Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gương sáng thương binh Nguyễn Văn Tấn
Thứ ba: 15:20 ngày 04/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1968, chàng thanh niên 16 tuổi Nguyễn Văn Tấn tình nguyện nhập ngũ, biên chế vào Đại đội 40, Ban CHQS huyện Châu Thành, tham gia chiến đấu trên nhiều địa bàn: Ninh Điền, Thanh Điền, Phước Vinh, Hoà Thạnh…

Thương binh Nguyễn Văn Tấn.

Sau nhiều năm chiến đấu, ông đã 5 lần bị thương, hơn 20 mảnh đạn còn mang trong mình. Sau khi xuất ngũ ông trở về tổ 20, ấp Thanh An, xã An Bình, huyện Châu Thành sinh sống, là thương binh 2/4.

Phát huy bản chất người lính, năng nổ, nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Năm 1980, ông được tín nhiệm bầu giữ chức danh bí thư chi bộ ấp rồi lần lượt chuyển sang vị trí chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, tổ trưởng tổ hoà giải ấp Thanh An, xã An Bình.

Ông Tấn bị hư một mắt do chiến tranh, được giao nhiều nhiệm vụ, tuy vất vả nhưng ông luôn nêu cao trách nhiệm, nhiệt tình và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông tham gia hòa giải thành nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong ấp.

Đồng thời, trong thực hiện nhiệm vụ, ông Tấn cùng đảng viên, cán bộ, hội viên hội cựu chiến binh trong ấp vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ông luôn là người đi đầu trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, trở thành điển hình trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, chăm lo giúp đỡ đồng đội, tích cực giúp đỡ nhiều người nghèo và cũng là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương.

Là thương binh, vượt qua nỗi đau thân thể, ông Tấn luôn quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, tích cực lao động sản xuất gần 3 ha ruộng, trừ chi phí, hằng năm thu lãi trên 80 triệu đồng, từ đó kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định và phát triển, các con của ông được ăn học đến nơi đến chốn.

Ngoài ra, ông còn sắp xếp thời gian tham gia việc làng, việc xóm. Phát huy truyền thống gia đình, đợt tuyển quân năm nay, hai cháu nội song sinh của ông vừa tốt nghiệp THPT đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ Công an tỉnh.

Đặc biệt, khi có bộ đội về địa phương làm công tác dân vận, gia đình ông Tấn đón bộ đội về nhà, bố trí nơi ăn, nghỉ. Đồng thời ông tích cực vận động người thân hỗ trợ rau, thực phẩm, trái cây cải thiện bữa ăn hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ và vận động nhân dân đóng góp tiền, của để làm đường giao thông nông thôn.

Vợ ông là bà Ngô Thị Dương, sinh năm 1953, quê ở huyện Đức Hoà, Long An, cũng là cựu chiến sĩ Trung đội nữ pháo binh huyện Châu Thành, thương binh 4/4 cũng hết lòng vì mọi người, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương được nhiều người quý mến. Mấy năm nay, bà Dương bị tai biến, do vậy, việc đồng, việc nhà đều do một tay ông.

Ngoài ra, ông cùng Hội CCB luôn vận động nhân dân trên địa bàn ấp treo cờ Tổ quốc trong dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị của đất nước, địa phương. Những lá cờ đỏ thắm được treo thẳng hàng tung bay trên những tuyến đường làng, ngõ xóm, tạo nên không khí trang trọng đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Ghi nhận ý chí nghị lực vượt khó, làm kinh tế giỏi, gia đình ông Tấn đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen do các cấp trao tặng. 

Huy Thường

Tin cùng chuyên mục