BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Hai lúa Suối Dây” chu du thế giới:  Bán “máy bay” để cơ giới hoá nông nghiệp

Cập nhật ngày: 09/04/2009 - 10:40

Niềm đam mê vẫn... khó dứt

Anh Hải (giữa) và hai cộng sự người nước ngoài tại một cuộc triển lãm ở Bỉ. Sau lưng họ là chiếc trực thăng của anh Hải

Tôi gặp lại “Hai Lúa” Trần Quốc Hải khi anh vừa về đến nhà sau một chuyến chu du nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ cùng “hai đứa con cưng” của anh: “hai thiết bị bay mang hình dáng trực thăng”.

Hải cho biết, khi các nhà khoa học, các cán bộ kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức thử nghiệm thiết bị bay của anh với kết quả “không bay được”, anh cảm thấy rất buồn. “Tôi buồn chứ không nản chí. Tôi luôn tin mình sẽ thành công. Tuy nhiên, đến thời điểm đó (đầu năm 2007) thì tôi không còn vốn liếng để đầu tư cho niềm đam mê của mình nữa”, anh Hải nói.

Sau “chuyến bay” thử nghiệm không thành, nhiều người - trong đó có các nhà khoa học khuyên anh nên chú trọng và tập trung vào việc chế tạo những thiết bị, máy móc thiết thực phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hải hiểu rằng anh cần phải nghe theo lời khuyên này. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chế tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng cần phải có đầu tư nhiều vốn liếng, trong khi “Hai Lúa” đang gặp nhiều khó khăn về tài chính sau nhiều năm anh đổ tiền của vào việc nghiên cứu chế tạo trực thăng

Dịp may đến với anh Hải. Kể từ tháng 12.2006, khi nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh (người Mỹ gốc Việt, hiện đang sinh sống tại TP.HCM) thực hiện bộ phim “Người nông dân và chiếc máy bay” mà nhân vật chính là “Hai Lúa” cùng hai chiếc trực thăng của anh và đưa bộ phim này dự triển lãm nghệ thuật đương đại Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ năm được tổ chức tại Úc thì “Hai Lúa” Trần Quốc Hải đã trở nên nổi tiếng. Nhiều viện bảo tàng, cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học… của nhiều nước liên tục mời Hải đến tham dự các buổi hội thảo và đề nghị anh… nói chuyện về quá trình thực hiện niềm đam mê của mình. Hai năm qua, thời gian “Hai Lúa” đi nước ngoài gần bằng thời gian ở nhà. Anh cùng hai chiếc “trực thăng” của mình đã đi qua nhiều bang của Mỹ và các nước Úc, Đức, Bỉ, Áo, Singapore… Mỗi chuyến đi như vậy, “Hai Lúa” mang về cho bà xã được... “vài ngàn đô”! Anh Hải “khoe”, mức “thu nhập” bình quân khi nói chuyện về công việc chế tạo máy bay của anh ở nước ngoài là 500 USD/giờ! “Hai Lúa” đã thật sự “bay” đến nhiều nơi mà trước đây anh không hề nghĩ đến khi chế tạo chiếc trực thăng đầu tiên.

Anh Hải đã bán chiếc trực thăng này cho một viện bảo tàng ở Mỹ

Sau khi chu du nhiều nơi trên thế giới, Hải đã “gật đầu” đồng ý bán đi chiếc trực thăng đầu tiên sau nhiều lời mời gọi vào giữa năm 2008. Giá bán bao nhiêu thì anh không tiết lộ, chỉ “bật mí”: “Đủ để tôi trang trải các khoản đầu tư vào việc chế tạo máy bay. Còn lại một số, tôi mua thêm thiết bị, phương tiện để chế tạo các máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Chiếc trực thăng thứ hai đã được “Hai Lúa” cải tiến lại, hiện đang được trưng bày tại một viện bảo tàng ở Bỉ và sẽ tiếp tục đi đến một số quốc gia khác ở phương Tây. Cũng đã có nhiều lời đề nghị mua chiếc này nhưng anh cương quyết trả lời “không”, phải “giữ một chiếc làm kỷ niệm” chứ!

Ứng dụng thành công hệ thống chăm sóc cao su tự động

Đến giữa năm 2008, Hải cùng con trai và các cộng sự nghiên cứu chế tạo thành công máy “thổi lá cao su”. Lâu nay, việc quét lá cao su để phòng cháy rừng vốn do công nhân các nông trường thực hiện. Mỗi công nhân quét lá chỉ đạt năng suất tối đa 0,5 ha/ngày, tiền công là 150.000 đồng/ha.

Khi chiếc máy “thổi lá” ra đời, công việc quét lá cao su ở một số nông trường đã được giải quyết nhanh gọn mà chi phí lại giảm đáng kể. Trung bình, mỗi chiếc máy “thổi lá” của “Hai Lúa” dọn dẹp được 25 ha/ngày (8 giờ), sạch hơn quét tay. Để “quét” 25 ha cao su, mỗi máy “thổi lá” đốt khoảng 30 lít dầu. Cộng với tiền thuê tài xế vận hành máy mỗi ngày 150.000 đồng, thu nhập của chủ máy còn hơn 3 triệu đồng/ngày. Hiện gia đình anh Hải có đến 8 chiếc máy “thổi lá cao su” như thế. Số máy này được đầu tư từ tiền bán chiếc trực thăng đầu tiên.

Máy “thổi lá cao su” được Hai Lúa thiết kế gắn liền với đầu máy kéo hiệu Ford 3000 (42 mã lực) hoặc Ford 4000 (52 mã lực). Sức gió để thổi lá có vận tốc 90km/h, thổi sạch lá trong gốc và trên luống cây ra rãnh (khoảng 3m). “Hiện nay tôi chỉ mới nghiên cứu chế tạo máy thổi lá trên đầu máy kéo hiệu Ford mà chưa chế tạo trên những đầu máy kéo khác. Sau này tôi sẽ thử xem, chắc có lẽ cũng không có gì khó vì nguyên lý hoạt động của các đầu máy kéo cơ bản không khác nhau mấy”, anh Hải nói. Tính luôn đầu máy kéo, giá thành mỗi chiếc máy này hiện nay chỉ 90 triệu đồng.

Song song với sự ra đời của chiếc máy thổi lá cao su là “người anh em song sinh”: Máy bón phân tự động. Chiếc máy này cũng được vận hành trên đầu một chiếc máy kéo kéo thêm một rơ moóc chứa phân bón. Thùng phân bón được thiết kế chia làm 3 ngăn để chứa 3 loại phân bón khác nhau. Khi máy vận hành, các loại phân bón sẽ được điều tiết theo tỷ lệ đã chọn để xuống ống dẫn, đưa ra luống cao su. Công suất bón phân của máy cũng khoảng 25ha/ngày (8h). Giá thành mỗi máy bón phân cao su khoảng trên 100 triệu đồng/chiếc, kể cả đầu máy kéo.

Máy thổi lá cao su do “Hai Lúa” chế tạo

Chiếc máy thứ ba được “Hai Lúa” chế tạo thành công phục vụ cho việc thu hoạch mủ cao su. Hải gọi đây là “chiếc máy giặt mủ”. Máy này có giá thành 20 triệu đồng/chiếc. Công dụng của máy này là làm sạch những chất tạp, rác, đất lẫn trong mủ cao su bị rơi xuống đất khi khai thác. Mỗi giờ, máy “giặt” được 800 kg mủ. Giá trị mủ sau khi được đưa vào máy “giặt” được nâng lên gấp nhiều lần. “Tôi đã bán được hơn 40 chiếc máy loại này. Có khá nhiều nơi đặt hàng nhưng tôi không làm kịp”, anh Hải tiết lộ. “Hai Lúa” cũng khoe với tôi là anh vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận Điển hình sáng tạo Việt Nam cho công trình nghiên cứu “Quy trình chăm sóc cao su tự động” do anh thực hiện.

Trước đây, “Hai Lúa” đã từng chế tạo thành công nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp như: rơ moóc tự hành (có cả láp, thắng hơi, ben), giàn cày cải tiến (tăng công suất cao gần gấp đôi so với giàn cày cũ nhưng tiết kiệm được 1/3 nhiên liệu), máy bơm xác mì từ hầm chứa lên xe tải thay vì phải sử dụng sức người để xúc…

“Hai Lúa” cho biết, trong năm 2009 này, anh sẽ chế tạo máy làm cỏ đường băng vườn cao su và máy thu hoạch cà phê. “Chú đừng ngạc nhiên vì Tây Ninh không trồng cà phê nhưng tôi lại chế máy này. Máy thu hoạch cà phê của tôi sẽ xuất tỉnh ra Tây Nguyên. Tôi đọc báo, xem đài, nghe nói các tỉnh này hiện đang thiếu hụt nhân công thu hoạch cà phê trầm trọng. Điều này khiến chất lượng cà phê thu hoạch được giảm sút hẳn. Có máy thu hoạch, người trồng cà phê sẽ đỡ vất vả hơn, cà phê Việt Nam sẽ có chất lượng cao hơn”, anh Hải giải thích.

“Hai Lúa” Trần Quốc Hải cũng cho biết, mối bận tâm khác của anh hiện nay là nếu được sự quan tâm của các ngành chức năng, anh sẽ tận lực nghiên cứu chế tạo máy móc để cơ giới hoá cây mía ở Tây Ninh.

BẢO TÂM