BAOTAYNINH.VN trên Google News

HĐND huyện Tân Biên: Giám sát UBND huyện về thực hiện công tác cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 

Cập nhật ngày: 27/04/2023 - 21:18

BTNO - Ông Trần Văn Lộc- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện làm trưởng đoàn cùng 2 Ban HĐND huyện vừa có buổi giám sát UBND huyện về thực hiện công tác cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hệ thống bản đồ đo đạc chính quy trên địa bàn.

Ông Trần Văn Lộc- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Tân Biên phát biểu kết luận buổi giám sát

Đại diện UBND huyện có ông Nguyễn Ngọc Trỗi- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh Tây Ninh chi nhánh Tân Biên; lãnh đạo và cán bộ chuyên môn các xã, thị trấn.

Để thực hiện tốt các thủ tục đất đai cho người dân, UBND huyện đã triển khai Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 26.4.2022 thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 18.3.2022 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (trong năm 2022). Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu thực hiện.

Năm 2022, có 10/1.346 hồ sơ trễ hẹn (0,74%), giảm so với năm 2021 là 4,28%. Từ ngày 1.1.2022 đến ngày 15.2.2023, tổng số hồ sơ đã được xét duyệt theo hệ thống hồ sơ địa chính chính quy trên địa bàn các xã, thị trấn là 53.239 hồ sơ.

Tổng số hồ sơ tiếp nhận xin cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hệ thống bản đồ đo đạc chính quy trên địa bàn huyện là 1.583 hồ sơ (trong đó cấp mới 959 hồ sơ và cấp đổi 624 hồ sơ).

Đã giải quyết 1.271 hồ sơ (trong đó cấp mới GCN QSDĐ 691 hồ sơ, cấp đổi 580 hồ sơ). Số hồ sơ giải quyết đúng hạn 1.262 và không đúng hạn 9 hồ sơ, không có hồ sơ tranh chấp.

Qua giám sát, khó khăn lớn nhất hiện nay là lượng hồ sơ cần tiếp nhận và giải quyết cho người dân luôn ở mức cao; công chức phụ trách tiếp nhận, thụ lý hồ sơ thường xuyên thay đổi; một số địa phương thiếu công chức phụ trách dẫn đến tồn đọng trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.

Nguyên nhân khác là khi xử lý hồ sơ về đất đai liên quan đến lộn chủ, lộn thửa, thừa kế, cho, tặng hay xác định đất có đường, đất giáp các công trình công cộng phát sinh các thủ tục chưa có trong các quy định văn bản pháp luật dẫn đến công tác xử lý, tiếp nhận hồ sơ còn khó khăn, thiếu sót.

Lãnh đạo VPĐKĐĐ tỉnh Tây Ninh chi nhánh Tân Biên giải trình các kiến nghị của đoàn giám sát.

Công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai chưa thường xuyên, liên tục và thiếu đồng bộ; sản phẩm đo đạc chính quy còn sai lệch so với hiện trạng làm người dân phải làm thủ tục đo đạc lại; chưa thông tin rõ ràng thời gian nộp thuế cho người dân; năng lực cán bộ phụ trách còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao.

Công tác phối, kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chưa chặt chẽ, thông suốt; công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến người dân chưa an tâm thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên.

Tại buổi giám sát, thành viên đoàn giám sát, các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Trỗi đề nghị các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn nâng cao trách nhiệm trong công tác tuyên truyền các văn bản, chủ trương của cấp trên đến người dân; phát huy hệ thống chính trị tại cơ sở; căn cứ quy hoạch của huyện và địa phương để giải quyết các vấn đề phát sinh; mạnh dạn trong giải quyết và kịp thời tham mưu tháo gỡ các vấn đề phát sinh tránh gây bức xúc trong nhân dân.

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Trần Văn Lộc, trưởng đoàn giám sát chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế và đề nghị UBND huyện, các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt một số nội dung sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để người dân hiểu về quyền và nghĩa vụ; nhất là công tác CCHC, thực hiện một cửa liên thông và tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích mức độ 3, 4; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện uỷ về tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, UBND huyện, các xã, thị trấn cần quan tâm bổ sung biên chế (còn khuyết) có năng lực, trình độ, chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; duy trì thường xuyên các cuộc họp chuyên đề giải quyết các khó khăn vướng mắc cho người dân.

Tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như đôn đốc trong triển khai thực hiện, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực; từng bước tháo gỡ các vấn đề phát sinh về thủ tục đất đai tạo sự hài lòng cho người dân.

Duy Phú