Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, những năm qua, Uỷ ban MTTQVN huyện Tân Châu đã xác định những nội dung trọng tâm và triển khai thực hiện với cách làm sáng tạo, hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Ngày hội đại đoàn kết liên khu dân cư xã Tân Đông, huyện Tân Châu năm 2018.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, những năm qua, Uỷ ban MTTQVN huyện Tân Châu đã xác định những nội dung trọng tâm và triển khai thực hiện với cách làm sáng tạo, hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Tân Châu cho biết, ngay từ khi triển khai cuộc vận động, MTTQ huyện đã chủ động triển khai điểm ở một ấp của xã Tân Hà; các xã, thị trấn còn lại mỗi địa phương chọn 1 ấp, khu phố làm điểm phát động cuộc vận động.
Mặt trận các cấp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực được đông đảo người dân tham gia như: tổ chức trồng cây xanh ở các địa điểm công cộng, trồng hoa lề đường, dọn dẹp vệ sinh môi trường, lắp đèn “thắp sáng đường quê”, tương trợ cộng đồng, xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo… với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, lực lượng quân sự trú đóng trên địa bàn và các tầng lớp nhân dân, tạo ra khí thế sôi nổi trong thực hiện cuộc vận động.
Tích cực hoạt động tương trợ, bảo vệ môi trường
Trong quá trình tiến hành cuộc vận động, tại các khu dân cư, đồng bào các dân tộc, tôn giáo đều tham gia sôi nổi với các mô hình hay, điển hình như mô hình “Tương trợ, giúp đỡ nhau khi chịu tang tế, hữu sự trong 3 ấp đồng bào dân tộc Khmer là Kà Ốt, Suối Dầm và Tầm Phô” thuộc xã Tân Đông. Mỗi khi có sự việc tang tế trong cộng đồng, các hộ dân cùng tham gia giúp đỡ gia đình hữu sự. Nhờ vậy, nhiều gia đình nghèo được cộng đồng chung tay hỗ trợ đã giảm bớt gánh nặng chi phí. Mô hình này đã tăng cường sự đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng. Hiện nay, số hộ tham gia mô hình tăng dần lên, đến nay được 470 hộ.
Để vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung, Mặt trận huyện, xã thực hiện mô hình “Tổ dân cư tự quản giữ gìn vệ sinh môi trường, không rác thải” và triển khai điểm tại tổ tự quản số 4, ấp Kà Ốt, xã Tân Đông.
“Ban điều hành Tổ tự quản và Ban công tác Mặt trận đến từng hộ dân trong tổ vận động người dân mua đặt thùng rác, bỏ rác đúng nơi quy định, cùng nhau dọn vệ sinh trên tuyến đường trong tổ sạch, đẹp. Các hộ dân tộc đều đồng tình và tham gia thực hiện tốt”- ông Trần Tấn Sung- Chủ tịch UBMTTQVN xã Tân Đông chia sẻ.
Đồng bào tôn giáo cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động từ hỗ trợ hộ nghèo đến bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức chấp hành giao thông... Trên địa bàn xã Tân Hiệp thực hiện mô hình “Vận động đồng bào các tôn giáo tham gia thực hiện chính sách giảm nghèo góp phần giảm nghèo bền vững”. Đối với 50 hộ nghèo, các tôn giáo nhận giúp đỡ 27 hộ, còn lại Mặt trận và các đoàn thể hỗ trợ bằng nhiều hình thức như vốn, nhà ở, con giống, tặng quà, trợ cấp hằng tháng đã tạo được điểm tựa cho các hộ nghèo trong xã phấn đấu vươn lên.
Cộng đồng người Chăm Islam xã Tân Hưng cùng với MTTQVN thực hiện mô hình “Vận động nhân dân thu gom, phân loại phế liệu, rác thải nông nghiệp và vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp trong mỗi hộ gia đình” tại khu Bố Kết, ấp Tân Trung B và mô hình “Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” của cơ sở tôn giáo và Ban công tác Mặt trận ấp Tân Trung B, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Hiến đất, làm đường giao thông nông thôn
Trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Uỷ ban MTTQVN huyện Tân Châu triển khai thực hiện mô hình “Vai trò của Mặt trận trong việc vận động nhân dân tham gia cứng hoá đường giao thông nông thôn”.Tại các xã, Mặt trận cùng chính quyền địa phương tích cực vận động người dân đóng góp công sức, tiền của, hiến đất làm đường, đồng thời huy động các nguồn lực để nâng cấp hệ thống đường giao thông. Kết quả, người dân đã hiến 132.907,33m2 đất, đóng góp hơn 15 tỷ đồng và 7.939 ngày công lao động trị giá hàng tỷ đồng, đã góp phần cùng với nguồn lực của Nhà nước xây dựng, nâng cấp 105km đường giao thông nông thôn và 173km kênh mương.
Cũng từ phong trào này, nhiều tấm gương vì cộng đồng xuất hiện, như ông Nguyễn Khắc Tú, ở ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô, hiến tặng 2.200m2 đ?t v? h? tr? v?t t? x?y nh? ? cho 22 h? ngh?o tr?n ??a b?n x?;ất và hỗ trợ vật tư xây nhà ở cho 22 hộ nghèo trên địa bàn xã; ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà tặng 150m2; ông Nguyễn Đức Trường, ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Châu, tự nguyện chặt bỏ cây cao su trồng trong vườn rộng gần 2.000m2, để nối dài đường lô 15; dỡ bỏ trên 50m hàng rào lưới B40 để chính quyền mở rộng đường lô 16 cho người dân đi lại; cùng ngụ thị trấn Tân Châu còn có ông Võ Duy Tân hiến trên 1.000m2, ông Trần Thiện Thanh hiến 570m2 đất để làm đường…
Điểm sáng trong công tác chăm lo người nghèo
5 năm qua, huyện đã vận động được 7,82 tỷ đồng, đạt 252,92% chỉ tiêu tỉnh giao; xây tặng 674 căn nhà đại đoàn kết với số tiền trên 25,57 tỷ đồng; đặc biệt, để người nghèo có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo, Mặt trận huyện đã thực hiện 6 dự án giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi, sản xuất, trị giá 2,5 tỷ đồng được triển khai. Có dự án đã thực hiện nhiều năm vẫn đang phát huy hiệu quả.
Dự án “Hỗ trợ vốn vay không lãi suất đối với các hộ nghèo dân tộc trên địa bàn ấp Tầm Phô, xã Tân Đông” được triển khai từ năm 2015. Theo đó, 27 hộ gia đình trong ấp được vay 810 triệu đồng (mỗi hộ vay 30 triệu đồng) để mua trâu, bò và hỗ trợ làm chuồng trại với thời hạn vay là 36 tháng. Với giá cả tại thời điểm đó, 22 hộ chăn nuôi trâu sinh sản, trâu thịt và 5 hộ nuôi bò sinh sản, trung bình mỗi hộ mua được gần 2 con trâu (bò). Hiện nay, 27/27 hộ hoàn trả đủ vốn vay, có 20 hộ trong dự án thoát nghèo, 2 hộ nghèo lên cận nghèo, còn hộ chưa thoát nghèo do thiếu lao động hoặc bệnh tật đột ngột.
Dự án “Chăn nuôi ba ba” tại ấp Cây Khế, xã Tân Hoà, bước đầu cho 5 hộ nghèo, mỗi hộ 20 triệu đồng, thời gian vay 24 tháng, không lãi suất. Dự án đang duy trì tốt, vì tại địa phương có một trang trại chuyên cung cấp ba ba giống, thức ăn và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nuôi, bao tiêu sản phẩm đầu ra nên người dân rất an tâm đầu tư nuôi; nguồn thức ăn bổ sung khác, các hộ tự khai thác trên sông.
Đặc biệt, trong phong trào chăm lo cho người nghèo thoát nghèo bền vững tại Tân Châu còn có mô hình “Phân công đảng viên tham gia hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững”. Từ mô hình này đã có 351 hộ (174 hộ nghèo và 177 hộ cận nghèo) được giúp đỡ bởi 248 đảng viên (trong đó có 194 đảng viên sinh hoạt nơi cư trú). Sau hơn 1 năm thực hiện, trong năm 2018, các cán bộ, đảng viên còn có những việc làm thiết thực đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo như: hỗ trợ 16 hộ mua BHYT; hỗ trợ học tập cho 24 học sinh; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 13 người; giúp sửa chữa nhà ở cho 5 hộ; xây tặng 17 căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ dụng phương tiện buôn bán cho 4 hộ; hỗ trợ con giống chăn nuôi cho 13 hộ; hỗ trợ dạy nghề cho 39 người; giúp vốn xoay vòng 50 hộ với số tiền 158 triệu đồng. Đến nay, đã có 130 hộ thoát nghèo, 51 hộ giảm từ nghèo xuống cận nghèo...
Với quyết tâm kéo giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, Uỷ ban MTTQVN huyện đã sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” nhân rộng dự án hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo ấp Chăm, xã Suối Dây và xã Tân Thành, mỗi địa phương có 5 hộ tham gia với số vốn 200 triệu đồng (mỗi hộ được vay 20 triệu đồng không tính lãi). Đến nay, trâu, bò phát triển tốt, các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Cuối năm 2018, huyện tiếp tục được tỉnh và trung ương hỗ trợ dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản giai đoạn 2018-2020”, thực hiện ở 3 ấp đồng bào dân tộc Khmer của xã Tân Đông (Tầm Phô, Kà Ốt và Suối Dầm) với tổng số hộ được hỗ trợ là 30 hộ, thời gian thực hiện 24 tháng, tổng số vốn thực hiện 900 triệu đồng, trong đó nguồn hỗ trợ từ dự án giảm nghèo của Mặt trận Trung ương 450 triệu đồng, Quỹ “Vì người nghèo” huyện là 450 triệu đồng.
Với cách làm linh động, sáng tạo, các mô hình, dự án của Mặt trận huyện đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, kết quả bước đầu từ những nỗ lực đó đã góp phần cùng với hệ thống chính trị địa phương kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,49% của 5 năm trước đến nay xuống còn 3,22%, giúp địa phương giữ vững tiêu chí giảm nghèo bền vững.
Thông qua kết quả đạt được trong thực hiện 5 nội dung cuộc vận động, vai trò của MTTQVN và các đoàn thể được khẳng định rõ hơn trong phối hợp tham gia vận động nhân dân thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện Tân Châu có 3 xã được công nhận đạt danh hiệu xã nông thôn mới, các xã còn lại tiếp tục duy trì và thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí theo lộ trình đề ra.
Ông Võ Quốc Thắng cho biết thêm, trong nhiệm kỳ tới, Uỷ ban MTTQVN huyện Tân Châu đề ra mục tiêu toàn huyện không còn nhà ở dột nát, trên 20% xã không còn hộ nghèo.
Tiến Hưng