BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hồ Dầu Tiếng: Báo động nạn “mua bán mặt nước” và sử dụng “cây thuốc cá”

Cập nhật ngày: 09/04/2009 - 11:37

Những năm đầu mới đưa vào sử dụng, hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng nổi tiếng về nguồn lợi thuỷ sản. Từ năm 1985 đến năm 1994 sản lượng thuỷ sản đánh bắt hằng năm đạt hơn 3.000 tấn. Hàng nghìn người tham gia đánh bắt thuỷ sản trong hồ, nhiều gia đình đã nhờ vào đánh bắt thuỷ sản trong hồ làm kế sinh nhai và không ít hộ đã thoát nghèo từ nghề này. Thế nhưng…

HỒ MỚI ‘HỒI SINH”

Anh N.V.H đến giữ cá trong vùng mặt nước “đã mua”

Trong đánh bắt, một bộ phận người dân ham lợi trước mắt nên sử dụng các phương tiện đánh bắt mang tính huỷ diệt, trong khi công tác quản lý còn nhiều bất cập; do vậy nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiện, một số loài thuỷ sản bị tận diệt và sản lượng đánh bắt hằng năm chỉ còn hơn 400 tấn. Khi Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được thành lập (2001), các biện pháp nghiêm cấm các hình thức đánh bắt có tính huỷ diệt như dùng thuốc nổ, chất độc, sung điện, lưới cào, dớn, đăng chắn… được áp dụng triệt để. Cùng với công tác tuyên truyền vận động, giáo dục người dân, tổ chức cho người tham gia đánh bắt thuỷ sản cam kết không sử dụng các phương tiện đánh bắt bị nghiêm cấm; ai vi phạm bị xử lý nghiêm khắc, nên đã hạn chế đáng kể các phương tiện đánh bắt huỷ diệt. Mặt khác, liên tục từ năm 2005 đến nay tỉnh đã tổ chức nhiều đợt thả bổ sung các loài cá giống xuống hồ, với số lượng hơn 3 triệu con, trị giá hơn 2 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nhằm đa dạng hoá các loài cá và tăng mật độ, tăng sản lượng thuỷ sản trong hồ.

Các loài cá được chọn thả bổ sung vào hồ gồm nhiều chủng loại, trong đó có những loài thuộc nhóm cá đặc sản có giá trị kinh tế rất cao như: cá thác lác cườm, cá tra dầu, cá hô, cá lăng nha… Nhiều loài cá có sự phát triển rất tốt như cá rô phi, cá trắm cỏ, cá trôi, cá chép. Qua khảo sát trong năm 2008, sản lượng đánh bắt tăng vượt trội so với các năm trước đó, đã vượt mức 1.000 tấn và có khả năng tăng cao vào những năm tới. Ngoài sản lượng cá, tép, hiện nay trong hồ đã xuất hiện những bãi hến phát triển khá mạnh, cho sản lượng khai thác hàng tấn mỗi ngày. Một số loài cá do người dân tự du nhập từ nơi khác về nuôi nay cũng có sản lượng phát triển tự nhiên trong hồ khá cao như cá bống tượng, cá rô phi đỏ. Bằng phương pháp đánh bắt thủ công truyền thống (lưới bén, đặt lợp, câu) một người trong một ngày, đêm lao động cũng có thu nhập từ 70.000 đến 100.000 đồng. Anh Hà Duy Tâm, sinh 1975 cùng vợ và 3 con nhỏ, nhà nghèo không có đất cất nhà, vào lòng hồ chọn nơi cao cất chòi ở hằng ngày đi giăng lưới bén nuôi cả nhà. Với 10 tay lưới bén và 1 chiếc xuống tổng đầu tư hơn 3 triệu đồng chiều đi giăng lưới, sáng sớm cuốn lưới về, bình quân mỗi ngày thu được 60.000 đồng, thời gian còn lại trong ngày gia đình anh Tâm đi làm mướn và chăn nuôi thêm. Từ năm 2007, Nhà nước không còn thu phí, thu thuế đối với những người dân đánh bắt bằng phương tiện, thủ công truyền thống. Việc này giúp cho những người nghèo, không có việc làm có điều kiện kiếm sống.

LẠI THÊM VẤN NẠN “CÁT CỨ” LÒNG HỒ VÀ ĐÁNH BẮT THUỶ SẢN BẰNG CHẤT ĐỘC

Vợ chồng anh Tâm đang gỡ cá từ lưới bén

Lợi dụng địa bàn rộng, lực lượng bảo vệ mỏng, một số người vẫn lén lút sử dụng các phương tiện đánh bắt huỷ diệt như chất nổ, dớn, đăng chắn… nhất là dớn và đăng chắn công khai, tràn lan nhưng không ai bị xử lý. Điều phức tạp nhất hiện nay là một số vùng, trảng, hầm cạp trong hồ đều đã “có chủ” (!?). Ngay từ khi nước lên cho tới khi nước rút cạn đã có người “xí phần”; họ công khai nói với những người đánh bắt là “đã mua”; hỏi mua của ai thì họ không nói, hỏi có giấy tờ gì không thì cũng không. Khi có người định đánh bắt thì họ nài nỉ với lý do: “Đã bỏ tiền ra mua rồi”, nếu nài nỉ không xong thì họ kiên quyết ngăn cản bằng mọi giá, không cho bất kỳ ai được đánh bắt trong khu vực họ đã “mua”. Anh N.V.H cất chòi tại bờ trảng, canh giữ vùng trảng anh “mua” với giá 3,5 triệu đồng, chờ nước cạn mới thu hoạch, chiều ngày 18.3.2009 hàng chục thanh niên kéo nhau đến đánh bắt cá dưới trảng bằng cây thuốc cá (còn gọi là cây “đơn hùng tín”). Anh H nài nỉ không được, nên đã lớn tiếng và dẫn đến xô sát, lực lượng công an địa phương phải đến can thiệp. Anh H cho biết: “Mua cá dưới nước, khác nào “mua trâu vẽ bóng”, phải canh giữ và phải dùng mọi phương thức đánh bắt sao cho hết mới thôi, kể cả việc dùng đánh bắt huỷ diệt”. Lực lượng bảo vệ có chứng kiến tận mắt những người này dùng các phương thức đánh bắt đã bị cấm, cũng không ai nói gì, vì khu vực đánh bắt đã có chuyện “mua đứt bán đoạn”. Những trảng, hầm khi “chủ mua” thu hoạch xong hầu như không còn bất kỳ loài thuỷ sản nào sinh sống, kể cả cua, ốc. Những người dùng cây “đơn hùng tín” để thuốc cá “tin rằng”: “Khi bắt hết cá chỉ cần nhổ vài bãi nước bọt xuống hầm là nước lại trở lại bình thường, không còn độc hại nữa” (!?). Thực chất loại cây thuốc cá rất độc với các loài thuỷ sản, những người nuôi tôm dùng để vệ sinh vuông tôm nhằm diệt các loài thuỷ sản khác trước khi thả tôm, nhưng phải để thời gian nhất định, và phải thay nước, chứ không thể “nhổ vài bãi nước bọt” mà hoá giải chất độc được.

Cá hồ bán tại bờ đập phụ

Điều đáng báo động trong lòng hồ Dầu Tiếng hiện nay đang phổ biến dùng loại cây thuốc cá để đánh bắt thuỷ sản. Trong khi đó, chỉ tính riêng tại địa bàn xã Suối Đá và thị trấn Dương Minh Châu đã có hơn 200 ngư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ; hầu hết thuộc những gia đình nghèo, không có đất đai, phương tiện, việc làm đều chọn việc đánh bắt thuỷ sản trong hồ làm kế sinh nhai. Ngoài ra hằng ngày, nhất là vào dịp thứ bảy, chủ nhật và dịp lễ, tết hàng trăm người trong vùng, nhiều người từ Thành phố Hồ Chí Minh và các thị xã, thị trấn đến lòng hồ câu cá giải trí, thưởng ngoạn vẻ đẹp của hồ, nhất là vào mùa hồ tích nước. Làm tốt công tác quản lý việc đánh bắt và nuôi thả bổ sung, nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng là giữ gìn và phát huy tiềm năng kinh tế rất lớn của địa phương. Không chỉ người nghèo coi nơi đây là nơi cứu sinh, mà nhân dân trong vùng cũng được thụ hưởng nguồn lợi thuỷ sản trong hồ. Do vậy cần thiết cơ quan chức năng phải có biện pháp để ngăn chặn triệt để việc khai thác thuỷ sản bằng cây thuốc cá.

NGUYỄN TRẦN VĂN