Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hồ Chí Minh – tấm gương lớn về sự nêu gương
Chủ nhật: 19:11 ngày 19/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu gương thể hiện rất phong phú, sinh động, rộng lớn, cụ thể, thống nhất trong mọi suy nghĩ, hành động, lời nói, việc làm từ nhỏ đến lớn, kết tinh thành những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những việc lớn liên quan tới vận mệnh lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh nói là làm, làm bằng được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954) - Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta! Người đã đi xa tròn nửa thế kỷ, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; sự nghiệp cao cả và  vĩ đại của Người để lại cho Đảng ta, đồng bào ta, dân tộc ta, nhân dân ta là vô cùng to lớn, quý giá, mãi mãi trường tồn.

Một trong những giá trị tinh thần, sức mạnh vật chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm trí và đời sống các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân ta hiện nay và mai sau là tấm gương sáng về sự nêu gương của Người. Người hy sinh cống hiến trọn cả đời mình cho dân, cho nước, không một chút lo toan, tính toán riêng tư cho cá nhân mình tới tận lúc Người từ biệt thế giới này.

Nói đến sự nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đều có thể nhận thức, học tập ở Người qua những câu chuyện kể về Hồ Chí Minh; qua tìm hiểu lịch sử và quá trình hoạt động của Người; qua nghiên cứu sâu sắc giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người được nâng lên ở tầm cao, chiều sâu tư tưởng, lý luận, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh. Song tấm gương nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể khái quát ở những điểm chính sau:

Tấm gương tiền phong gương mẫu, nhận trách nhiệm về mình bất kể mọi gian khổ, nguy nan

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành 21 tuổi chứng kiến cảnh dân tộc, những người đồng bào mình bị bọn thực dân phong kiến áp bức vô cùng tàn bạo, sống quằn quại, đau thương của kiếp người nô lệ, đã tự đặt trách nhiệm cho mình phải ra đi tìm đường cứu nước, mang lại “tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc”.

Trong bối cảnh đất nước đắm chìm đau thương trong vòng nô lệ, với hai bàn tay trắng, người thanh niên ấy tự nhận trách nhiệm về mình, chấp nhận cuộc dấn thân lao vào vòng xoáy bão dông của chủ nghĩa đế quốc đang hoành hành thế giới để tìm đường cứu nước, cứu dân.

Một quyết định lịch sử dám chấp nhận muôn vàn thử thách, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chỉ có một khát khao, một niềm tin sắt đá rằng dân tộc mình, Tổ quốc mình nhất định phải được sống độc lập, tự do, hạnh phúc như các dân tộc khác trên thế giới. Có niềm tin, có khát vọng, nhưng Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đã là kết tinh ý chí, khí phách, phẩm giá, nhân cách, truyền thống của các dân tộc dám đứng lên, tìm đường, dẫn dắt cả dân tộc tự giải phóng mình.

Suốt hành trình mấy chục năm bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước và cả cuộc đời hoạt động lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tấm gương nêu gương của Hồ Chí Minh đã giúp Người vượt qua muôn vàn thử thách, tù đày, đánh bại những kẻ thù gian ác, hiểm độc, tàn bạo nhất hành tinh. Thực tế sinh động tấm gương nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học sâu sắc, bài học đầu tiên Người dạy cán bộ, đảng viên, nhân dân ta phải chủ động, tự giác, tiên phong, gương mẫu không ngại khó khăn, gian khổ, dám hy sinh vì sự nghiệp cao cả của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong mọi công việc từ nhỏ  đến lớn. Người thường nhắc nhở, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Sự nêu gương đi đầu dám nghĩ, dám làm, dám lao vào nơi gian khổ để quần chúng nhân dân tin, noi theo là phẩm chất, nhân cách, khí phách của người cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân, không toan tính, thu vén lợi ích riêng tư, luôn đặt lợi ích chung của nhân dân, đất nước, dân tộc lên trước hết, trên hết. Đó là cơ sở, là điểm xuất phát cho nhận thức dám hy sinh phấn đấu, tính tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên ở bất cứ thời điểm nào.

Tấm gương nói và làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm làm cách mạng là thay đi chế độ xã hội cũ xấu xa, xây nên chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn, văn minh hơn, tiến bộ hơn.

Suốt cả cuộc đời, Người luôn tâm niệm ý chí làm cho nhân dân ta, đồng bào ta, Tổ quốc ta, dân tộc ta thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, mọi người đều được ấm no, tự do, hạnh phúc, ai cũng được học hành; đất nước ta ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các nước anh em tiến bộ trên thế giới. Thực hiện lý tưởng ấy, Hồ Chí Minh đã hiến dâng cả đời mình từ tuổi thanh niên đến lúc ra đi, chấp nhận cuộc dấn thân với bao thử thách, bao kẻ thù gian manh, tàn bạo, hung hãn nhất thời đại và đã chiến thắng một cách vẻ vang.

Từ một nước ngót trăm năm bị đô hộ của chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta làm cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á - một khát vọng mà Người từng mong ước. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong giặc ngoài, nạn đói, nạn mù chữ, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng bằng trí sáng tạo, khát vọng độc lập, tự do, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng và nhân dân ta vượt qua tất cả để chiến đấu, chiến thắng giữ vững độc lập nhà nước non trẻ vừa thành lập.

Nói và làm là khí phách, tâm hồn, tấm gương nêu gương của Hồ Chí Minh. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập năm 1945, năm 1946 thực dân Pháp trở lại muốn cướp nước ta bằng tất cả dã tâm của tên đứng đầu chủ nghĩa thực dân cũ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố chúng ta nhất định không chịu mất nước, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi, địch nhất định thua. Bằng ý chí, nghị lực của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến thần thánh 9 năm, buộc thực dân Pháp thất bại nhục nhã, cuốn cờ rút khỏi nước ta bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7/5/1954.

Tiếp đó, chủ nghĩa thực dân mới, đứng đầu là đế quốc Mỹ với binh hùng, tướng mạnh, của cải như nước, vũ khí tối tân, tàn bạo, vô nhân hùng hổ muốn thay thực dân Pháp đàn áp, nô dịch cướp nước ta. Biết địch, biết ta, Hồ Chí Minh lại kiên quyết kêu gọi toàn dân ta đánh giặc, không chịu khuất phục trước mọi âm mưu, thủ đoạn, thế lực của quân thù quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân sáng tạo, lấy “nước” dập tắt “lửa”, và cuối cùng đế quốc Mỹ đã thất bại, nhân dân ta đã chiến thắng, Tổ quốc thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, ngày nay tiếp tục đổi mới, phát triển, hội nhập với thế giới hiện đại, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Những việc lớn liên quan tới vận mệnh lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh nói là làm, làm bằng được. Người nói, nước Việt Nam có quyền độc lập, tự do; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nhất định thắng lợi; trong chiến tranh đế quốc Mỹ ta nhất định thắng, địch nhất định thua; thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… Tất cả, Hồ Chí Minh đều đã thực hiện xuất sắc điều ước vọng của mình. Người đã làm tất cả những điều trọng đại mình nói.

Không chỉ những việc lớn, ngay cả những việc rất nhỏ, cụ thể, tưởng như ít ai để ý trong cuộc sống thường ngày, Hồ Chí Minh nói là làm, làm trước, làm tốt để cán bộ, đảng viên noi theo. Để cứu đói năm 1945, Người kêu gọi mọi người lập “hũ gạo cứu đói”, Người làm việc đó đầu tiên, thường xuyên. Hồ Chí Minh kêu gọi tăng gia sản xuất, tiết kiệm, Người cầm cuốc trồng rau, nộp rau cho nhà bếp. Người thực hành tiết kiệm thời gian, tiết kiệm đồ dùng, tiết kiệm chi phí để không tốn kém của công…

Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rõ ràng tấm gương nói và làm là bài học vô cùng lớn, thiết thực, bổ ích, sáng tạo và cần thiết đối với mỗi chúng ta trong đời sống hằng ngày.

Tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi còn là một thanh niên yêu nước bôn ba hoạt động ở nước ngoài đến khi là một chính khách, vị lãnh tụ của dân tộc, Người luôn giữ phong cách của một nhà văn hóa lớn ở tầm cao trí tuệ, đỉnh cao nhân cách: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Hồ Chí Minh cho rằng, lao động cần cù sáng tạo là bản tính, là giá trị cao quý của con người. Người xác định lao động dưới mọi hình thức, dù lao động chân tay, hay lao động trí óc, đều có giá trị đích thực với xã hội và bản thân. Cần cù, sáng tạo, kiên nhẫn lao động đều giúp cho cuộc sống con người trở nên có ý nghĩa. Xác định mục tiêu chân chính, lao động chân chính, Hồ Chí Minh chấp nhận làm bất cứ việc gì có ích. Để thực hiện mục tiêu tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh chấp nhận làm đủ mọi việc cần thiết như phụ bếp, quạt lò, rửa bát, bồi bàn, bán báo, rửa ảnh…

Người tranh thủ mọi thời gian có thể để học và sử dụng tới chục ngoại ngữ giúp cho việc thực hiện nghiên cứu tìm đường cứu nước. Trong cuộc sống, Hồ Chí Minh tiết kiệm mọi thứ với phương châm cái gì cần thì dùng, cái gì không thì thôi, dùng đúng với điều kiện hiện có cho phép, không lãng phí. Người cho rằng, tiết kiệm không có nghĩa là kẹt xỉ, không dám chi dùng. Như thế sẽ lại hỏng việc. Ngược lại chi tiêu, sử dụng quá mức trong khi đồng bào, chiến sĩ bộ đội còn nghèo, còn thiếu mà tiêu xài hoang phí, xa hoa, hình thức phô trương là trái với đạo đức cách mạng.

Cùng với cần, kiệm, liêm, chính, Hồ Chí Minh là một mẫu mực về thực hiện liêm chính, chí công vô tư. Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải biết tôn trọng của công, không được chiếm công vi tư. Theo Người, tham nhũng, lãng phí là tội nặng nhất, là xấu xa bỉ ổi nhất, là ăn cắp của dân. Tham nhũng, chiếm công vi tư là chủ nghĩa cá nhân, là một thứ giặc nội xâm không thể chấp nhận được.

Trong cuộc sống thường ngày, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sự giản dị, liêm khiết, trong sáng. Cả cuộc đời mình, Người chỉ biết lo cho dân, cho nước. Sự giản dị của Người bắt nguồn từ sự thanh cao, toát lên những giá trị thanh cao, là thăng hoa những phẩm chất cao quý của một nhà văn hóa lớn, là tấm gương sáng cho mọi tầng lớp nhân dân noi theo.

Tấm gương phong cách làm việc khoa học, hiệu quả, thiết thực của Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ  vĩ đại của dân tộc, của nhân dân Việt Nam. Người từng trải nghiệm thực tế vô cùng phong phú, cụ thể, thiết thực trong cuộc sống, trong mọi lĩnh vực, mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, mọi không gian, thời gian. Điều đó giúp cho Hồ Chí Minh có phong cách suy nghĩ, hành động rất khoa học, kết hợp lý luận với thực tế, luôn không xa rời mục tiêu cách mạng và tính thiết thực, hiệu quả trong công việc. Hồ Chí Minh luôn dạy cán bộ, đảng viên phải bám sát thực tế, phải hiểu biết cuộc sống, phải xuất phát từ cuộc sống và trở về nơi cuộc sống.

Người chỉ rõ việc học tập, tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực, không trống rỗng, ba hoa, dông dài, nói tràng giang đại hải, không rõ mục đích, mục tiêu cụ thể. Mọi công việc phải định rõ kế hoạch, mục tiêu, biện pháp, bước đi và kiểm tra đánh giá kết quả cụ thể, thiết thực. Người viết tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” để huấn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu làm việc khoa học không xa rời thực tế là có kế hoạch, là cụ thể, chính xác, các chỉ thị, nghị quyết phải tổ chức chỉ đạo thực hiện, phải đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm.

Mặc dù công việc bộn bề của một vị Chủ tịch nước, trong chiến tranh cũng như hòa bình, Hồ Chí Minh không bỏ sót việc gì và luôn thăm hỏi, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nông dân có thành tích; nhắc nhở, phê bình chính xác những cán bộ, đảng viên, địa phương sai sót, yếu kém. Phong cách sống, làm việc khoa học, cụ thể, chính xác, hiệu quả là tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tấm gương gần dân, thương dân, vì dân của Hồ Chí Minh

Một nhà thơ nước ngoài đã từng nhận xét về Hồ Chí Minh là một người lính, một thày giáo, một nhà thơ, người cộng sản, một lãnh tụ vì Hồ Chí Minh là dân, Hồ Chí Minh từ dân.

Ngay từ thời niên thiếu, Hồ Chí Minh đã rất hiểu biết, cảm thông và chia sẻ với đời sống của người dân xung quanh. Người đi tìm đường cứu nước, bôn ba khắp thế giới, sống với các tầng lớp nhân dân các nước, Người đều thấu hiểu nỗi thống khổ của người lao động. Người rút ra nhận xét bất hủ, trên trái đất này hàng tỉ người dù màu da, chủng tộc, tôn giáo khác nhau cũng chỉ có hai hạng người: hạng người đi áp bức và hạng người bị áp bức. Hồ Chí Minh bất bình về sự phân chia ấy, cực lực lên án hạng người đi áp bức và Người đứng về phía những người bị áp bức, bênh vực họ, kiên quyết chống lại những kẻ đi áp bức.

Đối với nhân dân nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng, Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào khả năng của họ, nhìn thấy ở nhân dân nguồn sức mạnh vô tận của lịch sử. Đồng thời, Hồ Chí Minh luôn kính trọng, yêu thương, gần gũi họ. Người từng dạy cán bộ, đảng viên phải gần dân, thương dân, hiểu dân, học dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Người yêu cầu cán bộ từ Trung ương tới làng xã phải thực sự là công bộc của dân, không được lên mặt là quan cách mạng, ban phát cho dân.

Hồ Chí Minh không những quan tâm, gần gũi nhân dân mà Người rất hiểu biết, chia sẻ, cảm thông và hết lòng hết sức phục vụ các tầng lớp nhân dân. Người có lời chỉ bảo ân tình, cụ thể thiết thực với các cụ già, bác sĩ, kỹ sư, thày giáo, chiến sĩ, sĩ quan, dân tộc, tôn giáo ở khắp mọi nơi. Vì thế, Người được tất cả mọi tầng lớp nhân dân khắp mọi miền đất nước luôn kính yêu gắn bó thân thiết như cha anh, người nhà, người bác, người ông vô cùng kính trọng trong gia đình mình./.

Nguồn baochinhphu

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh