Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thảo luận tổ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái phát biểu:
Hệ thống các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới phải phù hợp và sát thực tế
Thứ sáu: 18:21 ngày 23/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đoàn ĐBQH Tây Ninh tiếp tục thảo luận tổ cùng các đoàn Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Bình Phước.

Ông Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Ngày 23.7.2021, ngày làm việc thứ tư của Quốc hội, các đoàn đại biểu thảo luận ở tổ về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh thống nhất đề nghị Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia cấp trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Trong đó tổng hợp cả 3 Chương trình: Chương trình mục Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; Chương trình mục Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Phạm Hùng Thái cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những tồn tại, đánh giá khách quan về đặc điểm vùng miền, từ đó đề ra hệ thống tiêu chí phù hợp và sát thực tế, không đồng nhất tiêu chí giữa các vùng miền nhằm tránh lãng phí trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, cần tập trung vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn như: hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, viễn thông và điện lưới; còn những việc khác có thể thực hiện xã hội hoá, không nên huy động đóng góp vốn đối ứng từ vận động nhân dân, mà cần phát huy vai trò của người dân vào thực hiện những tiêu chí khác.

Về thực hiện công tác giảm nghèo, cần có cơ sở để kiểm soát thu nhập để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách. Đồng thời, các giải pháp thực hiện cần sát thực tế, phải thực sự phát huy hiệu quả, ví dụ việc dạy nghề cũng phải phù hợp với từng địa phương, có địa phương cần nhưng danh mục không có…

Thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng giảm chi thường xuyên 60% là đúng nhưng chưa đủ, cần bổ sung các mục, khoản giảm chi cụ thể cho phù hợp tránh nhắm vào lương, nội dung nào cần tăng thì chúng ta phải tăng.

Đại biểu Hậu đề nghị Chính phủ tập trung thay đổi phương thức thực hiện để giảm chi thường xuyên hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hoá, đẩy mạnh tự chủ, cái gì cá nhân làm được, xã hội hoá được thì nên khuyến khích thực hiện.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị Chính phủ tính toán thận trọng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong điều tiết, định hướng, chi phối nguồn ngân sách; đồng thời, thực hiện phân cấp mạnh mẽ ngân sách cho địa phương để chủ động giải quyết tình huống (ví dụ thành phố Hồ Chí Minh thu 100 đồng phải nộp Trung ương hết 80 đồng, trong khi thành phố Hồ Chí Minh có nhiều vấn đề cần giải quyết)

Ông Trần Hữu Hậu – đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Phương cũng đề nghị cần nâng cao tính bền vững của nguồn thu nội địa, không lệ thuộc nguồn thu từ FDI; Quản lý chặt các nguồn thu thuế, tránh thất thu như việc kinh doanh qua mạng, cát-xê…

Đối với việc chi ngân sách phải đảm bảo khoa học, cần cơ cấu lại chi thường xuyên hợp lý tránh lãng phí nhất là các công trình dự án đầu tư; chi ngân sách phải công khai minh bạch nhằm kiểm soát tham nhũng, lợi ích nhóm.

Về vay vốn, đại biểu Phương cũng đề nghị chỉ vay cho chi đầu tư phát triển và phải tính đến lộ trình trả, cách trả; vay phải trả cho đúng hạn, có chính sách sử dụng vốn vay, đảm bảo uy tín của Việt Nam; tăng cường vay trong nước, hạn chế vay nước ngoài (có trường hợp vay về nhưng không chi được nhất là vay ODA do không đảm bảo điều kiện chi); có giải pháp huy động hiệu quả tiền, vàng trong nhân dân; sử dụng đồng vốn thật sự hiệu quả, trách thất thoát, lãng phí, trở thành gánh nặng cho ngân sách.

Kim Chi

(từ Hà Nội)

 

 

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục