BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hè về lại nhớ mo cau 

Cập nhật ngày: 11/06/2022 - 01:04

BTN - Ngoài làm quạt, tàu cau còn là dụng cụ bất ly thân của lũ trẻ nhà nghèo nghịch ngợm. Hồi đó không đứa nào là không biết trò chơi kéo mo cau. Một đứa ngồi, một đứa kéo, rồi luân phiên nhau kéo đi khắp đường làng hay tới những đồi cát thoai thoải.

Hàng cau quê ngoại (ảnh minh hoạ P. TK)

Bà nội từ vườn bước vào, trên tay lỉnh kỉnh mấy cái tàu cau xùm xuề, nặng trịch. Bố phụ bà dùng dao cắt bỏ phần lá chỉ còn lại phần thân (mo cau) rồi mang ra nắng phơi cho khô. Lúc thấy bà cầm mo cau đi vào sân, trong đầu tôi đã hiện lên hình ảnh những chiếc quạt mo cau xinh xắn dễ thương vào mỗi mùa hè, mất điện bà vẫn thường hay lấy ra phe phẩy tạo làn gió mát.

Những chiếc tàu cau rụng không đều nên sáng nào bà cũng ra vườn ngóng và mang chúng vào nhà. Hàng cau chừng chục cây được bố tôi trồng từ xửa xưa, thuở vừa mới cưới mẹ về. Bố bảo cũng chẳng tính toán làm kinh tế hay bán buôn gì mà nghĩ trồng cây để lấy quả dành cúng ngày lễ, tết, mùng một đầu tháng, ngày rằm và để bà ăn cho thêm vui tuổi già.

Hàng cau cao vút cứ thế hiên ngang vươn lên trên mảnh đất cằn cỗi đầy nắng gió. Lúc loại bỏ phần tàu lá, bố lầm bầm nói với đàn con, áng chừng chiếc tàu cau này có thể làm được một cái quạt loại vừa, còn chiếc khác to hơn thì làm được hẳn hai cái: một lớn, một bé. Đàn con ngồi cạnh bố, dán chặt mắt vào những chiếc tàu cau rồi sờ vào tàu cau mát rượi, lòng lâng lâng vui sướng nghĩ về những chiếc quạt nhỏ xinh.

Tàu cau rụng xuống phải phơi dưới nắng (chừng một buổi) cho bớt nặng và thêm dẻo dai bố mới làm quạt. Tạo hình quạt xong rồi thì mang ra nắng phơi tiếp khi nào khô cong mới thôi.

Quạt phơi dưới nắng thường bị quăn mép, vểnh lên, bố lại dùng sức lấy cối đá đè lên cho phẳng phiu. Vì nếu để nguyên như vậy trông không thẩm mỹ chút nào. Những chiếc quạt hoàn thành với nhiều kích thước khác nhau, xinh xắn, bà xếp gọn gàng trên nóc tủ. Có chiếc bà cẩn thận “khoác áo” bằng những đường diềm chỉ đỏ xinh xắn. Khi mất điện chúng là “bảo bối” cho cả nhà dùng. Anh em tôi bé thì dùng quạt bé, còn bà và bố mẹ dùng quạt lớn hơn. 

Tôi nhớ những tháng ngày ở quê vào những năm của thập niên 90, lúc đấy quê tôi vừa mới có điện, nhưng cứ hễ tới hè là lại bị cắt điện luân phiên. Những cơn gió Lào xào xạc thổi bỏng rát ngay cả khi bóng đêm trùm kín mít đen tuyền.

Đêm mẹ lấy manh chiếu cũ, trải giữa sân gạch, cả nhà quây quần bên nhau, mỗi người cầm một chiếc quạt phe phẩy. Tuy gió tạo ra không thể bằng được quạt điện, nhưng với tôi thế cũng là quý lắm rồi.

Ngoài làm quạt, tàu cau còn là dụng cụ bất ly thân của lũ trẻ nhà nghèo nghịch ngợm. Hồi đó không đứa nào là không biết trò chơi kéo mo cau. Một đứa ngồi, một đứa kéo, rồi luân phiên nhau kéo đi khắp đường làng hay tới những đồi cát thoai thoải.

Thương những lần mải miết chơi mà không hay mo cau bị thủng dẫn đến quần cũng thủng theo. Trở về nhà canh cánh với nỗi sợ bị bố mẹ mắng. Thương cả những giấc ngủ mộng mị vẫn thấy mình cười khanh khách trong trò chơi ngày xưa. Để rồi nước mắt chợt rơi tự lúc nào không hay khi nhận ra tuổi thơ đã lùi về xa lắc…

Thoắt cái, mới đó tôi đã xa quê hai mươi năm có lẻ, xa những mùa hè bỏng rát với gió Lào xào xạc. Quê nhà hôm nay cũng đã được thay da đổi thịt, cuộc sống không còn nghèo như ngày xưa. Nhưng bà tôi thì đã trở về với cát bụi.

Nỗi nhớ quê nhà lòng tôi bâng khuâng nhớ bà, hình ảnh bà lỉnh khỉnh từ vườn vào cầm chiếc tàu cau rụng. Cuộc sống ngày xưa vất vả khó khăn, những chiếc mo cau đã đi cùng năm tháng với những thăng trầm của cuộc đời người nông dân tần tảo. Thương, thương thật nhiều, mo cau tuổi thơ tôi!

Mai Hoàng