Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Qua 5 năm thực hiện tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới:
Hình thành được mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở các địa phương
Thứ tư: 20:53 ngày 04/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - sau 5 năm thực hiện CT20, Tây Ninh đã hình thành được mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở các địa phương, nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em khỏi những nguy cơ và xâm hại quyền trẻ em, ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Bà Võ Thanh Thuỷ- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội trao quà Trung thu năm 2017 cho các em (ảnh KK) 

Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5.11.2012 của Bộ Chính trị (khoá XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới (CT20) đã được các cấp uỷ Ðảng, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tổ chức quán triệt nghiêm túc, thực hiện đạt hiệu quả.

Qua đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền các cấp về tăng cường vai trò lãnh đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Kết quả nổi bật đầu tiên trong thực hiện CT20 là việc các sở, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai thực hiện đạt các mục tiêu  về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được đề ra theo Quyết định số 1050/QÐ-UBND, ngày 6.6.2013 của UBND tỉnh.

Cụ thể: toàn tỉnh có 2.438 trẻ em bị tai nạn thương tích vào năm 2010 (tương ứng với 975/100.000 trẻ em)  thì đến năm 2015 giảm còn 1.380 trẻ em bị tai nạn thương tích (tương ứng 548/100.000 trẻ em).  Toàn tỉnh đã cấp 105.093 thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, đạt trên 98%.

Tất cả trẻ đều được tiêm ngừa viêm não Nhật Bản, tiêm ngừa viêm gan siêu vi B miễn phí ngay từ khi mới sinh. Có trên 98,21% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 6 loại vắcxin. Hầu hết các em trong độ tuổi đều được uống Vitamin A. Tỷ lệ suy dinh dưỡng bào thai luôn ở mức thấp.

Tây Ninh hiện nay có 95/95 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm xuống còn 3,5% tổng số trẻ em.

Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hiện nay là 2.655/251.500 em, chiếm tỷ lệ 1,06%. 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hoà nhập với cộng đồng và có cơ hội phát triển như: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được tư vấn, thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp xã hội tại cộng đồng, cấp thẻ BHYT miễn phí, miễn giảm học phí, cấp học bổng... 70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt: trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, trẻ em tảo hôn, trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội. Việc triển khai các hoạt động phục vụ trẻ em ở các thiết chế văn hoá cơ sở được thực hiện thường xuyên, tập trung các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, các lớp võ thuật, trại hè, tham quan, du khảo.

Ngoài ra, hầu hết các trường học đều có thư viện, báo Nhi đồng, báo Khăn quàng đỏ… Ðây là một trong những điều kiện giúp các em phát triển tinh thần, trí tuệ một cách hài hoà.

Một số kết quả nổi bật khác như thực hiện các tiêu chuẩn về xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Năm 2013, Tây Ninh đã quyết định công nhận 94/95 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, đạt 98,94%.

Từ năm 2014 đến năm 2016, toàn tỉnh liên tục duy trì 100% xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Trong thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015, ngành chức năng đã tổ chức 36 lớp tập huấn về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, xây dựng trên 15.000 ngôi nhà có trẻ em đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”, cấp phát 700 cặp phao cứu sinh cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Nhân Tháng hành động vì trẻ em hay các dịp lễ, tết, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hàng trăm ngàn lượt trẻ em với kinh phí hàng tỷ đồng. Toàn tỉnh đã tổ chức được 956 Diễn đàn trẻ em các cấp với 65.013 lượt trẻ em tham dự.

Trong 5 năm qua, ngoài kinh phí của Trung ương, ngân sách địa phương cũng đã chi gần 14 tỷ đồng cho các hoạt động của trẻ em. Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được trên 5,7 tỷ đồng cùng tham gia các hoạt động chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm đảm bảo mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

  Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; thực hiện các chế độ, chính sách, hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em ở ấp, khu phố. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu HÐND và UBND quyết định hỗ trợ thù lao cho cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em là được hưởng 0,2 lần mức lương cơ sở/tháng/người.

Ngoài ra, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh còn phối hợp thực hiện việc đăng ký khai sinh, trợ giúp pháp lý kịp thời cho hàng trăm lượt trẻ em và người dưới 18 tuổi.

Từ năm 2012-2017, trên địa bàn tỉnh phát hiện 302 vụ, gồm 313 đối tượng gây án, xâm hại 306 trẻ em. Qua đó đã xử lý hình sự 268 vụ-279 đối tượng; xử lý hành chính 16 vụ-16 đối tượng. Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh còn phát hiện 1.698 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 2.321 đối tượng.

Kết quả đã xử lý hình sự 296 vụ, 487 đối tượng; xử lý hành chính 1.402 vụ, 1.834 đối tượng; giao gia đình quản lý, giáo dục 1.046 em; có quyết định giáo dục tại xã, phường 353 em; đưa vào trường giáo dưỡng 56 em; các biện pháp khác 379 em.

Những mô hình mang lại hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em có thể kể đến như: “Trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng” tại 6 xã thuộc 2 huyện Châu Thành và Gò Dầu; “Duy trì và nhân rộng mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng” tại 3 xã của huyện Trảng Bàng; “Phòng ngừa và trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” tại 2 xã của huyện Tân Châu...

Tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ em xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu (ảnh KK).

Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện CT20, Tây Ninh đã hình thành được mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở các địa phương, nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em khỏi những nguy cơ và xâm hại quyền trẻ em, ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã huy động các nguồn lực hỗ trợ trẻ em, xây dựng môi trường phù hợp với trẻ em.

 Tổ chức các hoạt động đào tạo nghiệp vụ, nâng cao năng lực và kỹ năng thực hành cho đội ngũ cán bộ, tập huấn cho các huyện, xã tham gia dự án về các hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em, hệ thống giám sát, đánh giá nhằm thực hiện các quyền và lợi ích của trẻ em để trẻ phát triển đầy đủ về nhận thức, tình cảm, tâm lý và thể chất.

Duy trì các hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, đồng thời thực hiện các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số mặt hạn chế. Bộ máy tổ chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em không ổn định. Cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn đều hoạt động kiêm nhiệm.

Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương còn xảy ra vụ việc vi phạm quyền trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em…

Nguyên nhân của hạn chế là một số cấp uỷ Ðảng, chính quyền chưa chủ động tập trung tìm giải pháp tác động kịp thời để giải quyết các vấn đề nổi cộm liên quan đến trẻ em. Ðội ngũ cộng tác viên trẻ em chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình.

Các hoạt động truyền thông cần đa dạng, phong phú hơn để đến tận từng gia đình, nhất là các vùng nông thôn sâu, vùng biên giới. Một số gia đình ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn về kinh tế, trình độ dân trí thấp nên thiếu quản lý, giáo dục con em mình, đặc biệt các em gái mới lớn. Công tác thông tin, cập nhật và cung cấp số liệu của các ngành, địa phương chưa đầy đủ và kịp thời; hằng năm tuy có kế hoạch kiểm tra, giám sát nhưng vẫn chưa được thường xuyên và liên tục.

KN

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục