Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
HĐND tỉnh: Tổ chức phiên giải trình về tự chủ trong y tế, giáo dục
Thứ sáu: 20:53 ngày 09/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau khi lần lượt khảo sát các đơn vị ở cơ sở hồi cuối tháng 9, chiều 9.10, Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện tự chủ và tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục và y tế.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đức Trong kết luận phiên giải trình.

Sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện tự chủ, một số thành viên tham dự phiên giải trình trình bày ý kiến. Ông Nguyễn Văn Hùng-Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị hai ngành y tế và giáo dục cần nhất quán về thông tin trong báo cáo, vì hai ngành này có sự lẫn lộn khi trình bày cơ chế tự chủ có liên quan đến Nghị định 43 và Nghị định 16.

Ông Lê Quang Tuấn-Phó Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh cho biết, báo cáo của các Sở thể hiện đơn vị ở cơ sở được cải thiện nhờ thu nhập tăng thêm, tuy nhiên thực tế tại nhiều đơn vị không hề có thu nhập tăng thêm.

Ông Mai Văn Hải, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, cơ chế tự chủ dù thực hiện đã lâu nhưng trong các báo cáo “không nhìn thấy bóng dáng của chính sách này”, vì thực tế không làm rõ được nhà nước đã giảm được bao nhiêu ngân sách.

“Phải có một đánh giá thực chất về cơ chế tự chủ” - ông Hải đề nghị. Đối với tuyển dụng công chức, ông Hải đề nghị ngành nội vụ xem xét lại vì “thi là rớt trong khi nhà trường lại đang cần, có nhiều sinh viên giỏi thi viên chức vẫn rớt”.

Bà Kim Thị Hạnh, Phó Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh cho biết, hiện tại Tây Ninh chưa thực hiện đầy đủ nội dung Nghị định 43 hoặc Nghị định 16 (hai nghị định liên quan đến cơ chế tự chủ). Năm 2019, Bộ GD -ĐT ban hành Thông tư 14 về tính giá dịch vụ công, ngành giáo dục Tây Ninh dã triển khai hay chưa, không thấy thông tin này trong báo cáo.

Trong lĩnh vực y tế, bà Hạnh nhìn nhận còn không ít bất cập liên quan cơ chế tài chính, chế độ đối với người lao động, “đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm giải quyết” - bà Hạnh nêu ý kiến. Liên quan đội ngũ giáo viên, bà Hạnh nêu vấn đề tình hình giáo viên mầm non tốt nghiệp trung cấp sư phạm không được tuyển dụng theo luật mới.

Ông Trần Văn Sỹ, Phó giám đốc Sở Y tế phát biểu ý kiến.

Trong phần giải trình, ông Trần Văn Sỹ-Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành tiếp thu phần lớn nội dung được nêu ra tại phiên giải trình. Dịp này, đại diện ngành Y tế đề xuất Sở Nội vụ nghiên cứu, xem xét lại những quy định trong tuyển dụng hiện nay.

Bà Mai Thị Lệ-Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện ngành vẫn áp dụng Nghị định 43 trong tự chủ, vì Nghị định 16 chưa có thông tư hướng dẫn. Hiện nay học phí không tăng nhưng mức lương tối thiểu tăng do đó số đơn vị tự đảm bảo chi một phần ngày càng giảm.   

Bác sĩ Liêu Chí Hùng-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông tin, số người đến khám chữa bệnh giảm khoảng 40% so với năm 2019, do đó, không nên quá lạc quan về doanh thu từ nguồn BHYT.

Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đức Trong cho rằng, việc tổ chức phiên giải trình là một yêu cầu xác đáng, vì giáo dục, y tế là những lĩnh vực còn có không ít vướng mắc. Nhờ tự chủ, một số đơn vị đã tiết kiệm chi, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động. 

Về hạn chế, cơ chế tự chủ mặc dù bước đầu có hiệu quả nhưng chỉ mới là “những điển hình” còn phần lớn đơn vị sự nghiệp công lập chưa thật sự có những thay đổi rõ nét trong vấn đề tự chủ. “Những vướng mắc hiện nay chưa được các cấp các ngánh đề xuất tháo gỡ kịp thời” - ông Võ Đức Trong nêu.

Đ.V.T

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục