Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đấy là phần còn lại của làng Hiệp Ninh xưa, nay đã lên phường khi thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) được mở rộng địa giới. Mới có 15 năm thôi, mà Hiệp Ninh giờ đã thật khác xưa.
Một góc phường Hiệp Ninh.
Phường Hiệp Ninh chỉ còn 3.7587m2 (gần 376 ha), ở ngay bên Toà thánh Tây Ninh, và diện tích ấy chỉ bằng gần 4 lần khuôn viên Toà thánh. Mới mươi năm trước đây, thường người ta chỉ biết đến phường này khi theo đường Cách Mạng Tháng Tám đi quá tới Trảng Dài. Xa hơn nữa là chợ Hiệp Ninh (dân gian quen gọi là chợ Thương Binh). Khu này thì trước kia đã đông vui lắm.
Khi Trảng Dài còn miên man cỏ lác, sặc mùi xác mì và nước thải từ các lò mì thì ở đấy đã phố lầu cao ngất; nào thánh thất, điện thờ, nào những dãy cửa hàng, dịch vụ. Đầu đường Cao Thượng Phẩm (nay là đường Nguyễn Trọng Cát), thẳng cửa số 2 Toà thánh là một loạt cơ sở gia công đá núi Bà, suốt ngày tiếng đục đẽo vang lên chí chát.
Ấy là vào cái thời còn cấp xã, khi suốt mùa mưa con đường thành gian khổ trần ai, đi xe máy cũng phải lượn quành, tránh những ổ gà, ổ voi to tướng nước bùn lõng bõng.
Nay đường sá đã phong quang, bê tông nhựa nóng cả rồi, làng đá cũng phải tự tìm chốn khác. Vài năm nay, còn có một “mặt tiền” hứa hẹn sẽ lộng lẫy hơn phía mặt tiền Cách Mạng Tháng Tám. Đấy là đường Điện Biên Phủ, lộ giới thênh thang 40m. Tạm coi đó là hai mặt trước.
Còn một mặt sau có lẽ ít người biết hơn là ở về phía suối Lâm Vồ, cũng là đường ranh giới với xã Ninh Sơn- nay cũng đã thành phường Ninh Sơn. Nếu quen ai ở đấy để tìm nhà thì khá là cơ cực. Toàn lô cao su nối tiếp nhau dằng dặc, hoang vu khúc khuỷu những lối mòn đi giữa những nương vườn. Cũng là nơi liền kề với quy hoạch hiện đại của khu phố 1, phường 3 thôi mà tới đây- cứ như lọt vào một miền quê xa lắm. Dân làm rẫy nương ven suối tự chế cho mình những bánh xe nước, tự động quay lấy nước lên tưới tắm vườn cây.
Ai không biết hẳn sẽ ngỡ mình lạc đến núi rừng Tây Bắc, nơi có những cọn nước quay kẽo kẹt. Cuối năm 2016 tìm đến suối, thì vẫn còn những bánh xe quay kiên nhẫn một thời. Nhưng chỉ còn là những vòng tre rệu rã. Cơn lũ tháng 11 vừa qua đã phá đi những bánh xe nước cuối cùng.
Cũng cần phải nhắc lại cái tên Hiệp Ninh trong quá khứ. Đấy là tên thôn: “thuộc tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838)… Từ 5.1.1876 gọi là làng thuộc hạt Tham biện Tây Ninh. Năm 1930 thuộc quận Thái Bình. Từ 1942 đổi thuộc quận Châu Thành. Sau năm 1956 gọi là xã… Từ năm 1959 đổi thuộc quận Phú Khương. Sau 30.4.1975 thuộc huyện Phú Khương… Từ năm 1979 đổi thuộc huyện Hoà Thành và tách một phần đất lập thêm xã Hiệp Tân. Ngày 10.8.2001 thuộc thị xã Tây Ninh, sau khi tách một phần đất nhập vào phường 4, cải biến thành phường Hiệp Ninh…” (Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ- Nguyễn Đình Tư).
Vậy cũng đã xấp xỉ 180 năm cái tên Hiệp Ninh. Và dấu vết, kỷ niệm của thôn làng xưa vẫn còn đây đó trong các vùng đô thị. Rạng rỡ, oai phong nhất vẫn là ngôi đình Hiệp Ninh, nay thuộc phường 2 và đã trở thành di sản quốc gia.
Cái nhà “Công sở Hiệp Ninh” trên phố Trần Hưng Đạo vẫn còn trong trí nhớ nhiều người dân phố, dù nay đã bị phá đi làm nhà trụ sở Bưu điện phường 2. Những cái tên xưa, nay còn sử dụng ở một vùng rất rộng dài kéo qua thành phố đến giáp Thanh Điền như: Hiệp Tân, Hiệp Hoà, Hiệp Trường.
Còn một chi tiết nữa mà tác giả Nguyễn Đình Tư chưa tích hợp đủ vào Hiệp Ninh. Đó là năm 1956, chính quyền Sài Gòn đã cho tách 3 phần chính của 3 xã Thái Bình, Hiệp Ninh và Ninh Thạnh vào xã mới Thái Hiệp Thạnh để làm tỉnh lỵ.
Thật ngỡ ngàng quá với phường Hiệp Ninh trẻ trung 15 tuổi của TP trẻ Tây Ninh. Thôi chẳng kể những mặt tiền phố lớn sang trọng như Cách Mạng Tháng Tám hay Điện Biên Phủ mà nhiều người vẫn thấy mỗi ngày; chỉ kể đường Nguyễn Trọng Cát mới xong vài năm nay đủ thấy mê rồi!
Hai làn đường nhựa đá thấm nhập, mỗi làn hơn 8 mét. Giữa là thảm cỏ hoa phân cách cũng rộng trên 4m. Ở đây có lẽ dân còn chưa theo kịp với hạ tầng đô thị, nên nhà cơ bản vẫn như xưa, thấp nhỏ giữa vuông vườn.
Cũng một tuyến song song là Huỳnh Tấn Phát thì bê tông nhựa hẳn hoi, láng mịn. Ở đó có một kiến trúc làm nhiều người thán phục, vì thoạt nhìn giống như ngôi nhà hát lớn Hà Nội. Cũng cột tròn, cột vuông đầu cột kiểu Hy Lạp- La Mã cổ đại. Cũng mái cuốn, cửa vòm, ngói lợp đỏ au thật là bệ vệ một bên đường. Thì ra đấy chỉ là trụ sở một công ty bánh kẹo! Đi hết những con đường lớn này, mới biết chúng vẫn chỉ là các con đường “cụt”.
Phía trước mặt vẫn là những nương vườn, bát ngát cây trái hoặc cao su. Ta cũng sẽ gặp cả đường Trường Chinh và Nguyễn Hữu Thọ- là hai đường lớn của tương lai sẽ kết nối với hai con đường cùng tên trên địa bàn trung tâm Thành phố. Mà thực ra, đường Nguyễn Hữu Thọ đã được kết nối rồi nhưng phần láng bê tông nhựa chỉ tới Bệnh viện Y học cổ truyền. Phần còn lại là nhựa đá thấm nhập nhưng đã liền lạc và êm thuận.
Hiệp Ninh còn có thật nhiều con hẻm. Đếm bên đường Cách Mạng Tháng Tám thôi đã thấy các hẻm từ 69 đến 99. Mà hẻm nào cũng rộng, bởi kích cỡ và cấu trúc y hệt như các con đường phố.
Như hẻm số 99, thuộc phường Hiệp Nghĩa, đường rộng tới 6- 7 mét, có cả phần lề xanh cỏ. Có lẽ do đường ngang ngõ dọc quá nhiều, nên có cả biển báo giao thông đứng cả dãy bên đường.
Nói thêm, phường Hiệp Ninh có lợi thế là kế thừa quy hoạch của đạo Cao Đài thời giữa thế kỷ trước, với toàn các ô phố vuông kiểu bàn cờ, nên quy hoạch quản lý đô thị hôm nay có phần tiện lợi. Nhưng cũng kèm theo bất lợi là ô nào cũng giống ô nào nên thật khó tìm nhà. Và nếu đầu tư để bê tông hoá cho đủ các lối dọc đường ngang kiểu bàn cờ thế kia chắc sẽ vô cùng tốn kém.
Điều đáng ngạc nhiên nhất về công cuộc phát triển đô thị ở phường Hiệp Ninh hôm nay, có lẽ lại nằm ở nơi mà xưa nay ta quen gọi là mặt hậu. Đó là phần đất vốn là rẫy nương ở giáp suối Lâm Vồ. Bên kia suối là phường Ninh Sơn vẫn mênh mông vàng lúa và những vườn rau đậu tươi non dưới bóng núi Bà thì bên này đã có hẳn một con đường đẹp như mơ tên là Nguyễn Hữu Thọ.
Đường kết nối với đại lộ 30.4 Thành phố, ngay trước cụm các công trình bệnh viện tỉnh; rồi thênh thang hai dải đường bê tông nhựa bươn tới Hiệp Ninh. Ta sẽ gặp các trang trại ở hai bên hàng rào lưới B40 hẳn hoi, cổng ngõ đàng hoàng nhưng bên trong lại trồng mít hay là chuối. Dọc đường, cũng đã có vài cụm nhà kiểu biệt thự mọc lên, có ngôi rất đẹp. Lại có cả một ngôi đang xây cao tới 7 tầng. Chắc là một số người giàu đã “trường kỳ mai phục”, vừa có đường xong là cửa nhà lên tới tấp. Ngôi nào cũng bề thế, khang trang để còn “mở mặt với đời”.
Không xa con đường, suối Lâm Vồ tuôn róc rách. Suối có nguồn “thấm thía” từ núi Bà chảy ra, qua những Ninh Sơn, Ninh Thạnh và Hiệp Ninh, rồi về Thành phố hoà nhập vào rạch Tây Ninh. Có vẻ như, thiên nhiên hoang sơ bên suối này còn chưa được người Hiệp Ninh tận dụng, bởi họ còn biết bao cơ hội phố phường. Tháng cuối năm 2016, TP. Tây Ninh vừa hoàn thành dự án nạo vét và làm phong quang bờ suối. Hẳn đây sẽ là nguồn dự trữ sinh thái của không chỉ Hiệp Ninh mà của cả TP. Tây Ninh về phía tương lai.
TRẦN VŨ