỉnh.

Vì vậy, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần “nhìn thẳng vào sự thật” là người tiêu dùng ở thế yếu, chỉ người sản xuất mới biết được sản phẩm của mình như thế nào.

Do đó, dự thảo Luật không quy định lại từng lĩnh vực cụ thể mà tiếp cận theo hướng chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù chưa có văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nào điều chỉnh .

Việc quy định nghiêng về phía người tiêu dùng  nhằm  thiết kế các cơ chế giúp người tiêu dùng tăng khả năng bảo vệ mình cũng như  ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất  và nhà quản lý  trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(Theo chinhphu.vn)