Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- “Từ miền Nam anh ngược xuôi ra Bắc, mang theo câu hò điệu lý chín dòng sông, mang theo tấm lòng quê hương miệt vườn…” là bài hát mà đoàn Báo Tây Ninh hát tặng Báo bạn Hà Giang làm quà gặp mặt lần đầu tiên…

Tạm gác hết công việc bận rộn vào những ngày cuối năm, đoàn Báo Tây Ninh vượt chặng đường dài hơn 300 cây số từ sân bay Nội Bài về Hà Giang.
Anh em báo Đảng địa phương mới gặp lần đầu mà như thân quen từ lâu, tay bắt mặt mừng, trao nhau những câu quan họ, vọng cổ mùi mẫn, thắm đậm hương vị quê hương của hai miền Nam Bắc.
![]() |
Chụp ảnh cưới trên cánh đồng hoa tam giác mạch tại Hà Giang. |
Dưới sự hướng dẫn của anh Bình Minh – Trưởng phòng Trị sự Báo Hà Giang, chúng tôi lên đường đi cửa khẩu Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang 22 km về phía Tây Bắc) đối diện với cửa khẩu Thiên Bảo (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Đây là cửa khẩu quốc tế duy nhất tại Hà Giang.
Đường lên cửa khẩu rộng thênh thang, nhưng trái với sự hình dung của chúng tôi, các hoạt động giao thương ở đây dường như không được tấp nập, khách du lịch qua lại cũng không đông đúc.
Người dẫn đường cho chúng tôi kể, năm 1984, Trung Quốc lại mở các đợt tấn công dọc biên giới phía Bắc, lấn chiếm các điểm cao, nhằm xâm lược lãnh thổ Việt Nam. Cuộc chiến tuy diễn ra rất ngắn, nhưng từ đó xuất hiện những địa danh như Cối Xay Thịt, Lò Vôi Thế Kỷ, Thác Gọi Hồn, Ngã Ba Cửa Tử… đủ thấy sự kinh hoàng, khốc liệt vẫn còn ghi đậm trong ký ức của nhiều người dân nơi đây – dù hiện nay, tất cả đã được phủ màu xanh ngát của cây rừng và những bờ ruộng bậc thang còn trơ gốc rạ vừa thu hoạch xong.
Đâu đó trong những lèn đá, trên những ngọn đồi, điểm cao vẫn còn hài cốt của những người lính bảo vệ biên giới năm xưa. Nghe mà thắt lòng khi đọc câu thơ:
“Bạn ở trong lèn đá
Hay rêu phủ mộ nghĩa trang
Đã bao lần chúng tôi lên mây vẫn giăng hàng
Tìm xác bạn vẫn im lìm như đá
Mây vẫn thế - điệp trùng và người xưa như hóa đá
Đồng đội ơi mộ gác lưng trời”
(Một sư đoàn hoá đá Vị Xuyên – Nguyễn Trọng Luân)
Tôi chợt nhớ đến miền biên giới Tây Ninh, khi cùng thời điểm đó, quân tình nguyện Việt Nam đang tổ chức tổng phản công truy quét tàn quân Khmer Đỏ, hỗ trợ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Người dân vùng biên giới Tây Ninh cũng trở thành nạn nhân của tội ác Khmer Đỏ, khi tàn quân Khmer Đỏ tràn sang biên giới tàn sát, cưỡng bức, hành quyết nhân dân Việt Nam, mà đỉnh điểm là vụ giết hại các giáo viên tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên.
Ngày nay, màu xanh của hoà bình phủ bóng ở các khu vực biên giới hai nước, nhưng chắc chắn những người con Tây Ninh cũng như Hà Giang không bao giờ quên được nỗi đau do chiến tranh gây nên.
![]() |
Họp chợ Sà Phìn phía trước khu nhà Vua Mèo. |
Mang tâm trạng háo hức của người miền Nam muốn được đứng dưới ngọn cờ Tổ quốc ở miền cực Bắc của đất nước, đoàn chúng tôi lại lên đường đi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bạn Lâm – người dẫn đường mới của chúng tôi nói sơ lịch trình từ Hà Giang đi Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc; gần 200 km nhưng chúng tôi phải mất hai ngày lên “dây cót” tinh thần cho việc chinh phục vùng cao nguyên đá.
Bác tài lái xe đưa chúng tôi đi là người Hà Nội, khi được hỏi có từng chạy trên cung đường này chưa thì cười và lắc đầu. Cả đoàn thắt thỏm, lại phải lên “dây cót” tinh thần lần hai vì những đoạn vượt đèo, trong đó có đoạn đèo Mã Pì Lèng được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo nguy hiểm nhất miền Bắc.
Dọc cung đường đi chúng tôi dừng chân thăm di tích kiến trúc nhà Vương – lâu đài vua Mèo nơi cực bắc nằm ẩn mình dưới thung lũng mây Sà Pìn, sau những tán cây Sa Mộc thẳng tắp vươn mình lên cao vút tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Dinh thự có tuổi đời gần 100 năm này được vua Mèo Vương Chính Đức thuê xây dựng tốn khoàng 150 tỷ đồng thời bấy giờ.
May mắn, lúc chúng tôi đến tham quan, phía trước khu nhà Vương là chợ Sà Phìn - họp mỗi tuần một phiên đang buôn bán tấp nập. Con đường đèo chạy xuống thung lũng quanh co, khúc khuỷu. có lẽ đi đường vòng hơi xa nên chúng tôi chứng kiến các cặp vợ chồng con cái người Mông mua sắm xong thì dắt díu nhau leo thẳng lên ngọn núi trước mặt để lên đỉnh núi phía trên.
![]() |
Các tay phượt tại km0 của con đường Hạnh phúc ở Hà Giang. |
Đến Quản Bạ, chúng tôi leo lên tháp để ngắm tòa thiên nhiên tròn trịa, đầy quyến rũ trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên, được gọi là Núi Đôi. Tiếp tục hành trình chúng tôi dừng chân tại nhà của Pao giữa cao nguyên đá, chụp hình giao lưu với đồng bào dân tộc Mông buôn bán xung quanh đấy…
Cao nguyên đá Đồng Văn đẹp bởi vẻ hùng vĩ của những dãy núi đá tai mèo sừng sững, nét đơn sơ mộc mạc của con người và càng đẹp hơn vào mùa hoa tam giác mạch. Dịp này, thành phố Hà Giang chuẩn bị tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch lần đầu tiên tại 4 huyện vùng cao nguyên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Vào đến thị trấn Yên Minh, chúng tôi sửng sốt trước vẻ đẹp ngỡ ngàng của cánh đồng hoa tam giác mạch, dù đã được các anh, chị đồng nghiệp Báo Hà Giang miêu tả trước.
Tranh thủ chút ánh nắng cuối cùng trong ngày, chúng tôi chụp hình cho nhau trên cánh đồng hoa, nhưng tôi biết chắc một điều là, không một hình ảnh nào có thể tôn hết vẻ đẹp của hoa so với những gì bạn được tận mắt nhìn thấy.
Cột cờ Lũng Cú hiện ra sau làn sương mỏng, mang đến cảm xúc khó tả cho những người con từ miền Nam ra. Đây là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.700 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam. Khi chúng tôi leo đến tấm bia cột cờ Lũng Cú, rồi nghỉ lấy sức để leo tiếp thêm 140 bậc thang xoắn ốc lên cột cờ.
Vừa thoát khỏi cầu thang chúng tôi cảm nhận được cơn gió mạnh, không khí loãng, tiếng cờ phần phật… Một anh trong đoàn bật quay trở lại cầu thang vì độ cao đáng sợ của nó. Khoảnh khắc thật thiêng liêng khi chúng tôi được đứng trên đỉnh Cột cờ Tổ quốc vùng cực Bắc.
Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 2 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước mà chúng tôi được nghe thuyết minh gọi là mắt rồng. Tương truyền, sau khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng H'Mông là Long Cổ, tức trống của vua.
Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt. Cột được xây dựng lại vào năm 1887, và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Cột cờ mới hình bát giác có độ cao trên 30m được khánh thành ngày 25 tháng 9 năm 2010. Lá cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam tung bay trên bầu trời biên giới. Không hẹn mà gặp, trên đỉnh cột cờ Lũng Cú, ai cũng trang phục áo thun màu đỏ in ngôi sao vàng trước ngực như mang lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, kết nối mọi người dân Việt Nam trên toàn thế giới.
![]() |
Chụp ảnh kỷ niệm tại Nhà của Pao. |
Rời cao nguyên đá Đồng Văn và lên đường chinh phục Mã Pì Lèng, đi Mèo Vạc, Bắc Mê rồi về lại Hà Giang. Tiếc rằng trời đã tối nên không thể nhìn trọn vẹn con đường mang tên Hạnh Phúc dài 200km nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc, nhưng mỗi người trong đoàn đều khâm phục ý chí của hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động.
Trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng với dụng cụ làm việc còn rất thô sơ như búa, xà beng…
Tạm biệt Hà Giang, bên nồi thắng cố, cùng uống rượu ngô men đá, anh Minh Tuấn - Trưởng phòng Thư ký của Tòa soạn Báo Hà Giang tiễn chúng tôi bằng câu thơ, thể hiện gần như đầy đủ đặc trưng “đất và người” nơi cao nguyên đá, trải qua mọi bể dâu, không bao giờ thay đổi:
“Lưng chừng núi,
Lưng chừng mây,
Không lưng chừng tính cách…”.
Hồng Nguyên