Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp NĂM 1992: Khi nào là “công dân”, khi nào là “mọi người”?
Thứ ba: 09:58 ngày 19/02/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhân dân cũng đề nghị tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các địa phương để thay mặt cho nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan, bộ máy...

(BTN)- Thời gian gần đây, HĐND các huyện, thị trong tỉnh đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là dự thảo). Sinh hoạt chính trị này được nhân dân và cử tri nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên cũng có không ít người dân cho rằng thời gian lấy ý kiến quá ngắn, lại trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2013 nên không thể phát biểu hết ý kiến, do đó cần phải kéo dài thêm thời gian.

Từ nội dung các cuộc hội nghị có thể tổng hợp một số ý kiến đóng góp cụ thể như sau:

Điều 1 dự thảo ghi: “Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Nên sửa lại là “Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền…”. Đưa từ “độc lập” lên trước từ “dân chủ” vì có “độc lập” thì mới có “dân chủ”.

Điều 3 ghi: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”, đề nghị đưa từ “tự do” lên trước từ “ấm no” vì phải có “tự do” thì mới có “ấm no”.

Khoản 2, Điều 5 quy định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Có ý kiến đề nghị đưa từ “đoàn kết” lên trước từ “bình đẳng”.

Khoản 1, Điều 9 dự thảo sửa đổi Hiến pháp ghi: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Đề nghị bổ sung từ “các”, viết lại là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội…”.

Khoản 1, Điều 14 ghi: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh”, nên sửa lại là “Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Khoản 2, Điều 18 quy định: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho Nhà nước khác”, nên sửa lại là “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho Nhà nước khác, trừ trường hợp công dân Việt Nam có quốc tịch khác” do hiện nay công dân Việt Nam được quyền mang 2 quốc tịch.

Điều 20, đề nghị bổ sung cụm từ “tham gia giám sát hoạt động của Nhà nước và hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức” vào cuối đoạn, viết lại là: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước, tham gia giám sát hoạt động của nhà nước và hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức”, để nâng cao vai trò giám sát của nhân dân.

Ở Khoản 3, Điều 22, đề nghị bổ sung cụm từ “và theo quy định của pháp luật” ở cuối đoạn, viết lại là: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý và theo quy định của pháp luật”, để đảm bảo tính chặt chẽ liên quan đến vấn đề này.

Khoản 1, Điều 31 ghi: “Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Đề nghị sửa lại là: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Bỏ từ “quyền” trước từ “tố cáo”.

Khoản 1, Điều 117 dự thảo quy định: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”. Đề nghị bỏ cụm từ “theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”, sửa lại là: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri”.

Bên cạnh đó, cử tri cũng cho rằng có một số từ dùng trong dự thảo Hiến pháp chưa được giải thích rõ, chẳng hạn như: khi nào thì dùng khái niệm từ “công dân”, khi nào thì dùng từ “mọi người”, đề nghị Ban Soạn thảo nên có giải thích và dùng từ cho thống nhất.

Nhân dân cũng đề nghị tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các địa phương để thay mặt cho nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan, bộ máy Nhà nước một cách khách quan hơn và ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử.

Kim Chi (tổng hợp)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục