Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hành trang ngày về của quân y Việt ở Nam Sudan
Chủ nhật: 10:53 ngày 24/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đặt chiếc ba lô cồng kềnh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bác sĩ Tường lấy ra chú thú bông tặng con gái 4 tuổi đang hào hứng đón bố.

Bé Ngân Khánh ríu rít ôm chầm bố cùng món quà nhỏ khi hội ngộ tối 21/11. Chú thú bông nhiều màu sắc được thượng úy, bác sĩ Nguyễn Quang Tường mua khi quá cảnh tại đảo Seychelles, châu Phi trên hành trình từ Nam Sudan về Việt Nam sau một năm làm nhiệm vụ quốc tế. 

Chế ngự nỗi nhớ gia đình và muôn vàn khó khăn ở đất nước nội chiến, bác sĩ Tường cùng y bác sĩ Bệnh viện dã chiến Việt Nam điều trị gần 1.800 bệnh nhân, trong đó nhiều ca nghiêm trọng được phẫu thuật thành công. "Điều đọng lại sâu sắc trong trái tim tôi, từ khi bước chân vào bệnh viện dã chiến đến khi hoàn thành nhiệm vụ là niềm tự hào được góp phần nhỏ công sức phục vụ hòa bình thế giới", bác sĩ hồi sức Bệnh viện Quân y 175 nói. 

Bác sĩ Tường hội ngộ vợ con tối 21/11 với thú bông mang về từ châu Phi cho con gái nhỏ sau một năm xa nhà. Ảnh: Lê Phương.

Ngày đầu tiên đến Nam Sudan vào tháng 10 năm ngoái, tiếp quản bệnh viện dã chiến tại căn cứ Bentiu sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh rời đi, chưa kịp thích nghi với khí hậu khắc nghiệt và môi trường xa lạ, đoàn quân y Việt Nam đã có bệnh nhân đến cấp cứu. Nữ bệnh nhân người Mông Cổ viêm ruột thừa kèm viêm phần phụ bên phải khiến cuộc mổ phức tạp hơn, đòi hỏi phải bóc tách cẩn thận, kéo dài hơn 2 giờ.

Thiếu tá, bác sĩ Lại Bá Thành, Bệnh viện Quân y 103, phẫu thuật viên chính, cho biết đây là ca phẫu thuật nhiều áp lực. Trước đây những bệnh nhân tương tự đều được lực lượng Anh chuyển viện lên tuyến trên, không phẫu thuật. Do đó đoàn Việt Nam chưa có báo cáo đánh giá điều kiện môi trường phẫu thuật tại chỗ. "Ca mổ đầu tiên, không thể tránh khỏi việc nhiều người nhìn vào, Liên Hợp Quốc đánh giá khả năng của Việt Nam", bác sĩ Thành nói.

Một cuộc "đại phẫu" khiến bác sĩ Thành và đồng đội không thể quên là nam sĩ quan Mông Cổ 39 tuổi cấp cứu trong đêm tháng 5. Bệnh nhân từng mổ cắt ruột thừa trước đó 2 tháng, vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, xoắn vặn liên tục. Các triệu chứng không điển hình để đưa ra chẩn đoán xác định, các xét nghiệm cũng không có gì đặc hiệu.

Trong điều kiện thiếu các phương tiện chẩn đoán như CT Scanner ổ bụng, bác sĩ Thành đề nghị chọc dịch ổ bụng dưới siêu âm. Thực hiện kỹ thuật này rất khó khăn vì bệnh nhân chỉ có ít dịch trong ổ bụng. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng lâm sàng, bác sĩ Thành chọc hút ra một ít dịch máu, chẩn đoán xoắn hoại tử ruột, cần phẫu thuật khẩn cấp.

Cuộc mổ trong điều kiện dã chiến, không đủ máu và phương tiện, nếu có tình huống xấu sẽ khó xử lý. "Nhưng nếu không mổ mà chuyển viện, bệnh nhân cầm chắc cái chết", bác sĩ Thành nhớ lại. Đúng như tiên lượng, khi mở ổ bụng thám sát, bác sĩ phát hiện một đoạn ruột bị tím đen do dính sau mổ trước đây. Kíp mổ cắt đoạn ruột hoại tử dài hơn một mét, nối hỗng tràng và hồi tràng. Ca mổ kéo dài 6 tiếng từ 1h khuya đến sáng hôm sau, cả ê kíp thở phào với kết quả thành công.

Do không đủ điều kiện chăm sóc hậu phẫu nên khi bệnh nhân ổn định, tổ cấp cứu hàng không chuyển bệnh nhân đến Uganda. Tuyến trên đánh giá rất cao Việt Nam qua cuộc mổ này vì việc chẩn đoán và xử trí đều đòi hỏi trình độ, phương tiện chuyên sâu. Ông Iqbal Mohd, Trưởng y tế phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan trực tiếp đến biểu dương và khen ngợi bệnh viện dã chiến trước cuộc họp toàn phái bộ.

Đội cấp cứu và vận chuyển hàng không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên sau khi điều trị ổn định. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Không chỉ làm nhiệm vụ cứu chữa cho quân nhân và nhân viên của phái bộ Liên Hợp Quốc, các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam tiếp nhận nhiều bệnh nhân là người dân địa phương. Thống đốc bang Bentiu từng gửi tặng một con bò, tài sản quý giá thường được dùng làm của hồi môn, sau khi bác sĩ Việt chẩn đoán kịp thời sốt rét, điều trị dưỡng thai giúp vợ ông sinh bé gái khỏe mạnh sau đó.

Ngày đến, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam phải tập làm quen với thời tiết ban ngày nắng nóng 45-50 độ C, ban đêm xuống thấp 15-20 độ. Những con đường đất bụi bay dày đặc, khắp nơi khô cằn không cây cối, chỉ lác đác vài bụi gai không lá. Ngày rời Bentiu về Việt Nam, những khoảnh đất trống đã phủ xanh hoa lá, rau quả. Hạt giống mồng tơi, bầu, bí, mướp, hoa hướng dương, thược dược... dần nảy mầm, vươn lên tươi tốt. Đơn vị Việt Nam còn tặng rau củ quả cho các đơn vị bạn như Mông Cổ, Ghana, các cán bộ, nhân viên Liên Hợp Quốc...

"Đó là một năm thanh xuân tươi đẹp, không dễ gì có được", thiếu uý Phan Thị Vân Huyền, 26 tuổi xúc động khi nhắc lại khoảng thời gian với nhiều trải nghiệm quý giá. Vừa muốn sớm hoàn thành nhiệm vụ để về nước, Huyền vừa lưu luyến khi rời vùng đất vừa in dấu nhiều kỷ niệm. Nữ kỹ thuật viên vật lý trị liệu thấy mình "trưởng thành hơn rất nhiều", hạnh phúc vì được sống trong đất nước hoà bình, thương người dân vùng nội chiến với nhiều gian truân trên mảnh đất khí hậu khắc nghiệt.

Khoảnh khắc trên máy bay chuẩn bị đặt chân xuống đất, Huyền xúc động mạnh. "Đó là cảm giác nhẹ lòng, hạnh phúc khi hoàn thành nhiệm vụ lớn. Đó còn là những dâng trào không thể nói thành lời với những gì mình may mắn có cơ hội được trải qua", Huyền nói. Những khó khăn như không hợp thức ăn, sút 3 kg, bị những cơn viêm mũi dị ứng hành hạ do không quen thời tiết, lốc bụi mịt mù, dung lượng 3G hạn chế nên vài ngày mới gọi về nhà một lần... lại trở thành ký ức đẹp của Huyền. 

Thiếu úy Phan Thị Vân Huyền khi đặt chân xuống sân bay sau một năm hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Quỳnh Trần.

Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) được thành lập ngày 8/7/2011 với nhiệm vụ bảo đảm hòa bình, xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế lâu dài cho Nam Sudan, cũng như hỗ trợ chính phủ nước này hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam bắt đầu tham gia UNMISS từ tháng 10/2018. Ngày19/11/2019, 63 chiến sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp hai số 2 lên đường sang Nam Sudan thay thế cho đoàn bệnh viện số một.

Nam Sudan là quốc gia ở Đông Phi, với hơn 13 triệu dân. Người dân ở quốc gia này hiện phải đối mặt các cuộc xung đột sắc tộc, nội chiến, nạn đói và bệnh tật. Cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện Dã chiến được tuyển chọn và huấn luyện, trải qua những tình huống cấp cứu hàng loạt, cháy nổ, bom đạn, trang bị ngoại ngữ, khả năng sinh tồn, văn hóa nước sở tại, những kiến thức cơ bản trong hoạt động gìn giữ hòa bình.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục