BAOTAYNINH.VN trên Google News

ĐOÀN ĐBQH TỈNH:

Góp ý dự án Luật Cảnh sát cơ động 

Cập nhật ngày: 21/04/2022 - 16:38

BTNO - Ngày 20.4, bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh chủ trì hội nghị góp ý đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị

Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương với 33 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại hội nghị, đa số đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung dự án Luật Cảnh sát cơ động. Các đại biểu cho rằng tại Điều 18 về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ nên chuyển thành Điều 5 thuộc Chương 1 quy định về những quy định chung; bỏ khoản 2, Điều 14 vì không phù hợp với thực tiễn; tích hợp khoản 3, 4 Điều 15 vì quy định nội dung gần giống nhau; đưa cụm từ “hàng đặc biệt” tại điểm c khoản 3 Điều 9, điểm b khoản 2 Điều 10 vào nội dung “Giải thích từ ngữ” tại Điều 2, để giải thích rõ những mặt hàng như thế nào thì được xem là “hàng đặc biệt”; bổ sung cụm từ “tàu thuỷ” vào điểm c, khoản 2 Điều 10.

Tại Điều 2, đa số đại biểu đề nghị chọn phương án 1 là giữ lại Điều 2 về giải thích từ ngữ “biện pháp vũ trang” với lý do CSCĐ là lực lượng nòng cốt sử dụng biện pháp vũ trang trong Công an nhân dân; đây là biện pháp chủ yếu CSCĐ sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Mặc dù “biện pháp vũ trang” đã được quy định trong Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và một số luật khác, nhưng đều chưa giải thích cụ thể về biện pháp này, trong khi CSCĐ chủ yếu sử dụng biện pháp vũ trang để thực hiện nhiệm vụ, do đó cần được giải thích trong luật để làm căn cứ cho CSCĐ thực hiện nhiệm vụ; tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, phản động trong trường hợp CSCĐ sử dụng biện pháp vũ trang. Đồng thời, việc giải thích “biện pháp vũ trang” áp dụng cho lực lượng CSCĐ sẽ làm nổi bật tính đặc thù, đặc biệt và sức mạnh của CSCĐ trong các nội dung của Luật.

Tại khoản 8, Điều 9, đại biểu đề nghị trình bày đoạn “Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” ở cuối thành 1 khoản riêng. Vì nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là một trong các nhiệm vụ chính của CSCĐ. Do đó, cần trình bày nhiệm vụ này thành 1 khoản riêng không nhập chung với nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác.

Đại tá Trần Văn Luận- Phó Giám đốc Công an tỉnh góp ý kiến dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Có ý kiến cho rằng khoản 1 Điều 30 về trách nhiệm của HĐND và UBND cấp tỉnh, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ thẩm quyền về việc “quy hoạch quỹ đất phù hợp để xây dựng trụ sở đóng quân…” là của UBND. Vì theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Luật Đất đai thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; xác định vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh không còn nhu cầu sử dụng, sử dụng không đúng mục đích để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng…

Kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thanh Thuý đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động. Các đóng góp của đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, nghiên cứu để có ý kiến góp ý với Quốc hội.

Thiên Di