BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hào hùng chiến tích Quân Dân y Chiến khu Đ

Cập nhật ngày: 16/04/2013 - 06:24
HTML clipboard

Bác sĩ Huỳnh Minh Chánh đang kể chuyện

(BTN) - Ngày 13.4, Ban Liên lạc truyền thống Quân Dân y Chiến khu Đ phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức họp mặt truyền thống lần thứ 24. Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Huỳnh Văn Nhị- Trưởng Ban Liên lạc, cùng đông đảo cán bộ Quân Dân y Chiến khu Đ qua các thời kỳ thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và TP. Hồ Chí Minh về dự. Về phía lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Minh Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang.

Tại buổi họp mặt, ông Huỳnh Văn Nhị ôn lại những năm tháng cả nước cùng ra trận. Trong đoàn quân đó, có hàng vạn cán bộ ngành Y tế, vai mang túi cứu thương, tay cầm súng, lấy chiến hào làm nơi cấp cứu, lấy địa đạo làm phòng mổ, cố gắng hết mức có thể để giành giật sự sống cho những người bị thương.

Tại buổi họp mặt, bác sĩ Huỳnh Minh Chánh - một trong những người tham gia cứu chữa cho hàng nghìn thương binh hồi tưởng lại những gian khổ, thiếu thốn của Quân Dân y Chiến khu Đ. Giữa chiến trường, muốn rửa vết thương phải có muối, nhưng miền Đông Nam bộ nhiều đường nhưng lại thiếu muối. Trong hoàn cảnh đó, mỗi khi đi công tác hoặc di chuyển địa bàn chiến đấu, cán bộ, nhân viên y tế thường đem theo đường để đổi lấy muối. Vì thiếu thuốc sát trùng nên nhiều thương binh đã bị vết thương hành hạ sau khi mổ, có khi vết thương nhiễm trùng nặng nề đến nỗi có cả giòi. Để trị vết thương bị nhiễm trùng, các thầy thuốc đã thí nghiệm dùng mật ong trị giòi rất thành công.

Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tào kể lại, trong một trận chiến, ông bị thương vào chân nên không di chuyển được nữa. Lúc đó chỉ còn mình ông ở trận địa. Cố lết đến một chiếc võng, nằm lên, “trên bụng để khẩu súng ngắn, chỉ chờ quân địch đến sẽ “đòm” vài phát rồi mình chết luôn với nó”. Nhưng thật may là chỉ ít phút sau, các chiến sĩ quân y đã xuất hiện và đưa ông về căn cứ để chữa trị. “Nhờ sự có mặt kịp thời của các chiến sĩ áo trắng mà tôi thoát chết. Mãi mãi tôi mang ơn những người thầy thuốc” – người anh hùng bộc lộ cảm xúc.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế kể rằng hồi còn nhỏ, bản thân bà rất sợ máu và… sợ ma. Chính bà cũng không thể ngờ bản thân mình đã chọn cái nghề thường xuyên tiếp xúc với máu và những tử thi. Với thâm niên hơn nửa thế kỷ phục vụ ngành Y, bà Chiến kêu gọi cán bộ, nhân viên ngành Y tế hôm nay phải sống, làm việc có trách nhiệm. “Lương y như từ mẫu phải được cụ thể bằng việc làm, bằng hành động chứ không chỉ là nói suông” – bà Chiến nói.

Đ.V.T