BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hồ Dầu Tiếng tích thiếu nước: Liệu có đủ nước tưới đến đầu mùa mưa?

Cập nhật ngày: 09/01/2011 - 10:30

Vụ đông xuân 2010-2011 đã xuống giống được hơn 1 tháng. Sau 1 tháng mở nước tưới tiêu, đến tuần đầu tháng 1.2011, mực nước trong hồ Dầu Tiếng đã hạ xuống đến cao trình 22,4m. So với cùng kỳ năm trước, mực nước trong hồ Dầu Tiếng hiện nay thấp hơn đến 1,5m- tương đương với lượng nước thiếu hụt khoảng 300 triệu m3. Theo diễn biến thời tiết trong nhiều năm qua thì còn đến hơn 5 tháng nữa mới bước vào mùa mưa, liệu hồ Dầu Tiếng có thể giữ đủ nước để tưới cho đồng ruộng đến khi có mưa hay không?

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Tây Ninh thì mùa mưa năm 2010 lượng mưa ở Tây Ninh thấp hơn trung bình nhiều năm. Tại thị xã Tây Ninh, đến cuối mùa lượng mưa chỉ đạt có khoảng 1.600mm. Trong khi đó lượng mưa trung bình ở Tây Ninh là từ 1.800- 2.000mm. Đây là nguyên nhân chính khiến cho hồ Dầu Tiếng tích nước không đạt cao trình thiết kế. Ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, tình hình thiếu nước tưới đã được xác định ngay từ cuối mùa mưa năm 2010, khi đó hồ Dầu Tiếng chỉ tích nước đạt cao trình chưa đến 23m, thấp hơn cùng kỳ đến 1,5m. Do đó, ngay từ đầu vụ đông xuân Công ty buộc phải chuẩn bị áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm nước tưới. Cụ thể, Công ty đã phải áp dụng phương pháp tưới luân phiên ngay từ đầu vụ đông xuân với lịch tưới mỗi tuần mở nước 4 ngày và cắt nước 3 ngày. Riêng lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản- do tiêu thụ lượng nước rất lớn nên Công ty chỉ cấp nước 2 ngày trong tuần. Song song đó, Công ty chỉ đạo các đơn vị thuỷ nông trực thuộc triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm hạn chế lượng nước dư thừa, thất thoát như cho ngưng hoạt động toàn bộ các cửa tràn bên và tràn cuối để nước không bị thất thoát theo hệ thống tràn, đồng thời đắp các kênh tiêu lớn để giữ nước lại, hạn chế lượng nước thất thoát ra sông.

Tuyến kênh Đông đã áp dụng biện pháp tưới luân phiên- 4 ngày Tây Ninh, 3 ngày TP.HCM.

Sau hơn 1 tháng áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước tưới đã cho thấy kết quả. Theo mức tưới bình thường ở các năm trước thì trong tháng đầu tiên của vụ đông xuân thường tiêu thụ lượng nước không dưới 130 triệu m3. Thế nhưng năm nay- sau khi đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước thì trong tháng đầu tiên vụ đông xuân chỉ tiêu thụ có hơn 90 triệu m3 nước. Nếu từ nay đến cuối vụ đông xuân vẫn tiếp tục giữ mức tiết kiệm nước như trong tháng đầu thì cả vụ đông xuân có thể tiết kiệm đến hơn 100 triệu m3 nước tưới. Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà cùng Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh thì theo đà tiết kiệm nước sản xuất nông nghiệp như trong thời gian qua cộng với các khoản nước cung cấp cho công nghiệp và sinh hoạt thì đến cuối tháng 3.2011- thời điểm kết thúc vụ đông xuân thì mực nước trong hồ Dầu Tiếng có thể còn ở cao trình 19,3m- tương đương lượng nước còn được hơn 710 triệu m3. Nếu trừ đi lượng nước ở “mức nước chết” thì thời điểm này lượng nước sử dụng trong hồ còn được khoảng 240 triệu m3. Liệu với lượng nước còn lại như thế, hồ Dầu Tiếng có đủ nước để vừa cung cấp tưới cho nông nghiệp vụ hè thu, vừa cho công nghiệp, sinh hoạt cho cả Tây Ninh và thành phố HCM từ đầu tháng 3 đến khi có mưa hay không? Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết nếu như các biện pháp tiết kiệm nước vụ hè thu 2011 vẫn giữ được như trong vụ đông xuân 2010-2011 thì có khả năng đến cuối tháng 5.2011 hồ Dầu Tiếng mới xuống đến mực “nước chết” là cao trình 17m. Khi đó cũng vừa bước vào mùa mưa nên hy vọng hồ Dầu Tiếng sẽ có nước về bổ sung.

Như vậy, với các biện pháp tiết kiệm nước tưới đang được áp dụng, lượng nước còn lại trong hồ có thể sử dụng đến cuối tháng 5.2011. Để có thể giữ được lượng nước trong hồ đủ tưới đến đầu mùa mưa thì trước tiên là phải đảm bảo biện pháp tưới luân phiên thật chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện tại việc thực hiện tưới luân phiên có khó khăn do thực tế vẫn còn một số tuyến kênh cấp 2, 3 chưa thi công nâng cấp hoàn chỉnh. Hiện tại trên các tuyến kênh này nhà thầu thi công tranh thủ những ngày cắt theo lịch tưới luân phiên để thi công tiếp. Điều này có gây băn khoăn cho công việc tưới tiêu nếu như đơn vị thi công không đảm bảo tiến độ trong thời gian cắt nước. Do đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đã thoả thuận với đơn vị thi công, lập văn bản ký kết và công khai cho dân được biết để hỗ trợ công ty trong việc giám sát tiến độ.

SƠN TRẦN