BAOTAYNINH.VN trên Google News

HĐND tỉnh Quảng Ninh làm việc, trao đổi kinh nghiệm tại Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 05/08/2023 - 00:27

BTN - Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, hệ thống thiết chế văn hoá cấp tỉnh có Trung tâm Văn hoá, Thư viện tỉnh; cấp huyện có 9 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh; cấp cơ sở có 407 thiết chế văn hoá cơ sở.

Sáng 4.8, đoàn công tác của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Ninh do ông Lê Văn Ánh- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc, trao đổi học tập kinh nghiệm công tác về hoạt động giám sát, khảo sát liên quan đến công tác quản lý, vận hành các thiết chế văn hoá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn có bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; các sở, ban, ngành liên quan.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, hệ thống thiết chế văn hoá cấp tỉnh có Trung tâm Văn hoá, Thư viện tỉnh; cấp huyện có 9 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh; cấp cơ sở có 407 thiết chế văn hoá cơ sở.

Để bảo đảm việc duy trì tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động tại thiết chế văn hoá xã, ấp, nhà văn hoá dân tộc, năm 2018, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND quy định chế độ cho người quản lý và kinh phí duy trì tổ chức hoạt động của thiết chế văn hoá cấp xã, ấp.

Theo đó, nhà văn hoá ấp có mức cấp 20 triệu đồng/năm, nhà văn hoá xã 40 triệu đồng/năm; phụ cấp kiêm nhiệm cho giám đốc trung tâm văn hoá cấp xã là 0,7 mức lương cơ sở/tháng, phó giám đốc là 0,5 mức lương cơ sở/tháng; chủ nhiệm nhà văn hoá ấp, nhà văn hoá dân tộc là 0,3 mức lương cơ sở/tháng.

Việc đầu tư cơ sở vật chất hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở được phối hợp thực hiện theo lộ trình Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 61/94 trung tâm văn hoá cấp xã và 301 nhà văn hoá ấp (trong đó có 20 xã biên giới) được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định. Ngoài việc đầu tư từ ngân sách Nhà nước, hằng năm, các địa phương vận động xã hội hoá đầu tư duy tu, bảo dưỡng và mua sắm trang thiết bị hoạt động bình quân từ 50-100 triệu đồng/thiết chế/năm.

Các thiết chế văn hoá ở cơ sở cơ bản được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn; trở thành địa chỉ thu hút đông đảo nhân dân đến sinh hoạt văn hoá, rèn luyện thể chất và là phương tiện tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo môi trường văn hoá lành mạnh, thúc đẩy phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo toàn hệ thống tổ chức và phục vụ tốt các sự kiện, lễ hội văn hoá, nghệ thuật như: chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa đón giao thừa trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố tạo không khí vui tươi, lành mạnh phục vụ nhân dân vui xuân, đón tết; tổ chức và phục vụ thành công lễ khai mạc Hội xuân núi Bà Đen năm Quý Mão 2023, lễ hội quảng bá Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh lần thứ I, năm 2023; tổ chức hơn 800 buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ, đội, nhóm tại các thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở; hơn 1.300 buổi sinh hoạt văn nghệ tại các tụ điểm hát với nhau, đờn ca tài tử, cải lương.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh thông tin đến đoàn công tác một số vấn đề đoàn quan tâm như: công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số, hoạt động của các nhà văn hoá dân tộc trên địa bàn tỉnh; cách thức điều hành, quản lý, đầu tư để phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; việc giám sát, khảo sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Tây Ninh trong công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn, đặc biệt liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng; các cơ chế hỗ trợ của tỉnh để duy trì và bảo đảm hiệu quả hoạt động của các loại hình di sản văn hoá phi vật thể.

Trúc Ly