Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
HĐND tỉnh Tây Ninh: Giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số
Thứ ba: 08:05 ngày 23/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 22.4, HĐND tỉnh Tây Ninh giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Đài Thy phát biểu.

Tham dự có các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đài Thy, Nguyễn Thanh Phong; lãnh đạo các Ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh; bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh.

Về phía đơn vị được giám sát có ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố.

Triển khai đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh tới cơ sở

Theo báo cáo của UBND tỉnh, nhiệm vụ cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 được triển khai đồng bộ, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã và cơ bản đáp ứng các yêu cầu, mục đích đề ra.

Công tác kiểm soát TTHC từng bước đi vào nền nếp. Tính đến nay, UBND tỉnh đã công bố, công khai được toàn bộ TTHC của các cấp, ngành, chính quyền thực hiện trên địa bàn tỉnh bao gồm 1.648 TTHC (cấp tỉnh 1.329 TTHC, cấp huyện là 201 TTHC và cấp xã 118 TTHC). 

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tấn Đức trao đổi về tình hình chuyển đổi số.

Toàn bộ các TTHC của tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định công bố và địa phương hoá lên Cơ sở dữ liệu TTHC quốc gia, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% các TTHC (trừ những TTHC đặc thù theo quy định của pháp luật về kiểm soát TTHC) được thực hiện niêm yết, tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã.

Thời gian qua, toàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; nhất là hoàn thiện và đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến một phần, dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tăng cường ứng dụng việc thanh toán không sử dụng tiền mặt đối với dịch vụ công trên các lĩnh vực thuế, ngân hàng, kho bạc, điện, nước, siêu thị…

Tây Ninh đã đầu tư, đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế - xã hội tập trung; triển khai một số giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số. Cụ thể như: phối hợp Văn phòng Chính phủ triển khai thí điểm thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai; thí điểm thực hiện TTHC lĩnh vực đăng ký kinh doanh cấp huyện thực hiện phi địa giới hành chính; tặng chữ ký số miễn phí để người dân, doanh nghiệp xác thực các thành phần hồ sơ điện tử khi nộp hồ sơ trực tuyến; triển khai ứng dụng mini app Tây Ninh Smart trên nền tảng Zalo...

Báo cáo của UBND tỉnh cũng nêu 26 khó khăn, tồn tại, hạn chế trong giải quyết TTHC, thực hiện chuyển đổi số trong cải cách TTHC và một số hạn chế từ phía người dân, doanh nghiệp; đề ra 4 nhóm giải pháp, phương hướng trong thời gian tới cùng nhiều kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và giải pháp nâng cao chất lượng cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số.

Báo cáo giám sát phải đi đến cùng nguyên nhân chủ quan, các giải pháp, kiến nghị

Trên cơ sở khảo sát thực tế tại các sở, ngành, địa phương và báo cáo của UBND tỉnh, các thành viên đoàn giám sát của HĐND tỉnh cùng đại biểu dự trao đổi thảo luận, đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp, lộ trình thực hiện cải thiện các chỉ số cải cách hành chính; nâng cao kỷ luật kỷ cương công vụ, nhất là tinh thần thái độ, phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; cơ chế phối hợp và trách nhiệm trong giải quyết TTHC, chuyển đổi số.

Đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là khắc phục tình trạng người dân phải trực tiếp đến bộ phận Một cửa để nộp hồ sơ trực tuyến; công chức làm hộ, nộp hộ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến cho người dân; giải pháp hạn chế hồ sơ nhất là hồ sơ lĩnh vực đất đai trễ hạn; quan tâm đầu tư hệ thống camera, trụ ATM để thực hiện tốt việc chi trả lương, trợ cấp xã hội qua thẻ ngân hàng...

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị đoàn giám sát tổng hợp, hoàn thiện báo cáo giám sát và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND tỉnh, dự kiến tổ chức vào tháng 7.

Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. UBND tỉnh cũng đã ban hành đề án, kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn tỉnh. Thời gian qua, nhiệm vụ này đã thực hiện tương đối đầy đủ, có kết quả, chuyển biến, tuy nhiên, nhìn chung chưa đạt yêu cầu cũng như chưa đáp ứng mong muốn  của người dân, doanh nghiệp. So với mặt bằng chung của cả nước và những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng thì đánh giá xếp hạng của Tây Ninh còn ở nhóm thấp, trung bình và mức độ cải thiện không nhiều qua từng năm.

Thông qua chương trình giám sát, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị báo cáo giám sát và dự thảo nghị quyết cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo các chương trình, kế hoạch của tỉnh về cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số nói riêng. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ các giải pháp trong Đề án nâng cao các chỉ số cải cách hành chính của UBND tỉnh, việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm- trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị đoàn giám sát của HĐND tiếp tục phối hợp UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đi đến cùng tìm ra nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn trong giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai, trong đó có vấn đề liên thông giữa hai ngành Tài nguyên Môi trường và Thuế.

Báo cáo giám sát phải nêu rõ giải pháp, các kiến nghị liên quan, mục tiêu để cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư của tỉnh.

Một số kết quả công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh:

+ Tiếp nhận trên 1,4 triệu hồ sơ; hồ sơ đã giải quyết xong và trả kết quả chiếm 97,46%, trong đó giải quyết đúng hạn chiếm 94,95%; giải quyết trễ hạn và còn trong quá trình xem xét thụ lý chuyển kỳ tiếp theo chiếm 2,54%.

+ Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 31,13%.

+ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia: cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 34,03%; tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 31,86%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hoá vẫn còn thấp, 17,21%.

+ Toàn tỉnh thành lập 631 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 4.400 thành viên.

+ Từ năm 2021 đến nay (13.3.2024), Cổng dịch vụ công quốc gia tiếp nhận 544 phản ánh kiến nghị. UBND tỉnh đã chỉ đạo, xử lý dứt điểm và đăng tải công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia 533 phản ánh kiến nghị, đang xử lý 11 phản ánh kiến nghị.

Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục