Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Góp ý dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
Thứ bảy: 06:47 ngày 12/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 11.10, Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tây Ninh và ĐBQH Trần Hữu Hậu– Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh chủ trì hội nghị. 

Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) có 6 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung, trong đó bổ sung 4 đối tượng chịu thuế: nước giải khát có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới; kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng...

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia. Phương án 1 là năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025; phương án 2 là năm 2026 tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng không có lợi cho sức khoẻ và môi trường xã hội, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

​Đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, các đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đậc biệt đối với ô tô có động cơ dưới 24 chỗ ngồi cần hạ thấp xuống có thể là 16 chỗ hoặc 18 chỗ, nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia vào các dịch vụ vận chuyển công cộng, phát triển dịch vụ vận chuyển công cộng, hạn chế sử dụng xe cá nhân tham gia giao thông. Bởi thực tế hiện nay, đa số các xe có động cơ từ 16 chỗ trở lên được các cá nhân, hộ gia đình thường không sử dụng di chuyển riêng mà sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ vận chuyển.

Đề nghị xem xét nâng dung tích xi lanh của mô tô hai bánh và 3 bánh lên 150 cm³ phù hợp với sự phát triển của đất nước, với nhu cầu thực tế của người dân trong bối cảnh hiện nay. Hiện tại, mô tô 2 bánh và 3 bánh có dung tích xi lanh 125cm³ đã trở nên thông dụng, phổ biến, để được gọi là hàng hoá đặc biệt thì cần nâng cao hơn mới phù hợp với tình hình hiện nay.

Các đại biểu tiếp tục đề nghị bỏ quy định loại hàng hoá đã xuất khẩu ra nước ngoài bị phía nước ngoài trả lại khi nhập khẩu, không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa phù hợp. Vì loại hàng này sau khi bị phía nước ngoài trả lại sẽ tiêu thụ tại thị trường trong nước nên vẫn phải chịu thuế.

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Ngoài ra, đối với khoản 1 Điều 4 cần phải nghiên cứu cơ chế thu, nộp thuế đối với các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất, tự tiêu thụ thuốc lào (cá nhân, gia đình tự trồng, tự thu hoạch, tự chế biến, tự mang đi tiêu thụ (bán lẻ)- đặc biệt các vùng phía Bắc tình trạng này rất nhiều), nếu không có cơ chế thì không thể thực hiện hiệu quả đối với loại hàng hoá này.

Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu góp ý về các khoản chi được khấu trừ và không được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; thời gian nộp thuế, phương thức nộp thuế, số thuế phải nộp nên quy định rõ ràng; các sắc thuế phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, bảo đảm công bằng đối với mọi đối tượng…

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm văn phòng giám định và văn phòng thừa phát lại cho bảo đảm đầy đủ, hoặc có thể nghiên cứu bổ sung 1 điểm quy định chung cho các loại văn phòng... được thành lập hoạt động theo luật chuyên ngành, tránh trường hợp liệt kê cụ thể có thể dẫn đến tình trạng không đầy đủ, đưa vào áp dụng sẽ gặp khó khăn.

Đại biểu đóng góp ý kiến.

Đề nghị cơ quan dự thảo xem xét có sự điều chỉnh theo hướng nêu các căn cứ: Căn cứ thứ nhất: Doanh nghiệp đến kê khai thu nhập tính thuế và thuế suất; Căn cứ thứ hai: cơ quan Thuế thực hiện chức năng kiểm soát thuế; Căn cứ thứ ba: cơ quan chức năng áp dụng các quy định của pháp luật về xác định thu nhập chịu thuế.

Vấn đề này, các đại biểu cho rằng, cơ sở tính thuế chính là mối quan hệ giữa một bên là chủ thể có hoạt động kinh doanh (doanh nghiệp, cá nhân) và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật còn bên kia là chủ thể quản lý Nhà nước (cơ quan quản lý thuế) áp dụng quy định để tính thuế. Do vậy, để phát sinh mối quan hệ này, cơ sở trước tiên phải có chủ thể thực hiện việc kê khai thuế. Trường hợp đối tượng chịu thuế mà không kê khai thì cơ quan Thuế thực hiện chức năng kiểm soát thuế và thông qua nghiệp vụ cơ quan thuế áp dụng các quy định của pháp luật về xác định thu nhập chịu thuế để có mức thuế cụ thể.

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH Tây Ninh cho biết đây là 2 trong số các dự thảo luật được Quốc hội khoá XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới; việc sửa đổi 2 luật trên để xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế, tránh thuế, điều tiết tiêu dùng và thu nhập của xã hội, góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; đồng thời ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp thu, tổng hợp chuyển tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục