Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Hai năm xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”: Bộ mặt mới, không khí mới
Thứ ba: 11:29 ngày 07/09/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau hai năm thực hiện, có thể thấy bộ mặt, môi trường học tập ở các trường học trong tỉnh đã có nhiều thay đổi.

Ngay sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, UBND tỉnh Tây Ninh đã có công văn chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch và Tỉnh đoàn xây dựng Kế hoạch liên ngành xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” cho các trường phổ thông giai đoạn 2008 – 2013. Sau hai năm thực hiện, có thể thấy bộ mặt, môi trường học tập ở các trường học trong tỉnh đã có nhiều thay đổi.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra đội ngũ nhà giáo vận dụng việc đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh để nâng cao chất lượng, tạo mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò; tạo điều kiện để tất cả thanh thiếu niên trong độ tuổi đều được đi học và hoàn thành cấp học, quan tâm đến nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nội dung dạy học, hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu và cuộc sống của học sinh tại địa phương, sử dụng hình thức tổ chức, phương pháp dạy và học tích cực. Ngành chú ý tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhằm tạo tâm lý học tập thoải mái, gắn liền với việc bảo vệ gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Nhà trường xây dựng và thực hiện quy định bảo vệ môi trường an toàn, không bạo lực, có sự hỗ trợ, bảo vệ cho giáo viên và học sinh; có cơ sở vật chất an toàn, có nước sạch cho sinh hoạt, có nhà vệ sinh phù hợp với nam và nữ, đảm bảo vệ sinh trường học. Trong hoạt động dạy học, thầy cô có trách nhiệm giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh, hỗ trợ tâm lý, tạo môi trường bình đẳng thân thiện và khuyến khích trẻ vui đến trường, hăng hái học tập, đồng thời phải đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng cho cả học sinh nam và nữ.

Cũng trên tinh thần xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các dịp lễ khai giảng năm học mới có cả phần “lễ” và phần “hội”: phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội tưng bừng với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian tươi vui, sinh động, tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới. Việc đón học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) được ngành quan tâm đặc biệt, có huy động phụ huynh học sinh cùng tham gia.

Năm học đầu tiên, có 91 trường học trong tỉnh tham gia xây dựng điểm phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngành học Mầm non có 11 trường tham gia (trên tổng số 117 trường). Cấp tiểu học có 11 trường (trên 289 trường). Cấp THCS có 38 trường (trên 107 trường). Riêng cấp trung học phổ thông, tất cả 31 trường đều đăng ký tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 501 trường đăng ký tham gia phong trào gồm 113 trường mầm non, 103 trường THCS, 244 trường tiểu học, 31 trường THPT, 10 Trung tâm GDTX.

Vui chơi kéo co trong ngày khai giảng ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu- Thị xã.

Được sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn và Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hướng dẫn trò chơi dân gian cho hơn 100 cán bộ, giáo viên là lãnh đạo, hiệu trưởng, bí thư Đoàn trường, cán bộ phụ trách chuyên môn và cán bộ phụ trách ngoài giờ lên lớp. Sau khi dự lớp tập huấn của Bộ, Tây Ninh tiếp tục tổ chức lớp cho hơn 500 cán bộ, giáo viên là chuyên viên phụ trách giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổng phụ trách Đội các đơn vị, trường học trong tỉnh với các nội dung về kỹ năng giao tiếp, các trò chơi dân gian để triển khai ra tất cả các trường học trong tỉnh.

Ngay sau khi khai giảng năm học 2008-2009, tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ngành Giáo dục (Tân Biên), lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng hiệu trưởng của 91 trường học đã ký kết giao ước thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó, phát động phong trào tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị 81 di tích lịch sử trong toàn tỉnh. Tại buổi lễ, Nhà xuất bản Giáo Dục đã trao 20 suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó của huyện Tân Biên, tặng một thư viện cho thầy trò Trường THCS Thạnh Tây trị giá 50 triệu đồng.

Thực hiện lời cam kết, các đơn vị đều có kế hoạch và tổ chức tốt việc chăm sóc các di tích lịch sử, văn hoá. Trường THCS Thạnh Tây và Trường THPT Trần Phú cùng nhận chăm sóc nhà bia định kỳ hằng tháng, đặc biệt trong các ngày lễ lớn, nhà trường đều tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh quét dọn, vệ sinh và thắp hương các anh hùng liệt sĩ… Trường THPT Ngô Gia Tự, THPT Nguyễn Thái Bình cùng xây dựng kế hoạch chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh (tại Gò Dầu), tổ chức cho học sinh chăm sóc và vệ sinh nghĩa trang mỗi tháng 1 lần. Hai năm qua, đã có hàng trăm ngàn lượt học sinh và giáo viên tham gia hoạt động này. Ở huyện Dương Minh Châu, ngành Giáo dục và Đào tạo vận động tất cả các trường học trên địa bàn huyện ủng hộ 100 ghế đá cho nghĩa trang liệt sĩ huyện và nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của ngành. Các đơn vị, trường học bên cạnh việc cung cấp các tri thức văn hoá cho các em đã năng động và sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo điều kiện cho học sinh được học hỏi, giao lưu với trường bạn trong và ngoài tỉnh. Thực hiện phong trào trường với trường giúp nhau vượt khó, toàn tỉnh có hàng trăm đơn vị trường ở thị xã, thị trấn kết nghĩa giúp đỡ cho các trường vùng sâu, biên giới.

Các trường đã huy động mọi nguồn lực để giải quyết dứt điểm những yếu kém về cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Đến nay, tất cả 511 trường đều có khuôn viên cây xanh, đảm bảo thoáng mát, sạch đẹp. Những năm gần đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã cấp kinh phí bổ sung 14 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà vệ sinh ở tất cả các trường học. Thực hiện phong trào này, toàn ngành đã xây dựng mới 149 công trình vệ sinh; đảm bảo 100% đơn vị có công trình vệ sinh. Với phương châm chăm lo cho tất cả các đối tượng đều được tới trường, các trường học đã quan tâm trợ giúp các em học sinh nghèo có điều kiện học tập. Chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, toàn tỉnh có 201 trường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hoạt động giáo dục cho học sinh. 342 trường đã tổ chức được các câu lạc bộ, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nội dung giáo dục, rèn luyện các kỹ năng sống, ý thức bảo vệ sức khoẻ, phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích cho học sinh. Qua kiểm tra, đánh giá, 68 trường học đã được công nhận thực hiện tốt phong trào.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng đã bộc lộ rõ những khó khăn.  Kinh phí dành cho sự nghiệp giáo dục còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, do vậy việc thực hiện phong trào còn hạn chế, đặc biệt là việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Phong trào hiện phát triển chưa  đều khắp các đơn vị, trường học trong tỉnh, nhất là việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao tính chủ động cho học sinh ở các đơn vị vùng sâu, vùng biên giới. Đây là những vấn đề cần được quan tâm chú ý trong những năm tiếp theo.

ANH TUẤN

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục