Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hiệu quả mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp hoặc kiêm trưởng Ban công tác Mặt trận
Chủ nhật: 19:08 ngày 02/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong những năm qua, Đảng bộ huyện Tân Châu không ngừng lãnh đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị từ huyện đến cơ sở triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố hoặc bí thư chi bộ kiêm trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố.

Bà Thị Amina- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Chăm, xã Suối Dây.

Đến nay, toàn huyện có 73/76 ấp, khu phố thực hiện mô hình kiêm nhiệm, đạt 94,74%, còn lại 3 ấp chưa thực hiện là 3 ấp dân tộc thiểu số thuộc xã Tân Đông gồm: Tầm Phô, Kà Ốt và Suối Dầm. Với quyết tâm chính trị, nhằm khắc phục những hạn chế được đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ ra tại Thông báo Kết luận số 31-TB/TU, ngày 19.11.2021, Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành Kế hoạch số 55-KH/HU, ngày 15.12.2021 về khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra qua kiểm điểm năm 2021.

Đồng thời, tháng 4.2022, Ban Tổ chức Huyện uỷ tham mưu Ban Thường vụ Huyện uỷ tổ chức hội nghị toạ đàm chuyên đề về “Các giải pháp tăng cường thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp (khu phố) hoặc bí thư chi bộ kiêm trưởng Ban công tác Mặt trận ấp (khu phố); khắc phục tình trạng trưởng ấp không là đảng viên trên địa bàn huyện Tân Châu năm 2022 và những năm tiếp theo”.

Bà Thị Amina- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Chăm, xã Suối Dây cho biết: “Vai trò của người bí thư chi bộ là đề ra chủ trương, nghị quyết, trưởng ấp là người triển khai ra dân để tổ chức thực hiện. Do vậy, thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng ấp cũng có những thuận lợi nhất định, tạo sự thống nhất giữa chủ trương và tổ chức thực hiện trong thực tiễn.

Tôi là người Chăm, nên việc triển khai, tuyên truyền, vận động nhân dân trong ấp bằng tiếng Việt lẫn tiếng Chăm khá thuận lợi. Tuy nhiên, kiêm nhiệm cả 2 chức danh, hồ sơ sổ sách, công việc nhiều đòi hỏi người kiêm nhiệm phải biết sắp xếp công việc hợp lý, đề ra chương trình họp chi bộ định kỳ cụ thể, phân công cấp uỷ viên hoặc đảng viên hỗ trợ ghi biên bản. Mặt khác, kinh phí hoạt động ở ấp ít, việc tập hợp, mời dân ra để tuyên truyền vận động khó nên có đôi chút áp lực đối với người kiêm nhiệm".

Với sự đồng lòng từ huyện đến cơ sở, Đảng uỷ các xã, thị trấn đã không ngừng rà soát nguồn, nắm lại tình hình thực tiễn của địa phương, đồng thời vận dụng hiệu quả các giải pháp được Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ ra tại Thông báo Kết luận số 88-TB/HU, ngày 9.5.2022 của Ban Thường vụ Huyện uỷ.

Ông Phạm Quang Chược- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Đông cho biết: “Thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố thuận lợi trong việc vừa đề ra chủ trương, vừa lãnh đạo, vừa trực tiếp vận động quần chúng nhân dân nên cũng khá thuận lợi trong công tác. Tuy nhiên, giống như vừa đá bóng vừa thổi còi, đề ra chủ trương xong lại đi vận động, quyên góp tiền để thực hiện, thành ra đôi lúc cũng thấy ngại.

Tuy nhiên, thực hiện mô hình này sẽ ít áp lực, vất vả hơn so với thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố. Hiện nay, chế độ phụ cấp đối với người kiêm nhiệm ở ấp đã tăng hơn so trước đây, khoảng 3,6 triệu mỗi tháng. Nhưng với giá cả thị trường tăng cao, thì mức phụ cấp như thế vẫn chưa tương xứng với công việc nhất là ở các xã rộng, dân cư đông".

Cuối năm 2021, toàn huyện còn 27/76 ấp, khu phố (chiếm 35,53%) chưa thực hiện mô hình kiêm nhiệm và 6/76 trưởng ấp, khu phố chưa là đảng viên (7,89%), đến nay sau hơn một năm triển khai mô hình kiêm nhiệm, toàn huyện đã 73/76 ấp thực hiện (trong đó 32/76 ấp, khu phố thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp; 41/76 ấp, khu phố thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng Ban công tác Mặt trận), chỉ còn 2 trưởng ấp chưa là đảng viên (2 ấp này đang thực hiện quy trình miễn nhiệm, thay thế dự kiến hoàn thành chậm nhất trong quý III năm 2023).

Ông Trang Anh Dũng- Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ cho biết: “Trong thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Huyện uỷ, Ban Thường vụ Huyện uỷ và các cấp uỷ cơ sở, đến nay huyện đã giảm được 23 ấp, khu phố so cuối năm 2021.

Riêng 3 ấp người dân tộc thiểu số của xã Tân Đông gặp khó khăn trong việc tìm nhân sự vừa bảo đảm tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, vừa phải biết tiếng Khmer để giao tiếp với bà con, do vậy, huyện chưa thể hoàn thành chỉ tiêu 100% ấp, khu phố thực hiện mô hình kiêm nhiệm. Hiện nay, đối với các xã đã thực hiện đang triển khai các giải pháp duy trì hiệu quả mô hình. Riêng Đảng bộ xã Tân Đông tích cực thực hiện tốt công tác tạo nguồn, chuẩn bị nguồn nhân sự thay thế để hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2023”.

 Với những kết quả đạt được, năm 2023 Ban Thường vụ Huyện uỷ tiếp tục triển khai chuyên đề “Các giải pháp nhằm tăng cường thực hiện hiệu quả chủ trương trưởng Ban công tác Mặt trận là đảng viên”, phấn đấu đến cuối năm 2023, huyện có trên 90% ấp, khu phố có trưởng Ban công tác Mặt trận là đảng viên”.

Đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị trong huyện nhằm thực hiện tốt Kế hoạch số 105-KH/TU, ngày 24.10.2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc “Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.

Chí Thành

Tin cùng chuyên mục