Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Giúp người chồng Hàn Quốc của các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn tìm hiểu thêm về văn hóa và ngôn ngữ của quê vợ, cũng như có thể học được các phương pháp giúp cải thiện quan hệ vợ chồng, nâng cao sự thông hiểu lẫn nhau. Đây chính là mục đích của chương trình “Trường học Việt Nam của chồng tôi 2019” do Trung tâm Giao lưu văn hóa Hàn - Việt (Trung tâm) ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc chuẩn bị tổ chức.
Chị Nguyễn Thị Phượng, một giáo viên của trung tâm, chia sẻ với đài KBS rằng, chương trình nhận hồ sơ đăng ký từ ngày 16-4 và bắt đầu học vào ngày 11-5. Lớp học mở cửa từ 15 giờ đến 18 giờ thứ bảy hàng tuần, kéo dài trong 8 tuần và miễn phí. Đối tượng tham gia chủ yếu là những người chồng Hàn Quốc kết hôn với cô dâu Việt Nam và các cô dâu Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc. Ngoài việc tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ của quê vợ, lớp còn có các hội thảo về cuộc sống vợ chồng, qua đó, giúp họ hiểu nhau hơn, gắn bó hơn.
Nói về lý do mở chương trình này, chị Phượng cho hay, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ là nguyên nhân chính dẫn đến sự hiểu lầm trong nhiều gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Nhiều cặp vợ chồng trước khi kết hôn chỉ gặp nhau rất ngắn, không đủ thời gian để tìm hiểu đối phương. Khi sang Hàn Quốc, hầu hết các cô dâu Việt thường sinh con ngay nên 2 vợ chồng lại càng ít có thời gian tâm sự. Vì thế, tham gia các buổi hội thảo tại lớp chính là cơ hội để 2 vợ chồng gần gũi, hiểu nhau hơn, giúp hâm nóng lại tình cảm. Không chỉ có vậy, khi học về ngôn ngữ, văn hóa của quê vợ, những người chồng sẽ thấy được những khó khăn khi học văn hóa, ngôn ngữ của nước khác nên sẽ thông cảm cho vợ, thương vợ nhiều hơn.
Vốn cũng là một cô dâu trong gia đình đa văn hóa Việt - Hàn, chị Phượng cho biết, với những kinh nghiệm bản thân sau khi đã ở Hàn Quốc 12 năm, vấn đề khó khăn đầu tiên mà các cô dâu người Việt thường gặp phải khi sang quê chồng là sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa. Nhiều người lấy nhau thông qua các trung tâm môi giới, không biết tiếng Hàn nên khi “chồng hay gia đình chồng nói gì, mình không hiểu” và từ đó, dễ dàng dẫn đến mâu thuẫn, xung đột. Mâu thuẫn càng lớn dần, tình cảm vợ chồng càng rạn nứt. Ngoài ra, còn là vấn đề giao tiếp với xung quanh, hòa nhập cộng đồng. Việc không biết tiếng Hàn khiến nhiều cô dâu Việt cảm thấy cô đơn, trơ trọi nơi đất khách, buồn bã, chán nản.
Bất đồng ngôn ngữ đã khổ, khác biệt về văn hóa còn mệt mỏi hơn nhiều. Ví dụ, những ngày lễ tết, ở Việt Nam, chồng có thể phụ giúp vợ một số việc nhà. Nhưng ở Hàn Quốc, vợ phải làm đủ thứ việc trong khi chồng ít khi đỡ đần nên người phụ nữ rất dễ bị stress trong những dịp này. Chưa kể, lâu lâu lại nghe những câu nói của người xung quanh có ý miệt thị, coi nhẹ sẽ cảm thấy bị xúc phạm kinh khủng, tủi thân vô cùng.
Để có thể vượt qua những áp lực, khó khăn trong cuộc sống kể trên, theo chị Phượng, không chỉ có sự nỗ lực, cố gắng của người vợ trong việc học hỏi ngôn ngữ, văn hóa quê chồng mà người chồng cũng cần phải cố gắng tìm hiểu về văn hóa của quê vợ để 2 bên cảm thông nhau. Còn việc khẳng định vị trí của mình trong xã hội, cá nhân chị Phượng cho rằng, phải nỗ lực học hỏi để hòa nhập.
Chị Phượng rất vui khi nhiều chị em người Việt hiện đang sinh sống tại Hàn Quốc cũng đã ý thức được điều này. Sau khi hết giờ làm hoặc những ngày nghỉ cuối tuần, nhiều chị em lại đến trung tâm để gặp gỡ, rồi chia sẻ, giúp đỡ nhau bổ sung vốn kiến thức, văn hóa phục vụ cho cuộc sống. Ngoài “Trường học Việt Nam của chồng tôi 2019”, trung tâm còn có các chương trình khác như “Lớp song ngữ Việt - Hàn”, “Du lịch vào thế giới sách của mẹ và bé”... để giúp các cô dâu Việt hòa nhập xã hội Hàn Quốc.
Nguồn SGGPO