Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
HĐND tỉnh Tây Ninh: Cần bám sát các mục tiêu cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số
Thứ năm: 21:50 ngày 04/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp tục chương trình khảo sát “Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021-2023”, ngày 3.4, đoàn công tác do ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Gò Dầu.

Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng đoàn khảo sát kết luận tại buổi làm việc với UBND huyện Gò Dầu.

Trước đó, đoàn đã có buổi khảo sát ghi nhận tình hình thực tế tại UBND xã Hiệp Thạnh (huyện Gò Dầu).

Cùng tham dự có ông Nguyễn Hồng Thanh- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ; bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh; lãnh đạo chuyên trách các Ban của HĐND tỉnh.

Theo báo cáo của UBND huyện Gò Dầu, hằng năm, huyện phân bổ 10 triệu đồng cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), trong đó chi hỗ trợ công chức đầu mối kiểm soát TTHC và thực hiện báo cáo, hội nghị sơ kết, tổng kết định kỳ theo quy định.

Việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được thực hiện đúng tiến độ đề ra, trong đó gắn việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình thực thi nhiệm vụ, tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. 

Nhìn chung, địa phương đã thực hiện nghiêm quy trình giải quyết TTHC, nỗ lực nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bố trí cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trực tại bộ phận Một cửa. Mỗi tháng, huyện chi phụ cấp 350.000 đồng/người cho cán bộ, công chức tham gia trực tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện; cấp xã là 280.000 đồng/người theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Nhu- Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số tại địa phương.

Hệ thống trang thiết bị điện tử được đầu tư cơ bản như máy vi tính, máy scan, máy in, kiosk lấy số thứ tự ở cấp huyện, trang bị hệ thống camera giám sát tập trung ở cấp xã. 10 điểm tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gò Dầu đều được gắn wifi công cộng.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt trên 98%. Đối với những hồ sơ xử lý trễ hẹn, các cơ quan, đơn vị kịp thời xin lỗi, bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức. Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết TTHC ở các lĩnh vực đạt tối thiểu 90%.

Từ năm 2021 đến 2023, huyện đã thực hiện rà soát 44 TTHC, riêng quý I.2024 đăng ký rà soát 12 TTHC, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai, kinh doanh, đề xuất đơn giản hoá 3 TTHC. Trong năm 2023, huyện Gò Dầu được UBND tỉnh công nhận 2 sáng kiến trong công tác cải cách hành chính; đang triển khai dự án “Hệ thống điều hành thông minh (IOC) huyện Gò Dầu” nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tạo nền tảng hạ tầng đủ mạnh, hướng tới phát triển đô thị thông minh bền vững, nâng cao khả năng phục vụ cho các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Địa phương cũng nhìn nhận, hiện số lượng TTHC giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Số hồ sơ quá tải tăng đột biến, trong khi cán bộ, công chức phụ trách nhiều nhiệm vụ. Nguồn nhân lực chuyên trách về CNTT thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai ứng dụng CNTT phục vụ CCHC, phục vụ công tác chuyển đổi số trong cải cách TTHC. Các trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn thiếu, chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, huyện chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ cho cán bộ đầu mối làm công tác chuyển đổi số, Tổ công nghệ số cộng đồng ở cấp xã và các ấp, khu phố. Mặt khác, trên địa bàn huyện phần lớn người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp, khả năng truy cập và khai thác các phần mềm để thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế.

Theo khảo sát, 100% hộ gia đình trên địa bàn huyện có điện thoại thông minh, 70% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng thông rộng cáp quang đạt 80,21% và 100% ấp, khu phố đã phủ sóng di động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn- Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại buổi khảo sát.

UBND huyện Gò Dầu kiến nghị, tỉnh cần quan tâm nâng mức chi phụ cấp cho nhân sự trực bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp tương xứng với nhiệm vụ được giao; kiến nghị Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan thống nhất giữa các hệ thống Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ tỉnh Tây Ninh với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân dễ dàng thực hiện khi nộp TTHC trực tuyến và thanh toán trực tuyến; kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh có chế độ hỗ trợ cho nhân sự phụ trách CNTT và Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, ấp, khu phố.

Trên cơ sở trao đổi thảo luận và đề xuất kiến nghị của địa phương, ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng đoàn khảo sát đề nghị các sở tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo văn bản đề nghị của đoàn khảo sát, báo cáo phải bám sát các mục tiêu của công tác cải cách TTHC, tránh rườm rà; đánh giá những nguyên nhân khách quan, chủ quan, tiến độ thực hiện hằng năm; rà soát những chỉ tiêu, trang thiết bị, phần mềm, dữ liệu liên thông; công tác phối hợp giữa các ngành, những khó khăn, vướng mắc về quy định của pháp luật hoặc quy định của tỉnh trong công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số.

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục