BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV:

Góp ý dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung 

Cập nhật ngày: 22/10/2020 - 19:48

BTNO - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, sáng 22.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Dự kỳ họp tại điểm cầu Tây Ninh có các ĐBQH Huỳnh Thanh Phương- Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Thiếu tướng Hoàng Đình Chung- Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7, ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện Công an tỉnh.  

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu tham gia thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính tăng mức phạt hành chính ở cấp xã, vì hiện nay mức phạt 2 triệu đồng thấp quá, từ đó, nhiều vụ xử phạt hành chính với mức phạt hơn 2 triệu đồng dồn lên cấp huyện, khiến huyện quá tải. Vấn đề xử phạt hành vi xúc phạm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca có xử lý hình sự, nhưng chưa có xử phạt hành chính và xúc phạm Đảng kỳ chưa có hình thức xử lý. đại biểu đề nghị cần bổ sung hình thức xử phạt hành vi xúc phạm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và Đảng kỳ.

ĐBQH đề nghị nâng mức xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, mua bán hàng cấm, hàng giả. Trong ảnh: Cục Quản lý thị trường Tây Ninh thu giữ hàng gian, hàng giả (ảnh minh hoạ).

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (tỉnh Nghệ An) cho rằng có sự chồng chéo giữa Luật Thi hành án dân sự và dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật Xây dựng và dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định xử phạt không giống nhau đối với công trình xây dựng không có giấy phép, trái phép. Đại biểu Trang đề nghị Quốc hội xem xét, chỉnh sửa.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (tỉnh Đồng Tháp) đề nghị không áp dụng biện pháp xử lý hành chính người nghiện ma tuý từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, mà thực hiện theo Luật Cai nghiện ma tuý sắp được Quốc hội thảo luận và được cai nghiện bắt buộc, góp phần đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Đối với người nghiện ma tuý từ 18 tuổi trở lên áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xử lý hành chính như dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính là phù hợp. Thống nhất việc bỏ áp dụng cai nghiện ma tuý tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này vì không hiệu quả. Riêng đối với trường hợp nghiện ma tuý dưới 12 tuổi, có nơi cư trú ổn định, có cam kết bằng văn bản của gia đình thì áp dụng cai nghiện tại cộng đồng là phù hợp, vì ở tuổi này các em cần sự quan tâm, giáo dục của gia đình nhiều hơn.

Đại biểu Phan Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) đề nghị nâng mức xử phạt hành chính từ 200 triệu đồng lên 300 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, mua bán hàng cấm, hàng giả, nhằm tăng mức răn đe. Đề nghị Ban soạn thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung thêm phần cần tiêu huỷ đối với những tang vật vi phạm ở nơi không thể thu gom, không thể vận chuyển về nơi xử lý hoặc chi phí vận chuyển về nơi xử lý quá lớn, tốn chi phí cao hơn so với giá trị của tang vật.

Đối với những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đề nghị không áp dụng biện pháp cắt điện, cắt nước sinh hoạt, vì ảnh hưởng đến hợp đồng sử dụng điện, nước và cuộc sống nhiều người dân có liên quan.

Kết thúc buổi làm việc buổi sáng có 23 đại biểu tham gia ý kiến, 7 đại biểu tham gia tranh luận và còn 9 đại biểu đăng ký nhưng không đủ thời gian phát biểu. Các đại biểu không đủ thời gian phát biểu sẽ gửi ý kiến bằng văn bản đến Quốc hội.

Buổi chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thoả thuận quốc tế.

Đại Dương