Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam (30.4.1975 - 30.4.2023):
Hồi ức về ngày giải phóng huyện Châu Thành
Thứ bảy: 22:23 ngày 29/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chỉ trong một thời gian ngắn, quân và dân huyện Châu Thành bằng lực lượng tại chỗ với 3 mũi giáp công đã tự lực giải phóng quê hương mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao góp phần giải phóng tỉnh nhà.

Ông Tám Dân cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm ngày 30.4.1975

Cùng với cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Châu Thành và Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hảo Đước, chúng tôi đến thăm CCB Dương Thành Dân, tên thường gọi là Tám Dân, sinh năm 1948, ngụ ấp Bàu Sen, xã Hảo Đước, là cán bộ chỉ huy trong chiến dịch giải phóng huyện Châu Thành 30.4.1975.

Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, gương mặt cương nghị, giọng nói hào sảng, khó ai tin ông Tám Dân đã ngoài 70 tuổi. Phía sau thần sắc ấy là bản lĩnh của người lính Cụ Hồ đã được rèn luyện qua khói lửa, đạn bom, góp phần viết nên khúc ca khải hoàn của Đại thắng mùa xuân 48 năm trước.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1964, chàng trai Dương Thành Dân tham gia kháng chiến khi mới 16 tuổi và được phân công làm giao liên cho huyện Châu Thành. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năm 1967 được kết nạp vào Đảng. Năm 1972, ông là trinh sát an ninh vũ trang huyện Châu Thành.

Năm 1973, ông được phân công  về làm Bí thư Chi bộ xã Thái Bình A (lúc đó chưa thành lập đảng bộ). Có thời gian ông là Chính trị viên Mặt trận lộ 13. Sau 1975, ông là cán bộ an ninh Công an Châu Thành. Trước khi nghỉ hưu, ông là Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống ma tuý Công an Tây Ninh.

Hơn 48 năm trôi qua, nhưng hồi ức về những ngày tháng chiến đấu vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của ông Tám. Cầm trên tay cuốn sách “Lịch sử lực lượng võ trang nhân dân huyện Châu Thành", vừa kể vừa lật tới trang 307 có chủ đề “Lực lượng võ trang huyện Châu Thành hoàn thành xuất sắc vai trò nòng cốt, phục vụ Đảng bộ, chính quyền cách mạng và nhân dân, thực hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, tự lực giải phóng huyện nhà”.

Vừa đọc, ông Tám vừa kể: Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, đầu tháng 4.1975, Trung ương Cục tổ chức hội nghị khẩn cấp, đồng chí Nguyễn Văn Hải- Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Thanh Dương- Thường vụ Tỉnh uỷ, Tỉnh đội trưởng thay mặt Đảng bộ và quân dân Tây Ninh dự hội nghị quan trọng này.

Tại hội nghị, Trung ương trực tiếp giao nhiệm vụ cho Tây Ninh tự giải phóng địa phương mình: “Tây Ninh phải tổ chức đánh địch liên tục để kiềm chế Sư đoàn 25. Liên đoàn biệt kích số 81, Liên đoàn biệt động quân số 33 và toàn bộ lực lượng quân nguỵ ở địa phương không cho chúng rút chạy về Sài Gòn để góp phần tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định”.

Chấp hành chỉ thị đó, trong cuộc họp Tỉnh uỷ mở rộng có các đồng chí Bí thư Huyện uỷ, Thị uỷ, Huyện - Thị đội, các Chỉ huy trưởng, Chính trị viên các đơn vị đề ra kế hoạch cụ thể: Huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã, quyết không để địch từ địa bàn này chạy sang địa bàn khác. Nhanh chóng vận động nhân dân đưa con em tham gia lực lượng.

Tại huyện Châu Thành, trong vòng tháng 3 và tháng 4, đã phát triển 3 tiểu đoàn mới, mỗi Tiểu đoàn 300 quân. Tiểu đoàn 1 thành lập vào tháng 3.1975 do đồng chí Chín Thành làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Quang làm Chính trị viên. Toàn bộ C40 và B12 của huyện nằm trong đội hình Tiểu đoàn 1.

Đầu tháng 4.1975, huyện Châu Thành quyết định thành lập thêm 2 tiểu đoàn khác và ra mắt ngày 20.4.1975. Cán bộ cốt cán lấy từ C40 và B12 cộng với cán bộ văn phòng Huyện đội. Thời gian này, du kích các xã cũng phát triển, mỗi xã có 2 trung đội.

Đi đôi với phong trào tòng quân là phong trào đóng góp nuôi quân phát triển rầm rộ, tự giác của nhân dân trong huyện. Chỉ trong vòng gần 1 tháng, huyện đã thu nhận hàng trăm tấn gạo, hơn 200 triệu đồng và nhiều dụng cụ, thuốc men, phương tiện vận tải để tập trung cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng quê hương. Cả ngày lẫn đêm, hàng trăm xe bò, xe trâu vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận. Hàng trăm trung niên, một số người lớn tuổi sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ tải đạn, chuyển thương binh, liệt sĩ…

Vào lúc 00 giờ ngày 25.4.1975, Bộ Tư lệnh Miền chính thức ban hành mệnh lệnh: “Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu”. Tại huyện Châu Thành, Ban Chỉ huy Quân sự giao nhiệm vụ: Tiểu đoàn 2 do đồng chí Ba Một- Huyện đội phó làm Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn, có nhiệm vụ chiếm lộ 7 Thanh Điền phía Tây Thị xã, không cho địch chạy về cố thủ tiểu khu Tây Ninh.

Tiểu đoàn 3, đồng chí Ba Ưa- Huyện đội phó làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Trần Cao Vân- cán bộ Tuyên giáo được điều sang làm Chính trị viên Tiểu đoàn chia làm 2 bộ phận; bộ phận thứ nhất gồm 2 đại đội và Tiểu đoàn bộ có nhiệm vụ cắt đứt lộ 13 Tam Hạp, tấn công Chi khu Phước Ninh, do đồng chí Ba Ưa- Tiểu đoàn trưởng làm Chỉ huy trưởng, lúc đó, ông Tám Dân là Bí thư Chi bộ xã Thái Bình A được phân công làm Chính trị viên. Bộ phận thứ 2, một đại đội chiếm Cầy Xiêng - Tua Hai.

Đến 17 giờ ngày 29.4.1975, các bộ phận được lệnh hành quân. Tiểu đoàn 2 từ Ninh Điền vượt sông qua Thanh Điền, Tiểu đoàn 3, vượt sông Bến Cừ qua Tam Hạp, Thái Bình. Sáng 30.4.1975, các cánh quân của ta đã chiếm lĩnh các vị trí quy định.

Đến 10 giờ ngày 30.4.1975, qua điện báo của tỉnh, đồng chí Ba Một nắm được tin địch ở Tiểu khu Tây Ninh đã cử người liên lạc với Ban Chỉ huy Giải phóng tỉnh xin đầu hàng. Đồng chí Ba Một ra lệnh cho đồng chí Vũ Trường Lâm- Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 2 quyết định không tiến công bằng lực lượng võ trang mà dùng lực lượng quần chúng nhân dân đấu tranh chính trị.

Trước sức thuyết phục của đông đảo nhân dân, đến khoảng hơn 10 giờ, địch ở đồn công sở kéo nhau ra đầu hàng, giao nộp vũ khí. Riêng đồn Ba Lý ngoan cố đến hơn 10 giờ mới chịu buông súng ra đầu hàng. Ta giải phóng toàn bộ khu Thanh Điền.

Tiểu đoàn 2 chiếm cầu Quan, Thị xã, sau đó bắt liên lạc với cánh quân ở Cầy Xiêng, địch ở Tua Hai cũng buông súng đầu hàng. Tiểu đoàn 3 đánh chiếm Chi khu Phước Ninh và khu Cao Xá, toàn bộ quân nguỵ ở đây cũng đầu hàng lúc 10 giờ. Toàn bộ huyện Châu Thành địch đầu hàng, tan rã, ta giải phóng huyện vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 30.4.1975.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, quân và dân huyện Châu Thành bằng lực lượng tại chỗ với 3 mũi giáp công đã tự lực giải phóng quê hương mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao góp phần giải phóng tỉnh nhà.

(Ghi theo lời kể của CCB Dương Thành Dân)

Tố Tuấn-Hà Quang

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh