BAOTAYNINH.VN trên Google News

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Chế định văn hoá - xã hội trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Cập nhật ngày: 25/02/2013 - 10:44

(BTN)- Thực tiễn của xã hội trong giai đoạn hiện nay cho thấy cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp để đưa nước ta phát triển lên tầm cao mới. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, thể hiện rõ yếu tố dân chủ do Đảng ta lãnh đạo. Các nội dung trong dự thảo sau nhiều lần lấy ý kiến cho thấy sự chuẩn bị công phu, cẩn thận của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi hiến pháp. Hiến pháp năm 1992 có 12 chương, 147 điều. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Tuy nhiên, chế định văn hoá - xã hội trong dự thảo còn nhiều vấn đề cần bàn thêm.

Về bản chất, Hiến pháp vừa là văn bản pháp lý của Nhà nước, vừa thể hiện ý chí chung của xã hội. Do vậy, khi nói đến Hiến pháp, chúng ta phải nhìn nhận ở cả hai mặt: bản chất pháp lý và bản chất xã hội. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin, nhà nước là sản phẩm của đấu tranh giai cấp. Nhà nước nào cũng mang bản chất giai cấp. Theo đó, mọi Hiến pháp đều là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, đều là công cụ mà giai cấp hoặc liên minh chính trị sử dụng để khẳng định và duy trì sự thống trị của mình (Đấu tranh giai cấp ở Pháp, C.Mác - Ph.Ăng-ghen toàn tập, tập 7, tr. 95-119). Hiến pháp là sự ghi nhận và thể hiện những giá trị xã hội được toàn xã hội và nhân dân chấp nhận và chia sẻ. Sự ghi nhận này không tách rời quan điểm giai cấp. Do vậy, khi đề cập đến chế định văn hoá - xã hội trong dự thảo Hiến pháp thì vấn đề có tính nguyên tắc là phải thể hiện quan điểm giai cấp, tránh sự mơ hồ, tính đảng không rõ ràng.

Chế định văn hoá - xã hội trong dự thảo Hiến pháp thể hiện cơ bản và tập trung ở Chương III, từ Điều 60 - 68. Chính trong chế định về văn hoá - xã hội thể hiện đậm đà bản chất XHCN của chế độ chính trị, cho nên cần thể hiện chi tiết trong quan hệ với các chế định khác. Chẳng hạn như chế định quyền và nghĩa vụ công dân. Trong chế định văn hoá - xã hội không những nói về nền văn hoá mà còn đề cập đến giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội. Nội dung giáo dục quy định ở Điều 66 của dự thảo chưa thể hiện được triết lý giáo dục, mô hình giáo dục mà nhà nước ta cần xác định mục tiêu là gì. Chế độ giáo dục phổ thông miễn phí chưa thấy thể hiện như Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 là đánh mất tính ưu việt, bản chất XHCN của Hiến pháp.

Tương tự đối với quy định về y tế. Trong dự thảo chỉ dành Điều 62 để nói về y tế là chưa thoả đáng. Kỹ thuật lập pháp ở nội dung này chưa ổn, mang tính tuyên ngôn hơn là đạo luật cơ bản của Nhà nước. Dự thảo cần chỉnh sửa, bổ sung theo hướng xem y tế là nghĩa vụ của Nhà nước. Nhà nước thực hiện dịch vụ y tế công cộng miễn phí cho trẻ em, người già, diện chính sách. Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ phát triển đa dạng các dịch vụ y tế để người dân tự do lựa chọn phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của mình.

Quy định về bảo hiểm y tế ở Điều 62 nên chuyển sang nội dung an sinh xã hội cho phù hợp và mở rộng khái niệm này, để thống nhất với cách hiểu của quốc tế khi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và toàn diện hơn.Cần bổ sung thêm Khoản 3 ở Điều 63 về dịch vụ công cộng. Ngoài giáo dục và y tế, còn nhiều dịch vụ công cộng khác cần được đảm bảo, như đường sá, giao thông công cộng, vệ sinh công cộng, an ninh công cộng, các khu văn hoá - thể thao công cộng, v.v.

Tóm lại, sửa đổi Hiến pháp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Mục đích của sửa đổi Hiến pháp là để nước ta phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới. Nội dung của Hiến pháp bao giờ cũng mang tính giai cấp. Điều đó thể hiện qua Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện. Chế định văn hoá - xã hội trong dự thảo Hiến pháp cần làm rõ hơn nữa nội dung này. Cụ thể là về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, dịch vụ công cộng cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo cung cấp giáo dục, y tế miễn phí, hiệu quả để thấy bản chất, sự ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta.

Võ Hoàng Khải