Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn ĐBQH Tây Ninh:
Góp ý Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL
Thứ năm: 16:50 ngày 29/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 29.8, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2015.

Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị;

Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tại kỳ họp thứ 8 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL. Việc đưa vào chương trình sửa đổi Luật Ban hành văn bản QPPL xuất phát từ thực tiễn thi hành Luật thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi để kịp thời khắc phục.

Tại hội nghị, những ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung chính như việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; soạn thảo dự án luật; công tác thẩm tra dự án luật; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; tiếp thu, xử lý, hoàn thiện dự án luật…       

Đại biểu cho rằng, tại điều 5 về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản QPPL, nội dung khoản 1 có quy định “bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật” còn bất cập. Luật ban hành ra phải thống nhất trong hệ thống, tuy nhiên trong nội tại văn bản QPPL đó lại xung đột với nhau, không thống nhất. Bản thân văn bản QPPL phải thống nhất từ phạm vi đến đối tượng điều chỉnh, các chương quy định chung đến chương quy định cụ thể, hiệu quả thi hành…

Do đó, đại biểu kiến nghị sửa đổi khoản 1, điều 5 của Luật Ban hành văn bản QPPL như sau: “bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống và trong từng văn bản quy phạm pháp luật”.

Luật sư Đinh Thái Hoàng phát biểu đóng góp ý kiến.

Theo cán bộ Sở Tư pháp, trong nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL, khoản 2, điều 148, đề nghị bỏ từ “có thể” đối với nội dung “Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản...”. Vì tại điều 8, Luật Ban hành văn bản QPPL có quy định, khi ban hành văn bản QPPL, nội dung phải rõ ràng, chính xác, cụ thể. Việc quy định “có thể tổ chức lấy ý kiến” là chung chung, đây là vấn đề cần thiết và bắt buộc. Thời hạn tổ chức lấy ý kiến không quá 20 ngày, có thể rút ngắn thời gian còn 10 ngày.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xem xét, đối với những Nghị quyết của HĐND đã rõ, đề nghị Luật Ban hành văn bản QPPL của Quốc hội cũng phải cho phép Nghị quyết được áp dụng ngay, không cần cụ thể hóa bằng một quyết định của UBND. Quốc hội cần cân nhắc, luật ban hành ra phải đi vào đời sống thực tiễn, mang tính ổn định...          

Thay mặt đoàn ĐBQH đơn vị Tây Ninh, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đã ghi nhận, tổng hợp các ý kiến để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét và sửa đổi;  đồng thời đề nghị các đại biểu nghiên cứu, quan tâm theo dõi, tiếp tục đưa ra ý kiến đóng góp.

Phương Thảo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục