BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hồ Dầu Tiếng: Vẫn còn nhiều người sử dụng ngư cụ cấm  

Cập nhật ngày: 13/03/2021 - 11:47

BTNO - Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, năm 2020, ngành đã tổ chức đoàn kiểm tra tại huyện Dương Minh Châu, phát hiện 2.000m lưới đăng, 300m lưới dớn vắng chủ khai thác thuỷ sản trái phép trong hồ Dầu Tiếng. Các loại ngư cụ này không dành hành lang cho loài thuỷ sản di chuyển.

Ngư dân thăm dớn trong lòng hồ Dầu Tiếng (ấp B4, xã Phước Minh).

Ðoàn kiểm tra đã cắt một số đoạn lưới dẫn để tạo đường di chuyển cho cá; tạm giữ nhiều tang vật vi phạm hành chính vắng chủ, chờ xử lý 281 lồng xếp, 4 tay lưới nhủi, 3 càng chích điện, khoảng 800m lưới dớn, 2 cái cân đồng hồ hiệu Nhơn Hoà loại 30kg, 60 cái túi dớn, 1.050m lưới bén, 24 cái lờ bóng.

Trên địa bàn huyện Tân Châu, đoàn kiểm tra lập biên bản, bàn giao UBND huyện xử lý 7 phương tiện đang neo đậu tại bến, trên các phương tiện tàng trữ tổng cộng 703 cái lồng xếp.

Ngoài ra, đoàn còn phát hiện khoảng 300m lưới dớn, 1 tay lưới xanh vắng chủ khai thác trái phép trong lòng hồ, không dành hành lang cho thuỷ sản di chuyển.

Ðoàn kiểm tra đã cắt một số đoạn lưới dẫn để tạo đường di chuyển cho cá, tạm giữ tang vật vi phạm hành chính vắng chủ, chờ xử lý 856 cái lồng xếp, 13 tay lưới nhủi, 235 bộ lưới dớn, 3.650m lưới bén, 2 cái lờ bóng, 8 túi dớn, khoảng 500m lưới kéo có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, cắt bỏ 40 dây quay vó đang lén lút khai thác thuỷ sản trái phép.

Các tang vật vi phạm đã bị tiêu huỷ, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản, nhất là tại các “điểm nóng” tại các khu vực trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn các xã Phước Minh, Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu; xã Tân Hoà, Tân Thành, huyện Tân Châu; lưu vực sông Vàm Cỏ Ðông tập trung tại các bến bãi ven sông như Bến Trường, xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành; khu vực Gò Kén, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành; một số bến bãi thuộc các xã Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu.

Dớn vẫn dày đặc tại ngọn suối Mật Cật.

Một ngư dân thả ngư cụ cấm 18 cửa ngục tại ngọn suối Mật Cật (ảnh cắt từ video clip).

Thực tế trong lòng hồ Dầu Tiếng, tại khu vực thuộc ấp B4, xã Phước Minh hiện còn khá nhiều ghe nhủi, hoạt động từ 17 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, đánh bắt chủ yếu là các loài cá nhỏ, nhất là cá cơm, tép, lòng tong, cá sơn... Ngoài ra, ở vùng bán ngập, đánh bắt bằng dớn vẫn còn phổ biến.

Trên địa bàn huyện Tân Châu, tại ngọn Mật Cật (ấp 6, xã Suối Dây), dớn dày đặc dưới các ngọn suối; âm dưới nước là vô số ngư cụ 18 cửa ngục... bày bố kiểu “thiên la địa võng”. Khi chúng tôi đến đây, một ngư dân chở đầy ghe ngư cụ 18 cửa ngục thả xuống suối với chiều dài khoảng 1km (nối lại với nhau).

Riêng loại ngư cụ này có thể bẫy cá với nhiều kích cỡ, được đặt nhiều nhất tại các ngọn suối Ðồng Kèn 1, Ðồng Kèn 2 (theo cách gọi của người dân địa phương), Ngọn B, thuộc địa bàn xã Tân Thành. Dân chích cá, kéo lưới rất sợ ngư cụ 18 cửa ngục, vì khung lưới được làm bằng sắt, lại đặt âm ngang dọc dưới đáy suối nên họ thường xuyên giẫm phải sắt gỉ sét, kéo lưới thì bị vướng đường chì.

Ngư cụ 18 cửa ngục đặt tại ngọn suối Đồng Kèn 2.

Một ngư dân thăm Ngư cụ 18 cửa ngục tại ngọn suối Đồng Kèn 1.

Ghe nhũi hoạt động trong lòng hồ Dầu Tiếng (ấp B4, xã Phước Minh).

Một điểm tập kết nhiều ghe nhũi trong lòng hồ (ấp B4, xã Phước Minh).

Một số ngư dân cho hay, những người đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng đa phần muốn kiếm thêm thu nhập ngoài nghề chính là nông nghiệp, hoặc để cải thiện bữa ăn, rồi đến những người sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản…

Tất cả chen nhau tận thu một nguồn lợi có giới hạn. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có giải pháp kiểm soát hiệu quả hơn đối với thực trạng đánh bắt thuỷ sản một cách tận diệt ở hồ Dầu Tiếng nói riêng, trên địa bàn toàn tỉnh nói chung.

Minh Quốc