Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hải ngoại I, Sivotha-Bản hùng ca vang mãi (tiếp theo và hết) 

Cập nhật ngày: 14/09/2021 - 23:54

BTN - Trong khi nghiên cứu các tư liệu về Hải ngoại Sivotha trên đất Tây Ninh, với những tên tuổi của Trần Văn Giàu, Ngô Thất Sơn, Lê Việt Hùng… chúng tôi không thể không liên hệ đến cuộc khởi nghĩa của Trương Quyền và Pu-Kum-Pô, cũng trên miền đất này vào năm 1866.

Bút tích thư gửi lãnh đạo Tây Ninh của Giáo sư Trần Văn Giàu.

Mùa thu tháng 10.2001 có một cuộc họp mặt rất đông đúc và cảm động trên rừng Cầy Hoà Hội. Ðấy là lễ khánh thành Di tích Căn cứ địa Bộ đội Hải ngoại I- Sivotha, sau đúng 55 năm lực lượng về nước tham gia kháng chiến.

Trụ sở UBND xã là nơi tiếp đón các cựu chiến binh của lực lượng từ TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh và các tỉnh miền Nam. Xe hơi xếp một hàng dài trên đường 781. Các cựu chiến binh và thân nhân những người đã mất được hướng dẫn đi bộ vào khu di tích.

Nhà bia đã xây xong, mái ngói đỏ tươi, cột cũng ốp gạch màu đỏ thắm; cùng với dây hoa, cờ, biển trang trí, băng-rôn làm bừng lên gam màu nóng giữa rừng. Nhưng không gian chẳng thể nào "nóng" cho bằng tình cảm đồng chí sắt son của nhiều người sau cả nửa thế kỷ mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng mà rưng rưng nước mắt.

Năm ấy, bác Tư Ðẩu, nguyên Chỉ huy phó Bộ đội Quân khu Ðông Bắc Campuchia được đón lên. Bác đã phải ngồi xe lăn, nhưng đồng đội vẫn ùa vào vây quanh xe tíu tít hỏi thăm. Có cả con gái người Chỉ huy trưởng Ngô Thất Sơn, nay đã là một phụ nữ tuổi trung niên; cùng vợ con rất nhiều đồng chí đã hy sinh…

Mọi người còn mong chờ một người nữa là Giáo sư Trần Văn Giàu, người đã ký quyết định thành lập đơn vị và trực tiếp trao “Quân kỳ, kiếm lệnh” tại chiến khu Tà Om. Nhưng tuổi ông đã cao, lại bị cơn yếu mệt bất thường nên không tới được.

Dù vậy, ông vẫn nhớ các chiến sĩ của mình, thay sự có mặt bằng hai lá thư viết tay: Một lá thư gửi các cựu chiến binh Hải ngoại I- Sivotha; lá thư còn lại gửi Tỉnh uỷ Tây Ninh, bày tỏ lòng biết ơn trước sự quan tâm, giúp đỡ của Tây Ninh với đơn vị suốt những năm kháng chiến cho tới ngày nay. Cả hai lá thư đã được ông Lê Việt Hùng, chịu trách nhiệm chính trong Ban liên lạc CCB và tổ chức ngày lễ đọc trước đồng đội và đại biểu về dự lễ…

Ðến đây, xin dành những dòng tiếp theo để nói về ông Lê Việt Hùng. Chính là nhờ những cố gắng, tận tuỵ của ông mà công trình tưởng niệm đã được xây lên. Trước đó 2 năm, vào ngày 29.9.1999, di tích căn cứ Bộ đội Hải ngoại I- Sivotha được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, được khoanh vùng bảo vệ trên diện tích 20.000m2 của rừng Cầy.

Ông Lê Việt Hùng là cán bộ Sivotha- Ðông Bắc Khmer, tập kết ra miền Bắc năm 1954. Khi trở về Tây Ninh sau 1975, ông tiếp tục công tác ở nhiều lĩnh vực, trước khi về hưu là Giám đốc Sở Tư pháp Tây Ninh.

Dù cho bộ đội Sivotha đã kết thúc vai trò lịch sử của mình vào tháng 4.1951, cán bộ chiến sĩ đã được phân công ở nhiều đơn vị khác, nhưng ông Hùng vẫn luôn “nặng lòng” với đơn vị năm xưa và đồng đội của mình, mới có một Di tích Căn cứ địa Bộ đội Hải ngoại I- Sivotha hôm nay dưới tán rừng Hoà Hội.

Nhiều đoạn hầm hố, giao thông hào của thời các ông đã biến mất sau nửa thế kỷ thời gian, mưa nắng. May sao vẫn còn cái giếng. Thành đất tròn đã sụp, lõm hình hàm ếch, nhưng vẫn còn những thanh gỗ ghép trên miệng giếng dù đã mục.

Ðây không chỉ là hậu cứ của ban chỉ huy, mà còn là nơi huấn luyện và học tập cho các chiến sĩ mới và các đội võ trang trực thuộc. Một số thanh niên Tây Ninh tòng quân vào bộ đội Sivotha, nay vẫn còn, như các ông Ngô Văn Chua (Tám Chua) ở Châu Thành, ông Nguyễn Chơn (Chín Chơn) ở TP. Tây Ninh…

Trong kỳ báo trước, chúng tôi đã trích phần lớn bản văn bia. Bản văn mà khi ta đọc lên sẽ thấy ngay những âm vang, nhịp điệu hào hùng của đất nước những ngày Nam bộ kháng chiến.

Xin được “tiết lộ” văn bản này cũng do ông Lê Việt Hùng soạn thảo, chỉnh sửa nhiều lần trước khi được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt để khắc lên “bia đá, bảng vàng”. So sánh “liên văn bản” với lời kêu gọi của Uỷ ban Kháng chiến Nam bộ phát hành sáng 23.9.1945, sẽ thấy rõ ngay có những nét tương đồng.

Trong khi nghiên cứu các tư liệu về Hải ngoại Sivotha trên đất Tây Ninh, với những tên tuổi của Trần Văn Giàu, Ngô Thất Sơn, Lê Việt Hùng… chúng tôi không thể không liên hệ đến cuộc khởi nghĩa của Trương Quyền và Pu-Kum-Pô, cũng trên miền đất này vào năm 1866.

Từ đấy, tính đến năm bộ đội Hải ngoại I về nước đứng chân tại Tây Ninh là vừa đúng 80 năm (tới nay, năm 2021 là 155 năm), Giáo sư Trần Văn Giàu có bộ sử đồ sộ mang tên Chống xâm lăng (lịch sử Việt Nam từ 1858-1898, Nxb TP.Hồ Chí Minh năm 2001).

Tại quyển thứ nhất: Nam kỳ kháng Pháp, có nguyên một tiểu mục 6- Cuộc khởi nghĩa của Trương Quyền Pu-Kum-Pô. Liên quân này đã đánh thắng Pháp trận đầu ngay tại bến Trường Ðổi trên rạch Tây Ninh, diệt tên Lác-cơ-lô-zơ, chủ tỉnh Tây Ninh lúc ấy.

Ðấy là khi: “gần chiều tối, Lác-cơ-lô-zơ cưỡi ngựa trắng cùng quân lính ra ứng phó. Hai bên nổ súng, toán quân (tiếp viện) của Pi-nô chạy tháo về đồn. Quan ba Lác-cơ-lô-zơ bị bao vây.

Cuộc chiến đấu xảy ra rất ngắn, 7 giờ tối, tổng số 21 người lính Pháp đi theo chủ tướng, chỉ còn 9 người chạy bán sống bán chết về đồn, trong đó có 3 người bị thương; 11 người với sĩ quan La-sa và Lác-cơ-lô-zơ đều bị giết tại trận trong một cuộc giáp chiến không đầy nửa giờ…

Ðịch cố thủ trong thành. Chúng khiếp sợ cho đến đỗi trong vòng 30 giờ đồng hồ, thây của Lác-cơ-lô-zơ và các sĩ quan binh lính khác “bị để mặc cho diều tha quạ mổ” (lời của Du- méc)…”.

“Ðược tin, đô đốc La-gờ-răng-de cấp tốc gửi chiến thuyền “long-din” đem quân cứu viện đến Tây Ninh. Quân cứu viện này do quan Năm Mác-se-zơ cầm đầu”. Một cánh quân khác là “quan ba Fơ-rô-mi-ê đem viện binh lên Tây Ninh bằng đường bộ từ Trảng Bàng (con đường sứ), quân Fơ-rô-mi-ê vừa qua thì quân khởi nghĩa Việt- Khmer đánh phá hai trạm Truông Mít và Cầu Khởi…

Ngày 14.6, quan Năm Mác-se-zơ xuất quân lần thứ hai… địch có 150 quân ra trận, 2 khẩu đại bác. Hai quân gặp nhau ở Rạch-Vịnh, kế bên rạch là những cánh đồng lầy nhỏ.

Quân khởi nghĩa khi ấy vừa hò hét, vừa tấn công bằng cung nỏ, đao mác, gươm giáo và mấy cây súng đã lượm được trong trận trước… Hai bên đánh xáp lá cà. Quan năm Mác-se-zơ và một số đông lính địch bị chém chết. Ðến 5 giờ, địch tháo chạy về đồn, mất chủ tướng…”. Ðây là trận thắng thứ 2.

Trận thứ ba là ở Thuận Kiều: “Ðêm 24.6 tức chỉ 10 ngày sau trận Rạch-Vịnh, quân ta phá nhà giây thép (Bưu điện) Thuận Kiều, lao vào đồn, vừa hét vang trời, vừa xông tới chém giết địch, ta đem vào đồn nhiều xe bò để chở khí giới đạn dược lấy của địch…”.

Trận thứ tư là ở Trà-Vang (Tây Ninh) vào ngày 2.7 (liệu có phải người Pháp phiên âm sai hai tiếng Trà Vong): “Mấy ngày này, quân khởi nghĩa luôn luôn theo sau quân Pháp để chờ một cơ hội, một địa điểm thuận lợi mà đánh; 12 giờ trưa, trận giáp chiến bắt đầu ở giữa một cánh đồng nhỏ trong rừng.

Ðịch tổn thất nặng, rút về Tây Ninh thì ngày 3, chúng bị hơn ba trăm nghĩa quân đón đường phục kích. Ðêm ấy, nghĩa quân Khmer - Việt vào tận phố Tây Ninh mà đánh, đốt phá cơ quan địch và nhà cửa những kẻ tay sai của địch…”.

Cò nhạn bay về rừng Hoà Hội.

“Lúc bấy giờ, còn phải kể những trận đánh quan trọng sau đây nữa. Trận Bà Vang trong rừng Bắc Tây Ninh (ngày 11), trận Long Tri ở Tân An (đêm 8, rạng 9 tháng 7), các trận Củ Chi, Hóc Môn và Trảng Bàng do đích thân Trương Quyền cầm quân đánh giặc (7.7)... và đặc biệt trận Bình-Thới (trong tỉnh Gia Ðịnh) nơi đây, bên quân khởi nghĩa mất một kho súng đạn lớn gồm 59 đại bác bằng đồng…”.

Ðọc những dòng sử mô tả rất chi tiết nói trên hẳn bạn đọc sẽ thấy một sự rất tương đồng giữa bộ đội Sivotha- Ðông Bắc Khmer với liên quân Trương Quyền- Pu-Kum-Pô từ 80 năm trước đó.

Người viết sử cũng là người khai sinh ra bộ đội Ðộc lập số 1 Nam bộ, sau đổi tên thành bộ đội Hải ngoại I- Nam bộ, sau nữa là Sivotha hoạt động tại Tây Ninh và trên vùng Ðông bắc Campuchia.

Kết luận tại mục 6, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Nhà lãnh tụ Trương Quyền xứng đáng với cha, cũng xứng đáng với dân tộc… Dòng máu của Trương Quyền và bè bạn rửa sạch những mối hiềm thù do triều đình Huế gây nên, gắn chặt tình thân thiện giữa Việt- Khmer huynh đệ mà sau này quân tình nguyện của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã anh dũng phát huy”.

Giáo sư Trần Văn Giàu không quên đội quân Hải ngoại I- Sivotha, để lại trên đất Tây Ninh bản hùng ca còn vang mãi.

Trần Vũ

Tin liên quan
  • Hải ngoại I, Sivotha -Bản hùng ca vang mãi 

    Hải ngoại I, Sivotha -Bản hùng ca vang mãi

    Lối vào rừng nay thật dễ nhận ra. Bởi tấm biển đúc bê tông nhỏ nhoi bị nứt nẻ đã được thay thế bằng bức tường xây rộng dài 1 x 2 mét, có trụ, đà viền quanh chắc chắn. Nền sơn xanh nổi bật hàng chữ lớn sơn trắng “Khu Di tích Căn cứ Bộ đội Hải ngoại I- Sivotha”.