Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tăng trưởng nhanh nhưng góp ngân sách ít. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành hàng không khắc phục, chấn chỉnh ngay vấn đề người dân bức xúc là tình trạng chậm, hủy các chuyến bay...
Thủ tướng yêu cầu ngành hàng không phải chấn chỉnh tình trạng chậm, hủy chuyến bay. Trong ảnh: hành khách làm thủ tục lên máy bay - Ảnh: C.ANH
Đó là nội dung được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng với Tổng công ty Quản lý bay, Tổng công ty Hàng không và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam vào ngày 16-8.
Khắc phục lỗi chủ quan
Theo ông Mai Tiến Dũng, ngành hàng không phải nghiêm khắc trước việc chậm các chuyến bay, bởi người dân đi máy bay rất bức xúc.
“Thủ tướng yêu cầu phải khắc phục ngay, triệt để tình trạng chậm, hủy chuyến bay. Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh ngay chậm, hủy chuyến liên quan đến yếu tố chủ quan trong điều hành. Đây là yêu cầu số 1 vì hành khách không chấp nhận chậm một tiếng rồi lại chậm tiếng nữa” - ông Dũng nói.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hàng không giá rẻ tăng lên dẫn đến bùng nổ và quá tải. Với trường hợp bay chậm do lỗi chủ quan phải phạt thật mạnh”, ông Thiên nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ, việc chậm, hủy chuyến luôn có hai nguyên nhân, nhưng phải nhìn nhận nguyên nhân chủ quan trước để khắc phục.
“Có những cái rất đơn giản như trục trặc hành lý nhầm chuyến bay, chỉ lấy một hành lý trở lại đã mất 45 phút. Những lỗi chủ quan đó là do con người, phải tập trung khắc phục” - ông Thọ nói.
Đóng góp ngân sách còn rất ít
Ông Dũng cho rằng doanh thu của ngành hàng không năm nào cũng tăng từ 10-15%, năm sau cao hơn năm trước, nhưng đóng góp cho ngân sách còn rất ít.
“Yêu cầu tính đúng, tính đủ để cắt giảm chi phí không cần thiết, tăng thu cho ngân sách. Còn mức nộp ngân sách như báo cáo 7 tháng là 600 tỉ đồng với một ngành trọng điểm, mũi nhọn, đầu tàu như thế là không ổn”, ông Dũng chỉ rõ.
Yêu cầu ba tổng công ty phải tiếp tục đổi mới về quản trị, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực sự phải cạnh tranh thị trường quyết liệt, ông Dũng cho rằng dư địa lợi thế của ngành hàng không rất lớn nên phải nhìn lại việc vận chuyển hành khách. Vietnam Airlines tăng hành khách 7,13%, trong khi ngành du lịch khách tăng 28%, một tỉ lệ khá thấp.
Ông Dũng cũng đề nghị phải nghiên cứu, kêu gọi xã hội hóa từ hạ tầng, cảng, đường băng, miễn là đảm bảo lợi ích nhà nước và nhà đầu tư để giảm bớt khó khăn cho ngân sách nhà nước.
Giá vé máy bay tăng theo phí dịch vụ hàng không
Từ ngày 1-10 giá dịch vụ hàng không sẽ tăng - Ảnh: CHÂU ANH.
Theo quyết định vừa được Bộ GTVT ban hành, hàng loạt giá dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay VN sẽ được điều chỉnh tăng mạnh từ ngày 1-10. Theo đó, giá cất, hạ cánh các chuyến bay được điều chỉnh tăng 5% với lộ trình đến 30-6-2018, sau đó sẽ tăng thêm 10%. Ngoài ra, mức giá trong khung giờ cao điểm sẽ tăng 115% so với giờ bình thường, còn tại khung giờ thấp điểm giảm còn 85%.
Giá dịch vụ hành khách bay quốc tế cũng tăng. Theo đó, giá dịch vụ tại sân bay Đà Nẵng là 20 USD/khách, tăng 4 USD/khách, tại Vinh và Cát Bi là 14 USD/khách, tăng 6 USD/khách. Với các chuyến bay quốc nội, giá dịch vụ hành khách sẽ tăng khoảng 7%.
Về giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không được áp mức 2 USD/khách bay quốc tế, tăng 0,5 USD/khách. Với khách bay quốc nội, giá dịch vụ này tăng từ hơn 11.000-18.000 đồng theo từng giai đoạn, hiện là hơn 9.000 đồng...
Theo Cục Hàng không, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ cất, hạ cánh nhằm đảm bảo bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng thời có nguồn tích lũy để nâng cấp, đầu tư mới đường băng, đường lăn trong bối cảnh ngân sách hạn chế.
Trả lời Tuổi Trẻ chiều 16-8, đại diện một hãng hàng không trong nước cho biết giá vé bình quân bay nội địa hiện đang rất thấp nên các quyết định trên làm tăng thêm chi phí.
Với các phí đã được tách bạch giá vé máy bay, theo vị đại diện trên, việc phí tăng đồng nghĩa với giá phí mới sẽ được cập nhật và tính thêm vào số tiền phải chi trả của khách.
“Với các loại phí nằm trong cấu thành giá vé, ví dụ phí cất hạ cánh sẽ được các hãng tính toán lại để có điều chỉnh phù hợp” - vị đại diện này nói.
Nguồn TTO