BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hành lang lịch sử - Mô hình giáo dục truyền thống lịch sử sinh động 

Cập nhật ngày: 25/05/2021 - 11:32

BTNO - Công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội viên, thiếu niên nhi đồng về lịch sử Đoàn, Đội và truyền thống địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Thời gian qua, Hội đồng Đội huyện Châu Thành triển khai mô hình “Hành lang lịch sử”, trang bị thêm cho các em kiến thức lịch sử và giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng.

Các em học sinh thi rung chuông vàng tìm hiểu về nội dung mô hình “Hàng lang lịch sử”.

Theo đó, những hình ảnh, tiểu sử của Bác Hồ, các anh hùng dân tộc, các phong trào của Đội TNTP Hồ Chí Minh, mô hình 3D các di tích lịch sử quê hương Châu Thành trung dũng kiên cường được các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn huyện trưng bày dọc các hành lang khu lớp học.

Trên những hình ảnh ghi rõ tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp, những mốc son quan trọng của nhân vật, sự kiện để học sinh được tiếp cận những kiến thức về truyền thống lịch sử một cách sinh động, dễ nhớ, góp phần nâng cao sự hiểu biết của bản thân.

Bên cạnh đó, tại các bảng tin Liên đội còn trưng bày các cuộc vận động, phong trào của Đội đang được phát động thi đua, gương đội viên, thiếu nhi, nhi đồng tiêu biểu trong các phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Kế hoạch nhỏ”, “Bông hoa chăm học”, “Vở sạch chữ đẹp”..., nhằm cổ vũ, động viên các em tích cực học tập, hăng hái tham gia các hoạt động của Đội.

Anh Phạm Hồng Thái – Tổng phụ trách Đội trường THCS Thị Trấn (huyện Châu Thành) cho biết, mô hình được thiết kế dạng bảng treo tại các hành lang trong trường, dạng di động để thuận tiện cho việc di chuyển. Với kiến thức lịch sử cơ bản, nội dung ngắn gọn, các hoạ tiết được thiết kế dạng chibi sinh động, màu sắc bắt mắt, dễ thương, thu hút các em hứng thú trong việc tiếp cận.

“Tranh các vị anh hùng được treo dọc hành lang khu lớp học, nơi học sinh qua lại thường xuyên. Nên ít nhất các em cũng biết mặt, biết tên những vị anh hùng, mốc lịch sử của quê hương đất nước, các chiến công của các anh hùng, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, nhất là truyền thống lịch sử về mảnh đất Châu Thành.

Một góc trưng bày hình ảnh các anh hùng dân tộc, các phong trào của Đội TNTP Hồ Chí Minh, mô hình 3D các di tích lịch sử.

Thay cho những lời nói tuyên truyền suông, giờ đây các em được tự xem,tự đọc sẽ dễ nhớ, dễ thuộc hơn. Mô hình còn tạo được điểm nhấn cho hành lang, trở thành khu vực hấp dẫn học sinh vào mỗi giờ ra chơi”, Tổng phụ trách Đội trường THCS Thị Trấn chia sẻ.

“Khi mới đặt chân vào trường, em rất ấn tượng với hành lang lịch sử. Những bức tranh về các anh hùng dân tộc, lịch sử địa phương đã khơi dậy cho em sự tìm tòi, muốn tìm hiểu nhiều hơn, kỹ hơn, giúp bản thân biết thêm các thông tin bổ ích. Nhờ vậy, môn lịch sử không là một môn học “đáng sợ” đối với em nữa!”, em T.Đ - học sinh trường THCS Thị trấn bộc bạch.

Anh Lê Ngọc Minh Hùng – Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Châu Thành cho biết, để thực hiện mô hình, Hội đồng Đội huyện tham mưu Ban Thường vụ Huyện đoàn liên hệ Ban Tuyên giáo Huyện uỷ biên soạn nội dung về lịch sử địa phương.

Bao gồm khu di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai – Đồng Khởi, cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh tại Giồng Nần – Long Vĩnh, khu căn cứ Huyện uỷ Châu Thành, lịch sử 9 anh hùng lực lượng vũ trang huyện Châu Thành và những hình ảnh, tiểu sử của Bác Hồ, các anh hùng dân tộc, các phong trào của Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Các em học sinh hào hứng với mô hình “Hành lang lịch sử”.

Sau đó, Hội đồng Đội huyện thiết kế các hình ảnh chibi anh hùng dân tộc, đồ hoạ thông tin, mô hình 3D các di tích lịch sử... đồng thời, lồng ghép lời dạy của Bác đến thiếu nhi vào các nội dung của mô hình. Chỉ đạo 100% Liên đội các trường Tiểu học, THCS tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường chọn ra các hành lang thực hiện mô hình đảm bảo dễ quan sát, dễ tiếp cạn mô hình.

Song song đó, hàng tháng, Liên đội các trường còn tổ chức cuộc thi rung chuông vàng, hái hoa dân sự và có những phần quà nhỏ, giúp các em hứng thú hơn trong việc học lịch sử. Đồng thời, Hội đồng Đội các xã, thị trấn và các Liên đội tổ chức hành trình về các địa chỉ đỏ cách mạng trên địa bàn huyện cho học sinh tham quan, được nghe và xem những hình ảnh thực tế, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Vậy là từ một hành lang nối các dãy phòng học, giờ đây “hành lang lịch sử” trở thành khu vực hấp dẫn học sinh, khơi dậy niềm đam mê, hứng thú học lịch sử. Nhờ vậy, những kiến thức lịch sử các em ngày càng được càng khắc sâu hơn. 

Đào Như