BAOTAYNINH.VN trên Google News

Góp ý dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992: Cần bổ sung thành phần kinh tế chủ đạo trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN vào Hiến pháp

Cập nhật ngày: 28/02/2013 - 04:48

(BTN)- Mới đây, Hội Luật gia tỉnh tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do ông Nguyễn Văn Rộng, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện các Chi hội Luật gia các huyện, thị, ban, ngành trong tỉnh.

Tại hội nghị, một số luật gia đã nêu ý kiến về việc làm rõ một số quy định trong Hiến pháp. Tại Chương I về chế độ chính trị, Khoản 2, Điều 7 dự thảo Hiến pháp quy định: “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”, có ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm vào cuối câu cụm từ “qua việc bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định pháp luật”.

Các luật gia đang tham gia đóng góp dự thảo Hiến pháp tại hội nghị

Trong Chương II dự thảo Hiến pháp quy định về quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân, có ý kiến đề nghị đưa nguyên Điều 50 của Hiến pháp năm 1992 vào Điều 15 của dự thảo Hiến pháp, do quy định tại Điều 15 của dự thảo Hiến pháp không xác định nội hàm của quyền con người, quyền công dân là những quyền gì. Tại Điều 21 của dự thảo Hiến pháp, một số ý cho rằng cần quy định cụ thể hơn là “mọi người có quyền sống trong môi trường yên bình” chứ không quy định chung là “mọi người có quyền được sống”. Có ý kiến cho rằng cần đưa Điều 62, Hiến pháp năm 1992: “Công dân có quyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch và pháp luật. Quyền lợi của người thuê nhà, người có nhà cho thuê được bảo hộ theo pháp luật” vào Điều 36 của dự thảo Hiến pháp;  cần đưa quy định: “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân” vào Điều 38, dự thảo Hiến pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của công dân trong lao động, sản xuất; cần đưa nội dung Điều 59 của Hiến pháp năm 1992 bổ sung vào Điều 42 dự thảo như: “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí…”.

Tại Chương III của dự thảo Hiến pháp, các luật gia cho rằng cần bổ sung vào Điều 54, dự thảo Hiến pháp là thành phần kinh tế chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thành phần kinh tế nào. Bởi vì hiện tại Khoản 1, Điều 54 của dự thảo chỉ quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế” mà không quy định thành phần kinh tế chủ đạo như tại Điều 19, Hiến pháp năm 1992.

TẤN HƯNG – THUỲ DƯƠNG


 
Liên kết hữu ích