Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong hai tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác hải sản ước đạt 389 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó khai thác biển ước đạt 373 nghìn tấn, tăng 3,7%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản hai tháng đầu năm ước đạt 463 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, mức tăng sản lượng khai thác biển là một tín hiệu vui đối với ngư dân đánh bắt xa bờ, nhất là sau sự cố môi trường biển xảy ra ở bốn tỉnh miền trung trong năm 2016.
Nhiều chuyến ra khơi đầu năm của ngư dân các tỉnh ven biển trên cả nước rộn ràng niềm vui trúng vụ, được giá. Không chỉ vậy, cuối năm qua, Chính phủ đã có Nghị quyết số 113/NQ-CP về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2016; theo đó, Chính phủ thống nhất kéo dài thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản thêm một năm (đến hết năm 2017).
Có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2014, sau hơn hai năm thực hiện Nghị định 67, kết quả dễ nhận thấy nhất là đội tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn của hầu hết các tỉnh ven biển tăng lên nhanh chóng nhờ những ưu đãi về chính sách: vay vốn ưu đãi đóng mới, cải hoán tàu vỏ thép, vỏ gỗ công suất lớn; hỗ trợ bảo hiểm tàu cá; đào tạo thuyền trưởng… Chính vì vậy, việc kéo dài thêm một năm thực hiện các ưu đãi trên đã tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân trong hành trình vươn khơi, bám biển, làm giàu.
Tuy nhiên, những hỗ trợ nêu trên vẫn là hỗ trợ “trên bờ”. Trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, ngư dân còn đối mặt rất nhiều rủi ro tiềm ẩn như: thiên tai, tàu bị phá nước, bị tàu khác đâm chìm, nguy cơ vi phạm đánh bắt trên những ngư trường giáp ranh của nước ta với một số nước khác… có thể gây thiệt hại về tài sản và tính mạng. Chính vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu lớn vươn khơi thì điều quan trọng khác là các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền cho ngư dân về tình hình biển đảo, các luật về biển, giao thông đường thủy, thủy sản. Đồng thời hướng dẫn cho ngư dân phương pháp ứng phó với tàu thuyền nước ngoài cũng như cách thức nắm bắt, phản ánh các hoạt động xâm phạm chủ quyền nhằm giúp ngư dân tự bảo vệ mình và nâng cao hiệu quả khai thác. Đặc biệt, Cục Kiểm ngư cần tăng cường phối hợp các lực lượng thực thi pháp luật khác trên biển, thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển để động viên, bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác. Còn với ngư dân, khi đánh bắt trên biển cũng cần chủ động bảo đảm an toàn các phương tiện, liên kết thành những tổ đội sản xuất với đầy đủ phương tiện thông tin để liên lạc với các cơ quan chức năng khi có sự cố xảy ra.
Hoạt động khai thác hải sản không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà sự hiện diện của ngư dân trên biển còn góp phần quan trọng trong việc khẳng định và giữ gìn vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Do đó, tăng cường hỗ trợ ngư dân trên biển cũng là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên của các cơ quan chức năng.
Nguồn Báo Nhân dân