Đọc báo in
Tải ứng dụng
Góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Sửa đổi Hiến pháp là phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
2013-04-02 05:33:00

Hội Luật gia huyện Châu Thành vừa tổ chức cho 9 chi hội cơ sở và Ban Chấp hành Huyện hội mở rộng góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hội Luật gia huyện Châu Thành vừa tổ chức cho 9 chi hội cơ sở và Ban Chấp hành Huyện hội mở rộng góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(BTN)- Vừa qua, Hội Luật gia huyện Châu Thành tổ chức cho 9 chi hội cơ sở và Ban Chấp hành Huyện hội mở rộng góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Với hơn 30 ý kiến, các đại biểu đều tán thành việc sửa đổi Hiến pháp lần này là phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các ý kiến đóng góp tập trung vào các vấn đề sau:

Để cụ thể hoá thêm vai trò lãnh đạo của Đảng, nên đưa Điều 4, Chương 1 lên thành Điều 1, Chương 1. Trong dự thảo sử dụng từ chưa thống nhất, có lúc sử dụng từ “mọi người”, có lúc lại “công dân”, hoặc có lúc sử dụng cụm từ “do luật định”, có lúc sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Vì vậy nên xem xét sử dụng từ cho thống nhất xuyên suốt.

Điều 1, nên sửa lại và thêm: “Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển, vùng trời”. Điều 3, nên đưa từ “tự do” đứng trước từ “ấm no” vì có tự do thì mới có ấm no.

Khoản 3, Điều 5 có đoạn “giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình” nên bổ sung thêm “theo pháp luật”, vì phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp nhưng phải tuân theo pháp luật. Khoản 2, Điều 25 thêm cụm từ “theo pháp luật được bảo hộ” sau từ “nơi thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo”. Khoản 1, Điều 31 của dự thảo đề nghị bỏ chữ “quyền” trước từ “tố cáo” và nên sửa lại thành “quyền khiếu nại và tố cáo”.

Điều 34 của dự thảo, so với Hiến pháp năm 1992 thay đổi từ “công dân” thành từ “mọi người” là phù hợp, nhưng bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” là không phù hợp mà nên giữ nguyên như Hiến pháp năm 1992. Điều 107, nên xem xét đưa việc áp dụng án lệ vào trong Hiến pháp để ngành Toà án có căn cứ phát triển án lệ trong công tác xét xử. Khoản 1, Điều 110 nên bổ sung từ “các” trước từ “Toà án” cho đủ nghĩa.

Các ý kiến cũng thống nhất dự thảo tiếp tục giữ tên gọi của Chương VIII như Hiến pháp năm 1992, nhưng bỏ mục Toà án nhân dân, mục Viện kiểm sát nhân dân để đảm bảo thống nhất về kỹ thuật lập hiến. Đồng thời toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên cần chuyển các nội dung của Điều 126, Hiến pháp năm 1992 vào Điều 107 và Điều 112 của dự thảo.

Quang Hà

Từ khóa:
Tin liên quan