Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hôm 16.4, ông Huỳnh Thanh Phương- Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị Tây Ninh chủ trì hội nghị lấy ý kiến.
Tại hội nghị, những ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung chính như những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự; về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự…
Nhiều ý kiến xoay quanh quy định tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Trong đó, có đại biểu cho rằng, việc giao trách nhiệm quản lý người chấp hành xong án phạt tù cho các cơ quan, đoàn thể sẽ không có hiệu quả, mà cần giao cho công an viên ở xã phụ trách theo dõi, đồng thời phải hỗ trợ một phần chi phí để động viên người phụ trách thực hiện nhiệm vụ.
Về việc tổ chức cho phạm nhân lao động tại điểm lao động ngoài trại giam, nhiều ý kiến cho rằng khó có thể thực hiện do yêu cầu về cơ sở vật chất, công tác quản lý phải đảm bảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đây là quy định không bắt buộc, nếu có thể nên triển khai thực hiện, như vậy sẽ giảm bớt ngân sách của nhà nước.
Vấn đề xem xét việc đăng ký kết hôn đối với người đang chấp hành án phạt tù cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều đưa ra.
Theo Luật sư Đinh Thái Hoàng- Công ty Luật Bảo Nguyên Minh, hiện nay, cả trong Hiến pháp lẫn Luật Hôn nhân và gia đình không có điều khoản nào cấm người đang chấp hành án phạt tù đăng ký kết hôn. Chỉ có vướng về nghi thức thực hiện thủ tục, đó là hai bên nam, nữ phải có mặt để cùng nhau đăng ký kết hôn tại UBND xã.
Luật sư Đinh Thái Hoàng đề nghị Quốc hội xem xét việc kết hôn đối với người đang chấp hành án phạt tù.
“Có trường hợp, người nữ đến nhờ tư vấn. Chị có thai với anh khi anh chưa đi chấp hành án phạt tù. Giờ chị muốn đăng ký kết hôn với anh để làm khai sinh cho con thì phải làm sao. Theo tôi, nên tạo điều kiện cho những trường hợp muốn kết hôn với người đang thi hành án phạt tù. Để thực hiện được, có thể sửa đổi quy định cả hai người phải có mặt tại UBND xã, mà linh hoạt đưa cán bộ phụ trách việc kết hôn vào trại giam, hoặc phía trại giam hỗ trợ đưa người đang chấp hành án ra nơi đăng ký kết hôn để thực hiện việc này. Việc được kết hôn không chỉ là quyền con người, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình học tập, cải tạo của phạm nhân khi có sự quan tâm, chia sẻ từ phía người chồng, người vợ”- Luật sư Thái Hoàng cho biết.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, người đang chấp hành án phạt tù phải bị hạn chế một số quyền, không thể giống như đang sống ngoài xã hội.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho biết sẽ tập hợp tất cả các ý kiến trên gửi Quốc hội. Những ý kiến trái chiều này sẽ là cơ sở giúp Quốc hội có cái nhìn tổng quát hơn, sát thực tế hơn trước khi ban hành Luật.
N.D