Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Genève (20.7.1954 - 20.7.2024):

Hiệp định Genève - Thắng lợi của khát vọng độc lập tự do 

Cập nhật ngày: 21/07/2024 - 22:16

BTN - Hiệp định Genève được ký kết, song, “đường giải phóng mới đi một nửa” (Tố Hữu), dân tộc Việt Nam phải tiếp tục cuộc trường chinh 21 năm để đến ngày toàn thắng, thống nhất non sông 30.4.1975.

Ngày 20.7.1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết. Đây là kết quả của cuộc trường kỳ gian khổ kháng chiến 9 năm của nhân dân Việt Nam. Hiệp định Genève được ký kết, song, “đường giải phóng mới đi một nửa” (Tố Hữu), dân tộc Việt Nam phải tiếp tục cuộc trường chinh 21 năm để đến ngày toàn thắng, thống nhất non sông 30.4.1975.

Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hoà do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, thời điểm bước ra khỏi cầu thang máy bay tại sân bay Genève tháng 5.1954

Chịu ngồi vào bàn đàm phán khi thua trên chiến trường

Thực ra, vấn đề Đông Dương đã được đề cập đến kể từ ngày 25.1.1954. Vào ngày này, bốn nước Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô gặp nhau tại khu vực do Mỹ kiểm soát ở Berlin để bàn việc thống nhất nước Đức. Ngoại trưởng Pháp khi ấy là Georges Bidault đã gặp riêng người đồng cấp Liên Xô Vyacheslav Mikhailovich Molotov, Ngoại trưởng Anh Anthony Eden và Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles để thuyết phục các nước này đưa vấn đề Đông Dương ra thảo luận tại một hội nghị sẽ được tổ chức trong tương lai. Hội nghị ở Berlin kết thúc mà không mang lại kết quả về việc thống nhất nước Đức, nhưng các bên tham dự đồng ý lời đề nghị của Ngoại trưởng Liên Xô Molotov mở cuộc đàm phán bao gồm 5 nước lớn tại Genève vào ngày 26.4.1954 để bàn về việc hoà giải và tái lập hoà bình tại Triều Tiên và Đông Dương. Ngày 10.3.1954, Việt Nam Dân chủ cộng hoà chấp thuận tham dự Hội nghị Genève theo đề nghị của Pháp. Tuy nhiên, sau đó thực dân Pháp đã tiếp tục vớt vát bằng cách xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nên việc bàn thảo đã nhiều lúc đi vào bế tắc. Ngày 8.5.1954, tin về kết quả Chiến dịch Điện Biên Phủ được truyền đến Genève. Thất bại thảm hại trên chiến trường Điện Biên Phủ, thực dân Pháp xuống thang và đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Sáng sớm 8.5.1954, vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn đàm phán.

Lập trường trước sau như một của Việt Nam

Hội nghị Genève diễn ra dưới sự đồng chủ tịch của hai nước là Liên Xô và Anh. Đây là hội nghị bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông Dương nhưng có rất nhiều các bên tham gia. Ngoài hai đồng chủ tịch là Anh và Liên Xô, còn có sự có mặt của các đoàn: Hoa Kỳ, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Pháp, Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Quốc gia Việt Nam (không được tham gia đàm phán tại hội nghị, việc đàm phán do phái đoàn Pháp thực hiện và chỉ thông báo lại sau khi ký kết), Vương quốc Lào (uỷ nhiệm cho phái đoàn Pháp), Vương quốc Campuchia (uỷ nhiệm cho phái đoàn Pháp), Pathet Lào và Khmer Issarak (không chính thức tham gia hội nghị mà uỷ nhiệm cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Tất cả nguyện vọng của hai đoàn này được Việt Nam Dân chủ cộng hoà trình bày trước hội nghị).

Ngay từ năm 1953, trả lời một tờ báo Thuỵ Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Nếu chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hoà bình thì nhân dân và chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó... Cơ sở của đình chiến ở Việt Nam là chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”. Bởi vậy, kể từ khi bước vào hội nghị, lập trường trước sau như một của Việt Nam Dân chủ cộng hoà là sẵn sàng thương lượng để giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương nhưng phải trên cơ sở công nhận và tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam nói riêng và của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương nói chung.

Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954 có hai phần: Phần “Thoả hiệp” và phần “Tuyên bố cuối cùng” (Final Declaration) bao gồm rất nhiều các điều khoản, nhưng tựu trung lại thì nội dung cơ bản bao gồm: Các nước tham gia hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào. Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương. Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ cộng hoà (bao gồm cả người miền Nam) tập kết về miền Bắc; chính quyền và quân đội Liên hiệp Pháp (bao gồm cả người miền Bắc) tập kết về miền Nam. 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung. Dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền. Hai năm sau, tức ngày 20.7.1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất lại Việt Nam.

Như vậy, theo hiệp định được ký kết, giới tuyến tạm thời “chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là ranh giới về chính trị và lãnh thổ”. Theo những nội dung đã ký kết, giới tuyến quân sự tạm thời này sẽ bị dỡ bỏ bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do vào năm 1956. Trưởng đoàn Liên Xô tại hội nghị này là Bộ trưởng Ngoại giao V.M. Molotov đã đánh giá cao cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam: “Tấm gương này chứng minh rằng ở những nơi có quần chúng nhân dân bị bọn thực dân đàn áp đang đứng lên để bảo vệ quyền lợi dân tộc mình và tự do của mình”…

Những đau thương và bài học để lại

Thi hành Hiệp định Genève, Việt Nam Dân chủ cộng hoà tiến hành chuyển quân tập kết ra Bắc. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Nam bộ đã tập kết ra miền Bắc với niềm tin và hy vọng 2 năm sau sẽ trở về bằng cuộc tổng tuyển cử như quy định của Hiệp định. Tuy nhiên sau đó đã không có một cuộc tổng tuyển cử nào được diễn ra. Chỉ chín chữ “Nước Việt Nam tạm thời chia thành hai miền” mà nước Việt Nam thống nhất bị chia cắt trong vòng 21 năm với biết bao đau thương mất mát. Hơn 90% các gia đình ở miền Nam có cả người bên này và bên kia. Ông Trần Văn Hương là Tổng thống chế độ Sài Gòn nhưng lại có con trai là Trần Văn Dõi là đại uý Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Dương Văn Minh có em ruột là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam; dân biểu Trương Gia Kỳ Sanh của Hạ viện Sài Gòn là chú ruột nhà cách mạng Trần Bạch Đằng; ông Mai Văn Bộ, người đặt ký Hoà đàm Paris sau này có con trai là thiếu uý không quân Quân đội Sài Gòn; ông Lưu Quý Kỳ, Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương có con trai là thiếu uý bộ binh Quân đội Sài Gòn… Sự chia cắt đất nước không chỉ về lãnh thổ mà còn chia cắt cả trong lòng người, len lỏi vào từng gia đình người Việt. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Regards vào ngày 18.11.1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi thi hành triệt để các điều khoản đình chiến. Chúng tôi tiếc rằng các lực lượng Pháp không thi hành được như thế, mà còn làm trái nhiều là khác... Chúng tôi hết sức làm việc để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam...”. Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Hãng thông tấn Press Trust of India vào ngày 5.1.1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một trong các nhiệm vụ cấp bách của chúng tôi là thi hành đúng đắn Hiệp định Genève và củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ trong toàn quốc”…Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã 2 lần gửi công hàm cho chế độ Việt Nam Cộng hoà đề nghị tiến hành các bước hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước nhưng đều bị từ chối dẫn tới việc chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Hiệp định Genève là một văn kiện mang tính chất pháp lý lớn với sự tham gia của nhiều cường quốc long trọng công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đây được đánh giá là thắng lợi lớn nhất của sự kiện này.

Hiệp định Genève để lại nhiều bài học sâu sắc, đó không chỉ là những bài học từ những kết quả vĩ đại dân tộc ta đã giành được mà còn có cả những bài học từ những thất bại, hạn chế. Một dân tộc vừa chiến thắng lẫy lừng trên chiến trường, Việt Nam có thể tận dụng ưu thế này để tạo cho mình những lợi thế trong đàm phán và quyết định vấn đề. Tuy vậy, là một nước nhỏ bị chi phối bởi những cường quốc có chung lợi ích, dân tộc ta cũng đã phải nhân nhượng và chịu nhiều thiệt thòi. Bài học lớn nhất để lại trong sự kiện này chính là tự chủ và sức mạnh của dân tộc. Một dân tộc yếu hèn tất sẽ bị lệ thuộc, bị chi phối bởi tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế không mang nhiều trọng lượng.

Tuy chưa đi đến thắng lợi cuối cùng, nhưng Hiệp định Genève là cột mốc quan trọng trên con đường đấu tranh giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Hiệp định đã chính thức chấm dứt chủ nghĩa thực dân tồn tại hàng trăm năm trên đất nước ta, đưa Việt Nam thoát khỏi nô lệ, áp bức và mở đường cho việc thống nhất đất nước sau này.

Vũ Trung Kiên